Người theo dõi

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Nhìn lại hai năm Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Biên niên các sự kiện

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã trải qua hai năm (2018 và 2019). Nước Mỹ là bên châm ngòi cho cuộc thương chiến do thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc ngày càng gia tăng nhanh chóng, chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn cầu.
Căng thẳng thương mại này đã mang đến cả thời cơ lẫn thách thức, ai chớp được thời cơ, hạn chế được các thách thức sẽ là kẻ thành công.
Trước khi có số liệu kinh tế đầy đủ của năm 2019 để đánh giá được - mất, thành - bại của các bên, ta cùng nhìn lại các diễn biến nổi bật của cuộc thương chiến này.

Tháng 3/2018, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết trong vài tuần tới, Tổng thống Donal Trump sẽ sớm cân nhắc các biện pháp trừng phạt Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm luật sở hữu trí tuệ của Washington.
Đây là một trong nhiều bước đi mà ông chủ Nhà Trắng sẵn sàng thực hiện nhằm chống lại những biện pháp thương mại mà ông cho là bất công.
Đáp lại, ngày 20/3/2018, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố “sẽ không có người thắng kẻ thua” trong cuộc chiến tranh thương mại nếu xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo ông, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nếu xảy ra sẽ đi ngược lại các nguyên tắc thương mại, từng được đàm phán, tham vấn và đối thoại giữa các bên.
Ngày 22/3/2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức khai hỏa “chiến tranh thương mại” với việc ký quyết định áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do chống lại việc ăp cắp bản quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.
Ngày 23/3/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ kiềm chế và thận trọng, tránh đẩy quan hệ thương mại song phương vào tình thế nguy hiểm. Cùng ngày, Mỹ đã khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Ngày 24/3/2018, Phó Thủ tướng Trung Quốc kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ Tài chính và Kinh tế Trung ương Lưu Hạc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, bày tỏ Báo cáo điều tra theo Điều khoản 301 mà Mỹ công bố đã đi ngược lại quy tắc thương mại quốc tế, gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, Mỹ và lợi ích của cả thế giới. Ông khẳng định Trung Quốc đã làm tốt công tác chuẩn bị, có đủ khả năng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ngày 26/3/2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Mỹ để giải quyết bất đồng về thương mại. 
Vào ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ bao gồm phế liệu nhôm, máy bay, ô tô, sản phẩm thịt lợn và đậu nành (có thuế suất 25%), cũng như trái cây, hạt và ống thép (15%)
Ngày 5/4/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét tăng gấp đôi mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 6/4/2018, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại với “bất kỳ giá nào” và áp dụng mọi biện pháp toàn diện nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương. Rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, song cũng không sợ một cuộc chiến như vậy.
Đầu tháng 5/2018, Phái đoàn thương mại hai nước Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tổ chức Tham vấn thương mại song phương. Sau 2 ngày, hai bên đã cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại, cũng như trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Giữa tháng 5/2018, Trung Quốc đề xuất một gói nhượng bộ thương mại và tăng mua hàng hóa Mỹ nhằm làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc khoảng 200 tỷ USD/năm.
Cuối tháng 5/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra tuyên bố chỉ trích các biện pháp của Mỹ chống hoạt động đầu tư của Trung Quốc đi ngược lại quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đồng thời khẳng định Bắc Kinh có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả.
Vòng đàm phán thứ ba về kinh tế giữa hai nước diễn ra ngày 2-3/6/2018 kết thúc được cho là đã đạt một số tiến bộ đặc biệt.
Ngày 14/6/2018, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thăm Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định Washinton và Bắc Kinh nên tận dụng các cơ chế song phương trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 15/6/2018, Trung Quốc cho biết sẽ ngay lập tức đáp trả với mức thuế tương đương để bảo vệ nền kinh tế.
Ngày 6/7/2018, Quyết định của Chính quyền Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao chính thức có hiệu lực. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ nhanh chóng có hành động đáp trả vào khối lượng hàng hóa tương tự của Mỹ.
Ngày 1/12/2018, Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 tại Argentina, nhằm giải quyết những bất đồng có nguy cơ gây tổn hại đến hai nước. Cả hai đều đồng ý về một lệnh ngừng bắn. Washington đình chỉ trong 3 tháng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua lại một lượng sản phẩm “đáng kể” của Mỹ và đình chỉ việc áp thêm thuế đối với oto và phụ tung oto Mỹ trong ba tháng.
Ngày 7-9/1/2019, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu cuộc hội đàm tại Bắc Kinh sau khi đạt được "thỏa thuận đình chiến thương mại". Cuộc thảo luận bao gồm: (i) vấn đề về thương mại như mất cân bằng thương mại trong những lĩnh vực nhất định; (ii) những vấn đề về thể chế như chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ tài sản trí tuệ và hàng rào phi thuế quan. Cuộc gặp được cho là đã đặt nền tảng hướng tới giải quyết vấn đề các bên quan tâm nhưng những vấn đề quan trọng vẫn còn.
Ngày 30-31/1/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành cuộc hội đàm lần hai tại Washington. Trung Quốc đã đề nghị mua 5 triệu tấn dầu đậu tương từ Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông và Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp trực tiếp vào tháng Hai.
Ngày 7/2/2019, Tổng thống Mỹ thông báo rằng ông và ông Tập Cận Bình sẽ không gặp nhau trước ngày thỏa thuận đình chiến hết hạn (ngày 01/03/2019).
Ngày 11-15/2/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hội đàm tại Bắc Kinh. Hai bên vẫn chưa giải quyết được bất đồng nhưng đồng ý tiếp tục các cuộc thảo luận tại Washington tuần tới.
Ngày 21-24/2/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hội đàm tại Washington. Tổng thống Trump thông báo gia hạn đình chiến thương mại Mỹ- Trung vì những nỗ lực đã đạt được trong các cuộc đàm phán.
Ngày 3-5/4/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hội đàm tại Washington.
Ngày 10/4/2019, Mỹ và Trung Quốc đồng ý thành lập một “văn phòng thực thi” để quản lý việc tuân thủ thỏa thuận thương mại giữa hai nước, dự kiến sẽ sớm hoàn tất trong năm 2019.
30/4-1/5/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hội đàm ở Bắc Kinh.
Ngày 9-10/5/2019, Mỹ và Trung Quốc kết thúc vòng tham vấn kinh tế và thương mại cấp cao lần thứ 11. 
Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc do bế tắc trong đàm phán. 
Tổng thống Donald Trump ngày 13/5/2019 cảnh báo Trung Quốc không nên đáp trả quyết định của Washington về việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa.
Bỏ ngoài tai lời cảnh báo, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực ngày 1/6/2019.
Ngày 15/5/2019, Tổng thống Donald Trump mở ra một mặt trận mới bằng cách cấm Huawei mua linh kiện Mỹ và ngăn chặn các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài được coi là có rủi ro an ninh cao.
Ngày 16/5/2019, Huawei tuyên bố những hạn chế vô lý của Mỹ đã xâm phạm các quyền tự nhiên của Tập đoàn này.
Ngày 19/5/2019, Google tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei, điện thoại của Huawei sẽ mất quyền truy cập đầy đủ vào các dịch vụ của Google. 
Ngày 20/5/2019, Mỹ nới lỏng một số hạn chế đối với Huawei trong 90 ngày, cho phép tập đoàn này tiếp tục mua hàng Mỹ nhằm hạn chế tác động không mong muốn đối với các bên thứ ba đang sử dụng thiết bị hoặc hệ thống của Huawei, trong đó có các nhà mạng ở vùng nông thôn Mỹ.
Ngày 23/5/2019, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận đã gửi kháng nghị chính thức đến Mỹ về việc Bộ Thương mại Mỹ bổ sung Tập đoàn Công nghệ viễn thông Huawei và 68 thực thể khác vào một danh sách đen xuất khẩu.
Ngày 1/6/2019, Mỹ bắt đầu áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc cũng nâng mức thuế tương tự đối với 5140 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD; Huawei đã cho hồi hương các nhân viên Mỹ làm việc tại Thâm Quyến từ 2 tuần trước đó. Đồng thời, Trung Quốc lên kế hoạch hạn chế cung cấp đất hiếm cho Washington vốn được dùng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, mà Mỹ hiện đang phụ thuộc tới 80% nguồn cung từ Trung Quốc.
Ngày 21/6/2019, Mỹ bổ sung thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc vào "Danh sách thực thể", cấm các doanh nghiệp này mua linh kiện và phụ tùng của Mỹ nếu chưa được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. 5 công ty bao gồm: Higon, Sugon, Chengdu Haiguang Integrated Circuit, Chengdu Haiguang Microelectronics Technology và Viện Nghiên cứu công nghệ máy tính Wuxi Jiangnan.
Ngày 29/6/2019, Mỹ và Trung Quốc tái khởi động đàm phán thương mại. Tổng thống Trump thông báo nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu linh kiện công nghệ cho Huawei.
Ngày 9/7/2019, Mỹ miễn bỏ mức thuế bổ sung 25% cho 110 dòng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực 1 năm kể từ ngày 9/7/2019; đồng thời sẽ cấp phép cho các công ty Mỹ bán linh kiện cho Huawei nếu không đe dọa tới an ninh quốc gia.
Ngày 16/7/2019, Mỹ đe dọa đánh thuế lên 325 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc
Ngày 30-31/7/2019, Mỹ và Trung Quốc hoàn tất vòng đàm phán tại Thượng Hải với rất ít tiến triển. Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều nông sản từ Mỹ hơn.
Ngày 6/8/2019, theo sự ủy quyền của Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã ra quyết định liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Cùng ngày, Các công ty Trung Quốc ngừng mua nông sản từ Mỹ.
Ngày 13/8/2019, Mỹ và Trung Quốc đồng thuận sẽ tái khởi động lại đàm phán qua điện thoại trong vòng 2 tuần tới. Mỹ thông báo tạm ngừng đánh mức thuế bổ sung 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến vào ngày 15/12. Mức thuế bổ sung 10% Mỹ áp dụng lên hàng nhập khẩu Trung vẫn sẽ có hiệu lực từ 1/9 theo đúng kế hoạch.
Ngày 2/9/2019, Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO phản đối mức thuế nhập khẩu bổ sung đánh lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ
Ngày 5/9/2019, Mỹ và Trung Quốc đồng thuận tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ 13 vào đầu tháng 10/2019 tại Washington.
Ngày 11/9/2019, Mỹ dời ngày tăng thuế với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/10 thành 15/10, nhân Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh của Trung Quốc. Trung Quốc công bố danh sách miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ, có hiệu lực từ ngày 17/9/2019 đến ngày 16/9/2020.
Ngày 13/9/2019, Đáp lại việc hoãn tăng thuế của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố loại đậu nành, thịt heo và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung.
Ngày 19-20/9/2019, Mỹ và Trung Quốc đối thoại thương mại cấp trung ở Washington.
Ngày 20/9/2019, Mỹ công bố danh sách miễn thuế mới cho 437 mặt hàng từ Trung Quốc.
Ngày 11/10/2019, Mỹ tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 và hoãn kế hoạch tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10.
Ngày 18/10/2019, Mỹ tuyên bố tiến hành một vòng miễn thuế mới từ 31/10/2019 đến 31/01/2020 cho 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế bổ sung 15% theo Danh sách 4A vào tháng 8/2019.
Ngày 1/11/2019, Trung Quốc thắng kiện ở WTO, được phép áp dụng biện pháp trừng phạt đối với 3,6 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ do Mỹ đã không tuân thủ các quy tắc chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 7-8/11/2019, Mỹ và Trung Quốc đồng ý thảo luận về việc giảm thuế đối với hàng hóa hai bên theo giai đoạn.
Ngày 13/12/2019, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. 
Mỹ đồng ý dừng đợt tăng thuế tiếp theo với hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12, và giảm mức thuế ngày 1/9/2019 từ 15% xuống còn 7,5%. Mức thuế 25% cho 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc vẫn giữ nguyên. 
Trung Quốc đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong 2 năm tới, đình chỉ kế hoạch áp thuế trả đũa, cam kết thực thi các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và có một lộ trình tháo bỏ thuế quan. Đồng thời, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu từ 40 đến 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ mỗi năm trong 2 năm tiếp theo. 
Ngày 19/12/2019, Trung Quốc ban hành danh sách miễn áp thuế bổ sung thứ hai cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Danh sách miễn trừ này được áp dụng cho vòng áp thuế bổ sung thứ nhất và có hiệu lực từ 26/12/2019 đến 25/12/2020.
Ngày 13/1/2020, Mỹ chính thức đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Ngày 15/1/2019, Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trung Quốc đồng ý mua 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong vòng 2 năm.
Mỹ cam kết không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế quan đã áp lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Mức thuế 15% được áp ngày 1-9-2019 lên 120 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%.
Chu Hoàng, Tổng hợp từ TTXVN & Trung tâm WTO và Hội nhập 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét