Người theo dõi

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Quan hệ an ninh, quốc phòng Nhật Bản - Trung Quốc thời Thủ tướng Shinzo Abe

Dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe (nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay), Nhật Bản và Trung Quốc luôn cố gắng thúc đẩy trao đổi quốc phòng với nhau, tuy vậy quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc trên lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nếu không kể tới Mỹ là đồng minh số một của Nhật BảnSách Trắng Quốc phòng Nhật Bản xuất bản trong các năm nắm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe từ năm 2012 đến năm 2017 đều xếp Trung Quốc vào chủ thể ưu tiên thứ tư (sau Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ). Nhưng rõ ràng, quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc không có được sự tin cậy cần thiết bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, ngoài các nguyên nhân bên trong giữa hai quốc gia này như vấn đề tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh lợi ích địa chiến lược hay hệ lụy từ quá khứ mà còn xuất phát từ nhân tố bên ngoài. Mỹ là yếu tố đặc biệt quan trọng khiến quan hệ an ninh, quốc phòng Nhật Bản - Trung Quốc khó có thể được điều chỉnh theo đúng mong muốn của Nhật Bản.
Để thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm duy trì vị thế số một thế giới, Mỹ đã thiết lập căn cứ quân sự trên khắp thế giới tại lãnh thổ các nước đồng minh. Ở Châu Á, Nhật Bản là quốc gia đồng minh quan trọng nhất, nằm dưới ô bảo trợ của siêu cường này. Rải rác trên khắp lãnh thổ Nhật Bản, Mỹ đã thiết lập hàng loạt các căn cứ quân sự [1]. Các căn cứ này không chỉ nhằm mục đích kiểm soát tình hình trên bán đảo Triều Tiên mà còn trực tiếp phục vụ mục đích kiềm chế Nga và Trung Quốc, gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó khiến ngoại giao Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn trong quan hệ với hai cường quốc láng giềng. Trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện tham vọng trở thành một siêu cường biển, họ không thể tỏ ra hài lòng khi luôn có mối đe dọa thường trực từ phía Nhật Bản.
Ngày 23 tháng 11 năm 2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông, cụ thể là phạm vi không phận giữa sáu điểm: 34 độ 11 phút vĩ độ bắc, 121 độ 47 phút kinh độ đông; 33 độ 11 phút vĩ độ bắc, 125 độ 00 phút kinh độ đông; 31 độ 00 phút vĩ độ bắc 128 độ 20 phút kinh độ đông; 25 độ 38 phút vĩ độ bắc, 125 độ 00 phút kinh độ đông; 24 độ 45 phút vĩ độ bắc, 123 độ 00 phút kinh độ đông; 26 độ 44 phút vĩ độ bắc và 120 độ 58 phút kinh độ đông, bao trùm lên toàn bộ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư [2].
Bản đồ Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc
Đồng thời, Trung Quốc đưa ra bộ quy tắc nhận dạng máy bay ở Vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông Trung Quốc như sau:
1.  Nhận dạng bằng kế hoạch bay: Các máy bay ở trong Vùng nhận dạng phòng không biển Đông Trung Quốc phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hoặc Tổng cục Hàng không dân dụng về kế hoạch bay.
2.  Nhận dạng bằng sóng radio: Các máy bay phải giữ thông tin vô tuyến trực tuyến hai chiều, trả lời trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất đối với các yêu cầu nhận dạng của cơ quan quản lý hành chính của vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông hoặc đơn vị được ủy quyền.
3.  Nhận dạng bằng bộ phát đáp: Các máy bay có trang bị bộ phát đáp radar thứ cấp phải giữ bộ phát đáp hoạt động trong suốt chuyến bay.
4.  Nhận dạng biểu trưng: Các máy bay trong Vùng nhận dạng phòng không biển Đông Trung Quốc phải thể hiện rõ ràng quốc tịch và biểu trưng nhận dạng đăng ký theo các hiệp ước quốc tế có liên quan [3].
Đối với Trung Quốc, việc thiết lập ADIZ nhằm các mục đích cụ thể: Một là, tăng cường khả năng kiểm soát tuyến hàng hải qua biển Hoa Đông; Hai là, tạo ra một phép thử cho Liên minh Nhật Bản - Mỹ, thách thức vị thế của liên minh này tại khu vực Đông Bắc Á. Hành động của Trung Quốc ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt của Nhật Bản và Hàn Quốc cùng nhiều quốc gia khác. Thủ tướng Shinzo Abe đã lên án tuyên bố của Trung Quốc như một nỗ lực nguy hại nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông thông qua ép buộc, ông cũng cho biết sẽ bảo vệ vùng trời, vùng biển Nhật Bản, và yêu cầu Bắc Kinh “thu hồi bất kỳ biện pháp nào có thể xâm phạm quyền tự do hàng không trong không phận quốc tế”[4].
Trên thực tế, mặc dù việc Trung Quốc thiết lập ADIZ tại vùng biển Hoa Đông gây thêm căng thẳng cho quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc không chỉ ở vùng biển mà còn mở rộng ra khắp vùng trời tại khu vực này, tuy nhiên hiệu quả đạt được của ADIZ trong chiến lược của Trung Quốc không quá nhiều do phản ứng của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Australia. Do vậy, ADIZ của Trung Quốc chưa đủ để tạo ra một chuyển biến lớn trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc vốn đã không quá tốt đẹp kể từ năm 2012. Sự kiện này tuy làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai nước nhưng không đủ để đưa tình trạng căng thẳng lên cao tới mức mất kiểm soát. 
Trong hợp tác kĩ thuật, thương mại quân sự, hoạt động mua bán, trao đổi vũ khí, trang thiết bị quốc phòng giữa hai nước là hầu như không có dấu ấn nào đặc biệt. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu: 
Một là, Quân đội Nhật Bản và Trung Quốc sử dụng hệ thống vũ khí, trang thiết bị quân sự hoàn toàn khác nhau. Nhật Bản trung thành với nền tảng kĩ thuật quân sự của Mỹ trong khi Trung Quốc có lượng lớn vũ khí có nguồn gốc từ Nga bên cạnh việc tự phát triển nền tảng khoa học quân sự dựa trên các yếu tố vay mượn, thậm chí là đánh cắp. Do đó, cơ sở kĩ thuật của hai bên cơ bản là không tương thích, hoạt động thương mại quốc phòng giữa Nhật Bản và Trung Quốc hầu như không khả thi.
Hai là, lòng tin cậy của hai nước dành cho nhau là không nhiều, Nhật Bản luôn có những đề phòng trước định hướng phát triển của Trung Quốc. Do đó, phát triển thêm kĩ thuật quân sự tương tự Trung Quốc không phải là điều mà các lãnh đạo cấp cao Nhật Bản có thể đặt niềm tin. 
Một điểm sáng trong quan hệ quốc phòng, an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc thời kì cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe có thể nói tới việc hai bên đã nỗ lực đưa ra nhiều sáng kiến nhằm hạn chế, ngăn chặn các va chạm có khả năng xảy ra ở trên biển. Từ năm 2012, Nhật Bản và Trung Quốc đã bắt đầu cố gắng xây dựng một cơ chế liên lạc hàng hải gồm ba nội dung: Tổ chức các cuộc họp thường niên giữa các chuyên gia; Thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan quốc phòng cấp cao của Nhật Bản và Trung Quốc; Giữ liên lạc trực tiếp giữa các tàu hải quân và máy bay [5]. Cho đến hiện nay, hai quốc gia vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhằm hiện thực hóa cơ chế hợp tác này. Đáng chú ý, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - Trung Quốc bên lề Hội nghị ADMM+ năm 2015, hai bên đã tiếp tục chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của cơ chế hợp tác hàng hải cũng như thẳng thắn trao đổi các vấn đề khác nhau của hai nước [6]. Năm 2015 cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi cơ chế đối thoại an ninh song phương được nối lại sau 4 năm gián đoạn [7]. Nhờ đó, việc trao đổi quan điểm về chính sách an ninh, quốc phòng cũng như các vấn đề khác giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên dễ dàng, cởi mở hơn.
Trước nguy cơ khủng bố có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, từ năm 2012 đến năm 2018, Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc đã 4 lần tổ chức Hội nghị Tham vấn chống khủng bố vào các năm 2012, 2015, 2016 và 2018 [8]. Sự kiện được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011, thời điểm này chỉ có Nhật Bản và Trung Quốc đàm phán song phương, sau đó mở rộng thêm Hàn Quốc. Thông qua việc tham vấn, chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm, ba nước tích cực cùng nhau hợp tác đấu tranh trước nguy cơ khủng bố đang có xu hướng gia tăng, gây mất an ninh ở khu vực cũng như ở phạm vi toàn cầu. Cơ chế hợp tác mới này cũng góp phần nhất định trong việc tăng cường lòng tin giữa hai quốc gia vốn còn rất nhiều vướng mắc trong quan hệ song phương.
Có thể thấy, hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng chưa thực sự phát triển tương xứng với các lĩnh vực khác, nhưng Nhật Bản và Trung Quốc đang tỏ ra rất tích cực trao đổi quan điểm của mình bằng cả hai cách trực tiếp và gián tiếp trên các diễn đàn đa phương mà họ cùng tham gia, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (Đối thoại Shangri La), Hội nghị Thượng đỉnh ba bên (Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc). 
Dưới thời kỳ cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe (tập trung vào giai đoạn 2012 đến nay), quan hệ an ninh, quốc phòng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã đi “từ đóng băng đến phá băng”. Cả hai đều cố gắng thúc đẩy quan hệ song phương, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều mâu thuẫn có thể gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực. Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc vốn đang có xu hướng dịch chuyển từ quan hệ giữa hai cường quốc bình đẳng sang trạng thái bất bình đẳng hơn. Đó là mối quan hệ giữa một cường quốc cũ với một siêu cường mới của thế giới. Điều đó đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức mới cho Nhật Bản trong cách ứng phó với Trung Quốc trong tương lai.
Lê Khánh Phương,
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử.

________________________________________
[1] Japan Ministry of Defense (2016), Defense of Japan 2016, Tokyo, Japan, p. 254.
[2] Bộ Quốc phòng Trung Quốc (2013), Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông Trung Quốc (tiếng Trung), http://www.mod.gov.cn/affair/2013-11/23/content_4476911.htm.
[3] Bộ Quốc phòng Trung Quốc (2013), Thông báo về quy tắc nhận dạng máy bay trong Vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông Trung Quốc của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (tiếng Trung), http://www.mod.gov.cn/affair/2013-11/23/content_4476910.htm.
[4] Michael J. Green (2013), China's Air Defense Identification Zone: Impact on Regional Security, Center for Strategic & International Studieshttps://www.csis.org/analysis/chinas-air-defense-identification-zone-impact-regional-security.
[5] Japan Ministry of Defense (2014), Defense of Japan 2014, Tokyo, Japan, p. 284.
[6] Japan Ministry of Defense (2016), Defense of Japan 2016, Tokyo, Japan, p. 328.
[7] Đối thoại an ninh Nhật Bản - Trung Quốc được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1993 và lần cuối cùng được tổ chức trước khi quan hệ giữa hai nước tạm rơi vào tình trạng đóng băng năm 2012 là vào tháng 1 năm 2011 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
[8] Ministry of Foreign Affairs of Japan, Japan-China Relations (Archives), https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/china/archives.html.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét