Chiều ngày 25/11 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ra mắt Sách
trắng Quốc phòng lần thứ tư. Sau 10 năm, Việt Nam mới lại ra mắt Sách
trắng Quốc phòng nhằm công bố với dư luận trong và ngoài nước về quan điểm quốc
phòng của đất nước. Đây là hành động phù hợp với sự nghiệp xây dựng quân đội,
quốc phòng có bước phát triển mới, bối cảnh chiến lược có những thay đổi theo
cách nói của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Đáng chú ý trong các điểm mới ở Sách trắng Quốc phòng Việt Nam
2019 là sự thay đổi từ “Chính sách ba Không” sang chính sách “bốn Không và một
Tùy”. Chính
sách Ba không vốn đã được Việt Nam công bố lần đầu trong Sách trắng Quốc phòng
năm 1998 và liên tục được bổ sung, làm rõ hơn qua các Sách trắng năm 2004 và
2009. Đến năm 2009, Chính sách ba Không của Việt Nam có nội dung cụ thể như sau:
Không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong
các quan hệ quốc tế.
Không đe doạ hoặc sử dụng sức mạnh quân sự
trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên
quyết giáng trả mọi hành động xâm lược;
Không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân
sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại
nước khác”. [1]
Đến Sách trắng Quốc phòng năm 2019, “Chính sách ba Không” của Việt
Nam được phát triển thành “Chính sách bốn Không và một Tùy” với bốn Không gồm:
Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự;
Không liên kết với nước này để chống nước kia;
Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt
Nam để chống lại nước khác;
Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc
tế [2].
Và một Tùy:
“Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ
thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần
thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc
tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”
[3].
Như vậy, có thể nhận ra được rằng “bốn Không” thực tế chính là “ba
Không” nhưng đã được làm rõ hơn, cụ thể hơn. Trong đó, điều Không thứ ba trong
Sách trắng Quốc phòng năm 2009 được tách ra làm hai Không mới. Không những vậy,
Chính sách bốn Không lúc này đi kèm với một Tùy, cái Tùy này thể hiện rất rõ
tính linh hoạt trong chính sách quốc phòng của Việt Nam, rằng Việt Nam không áp
dụng cứng nhắc, máy móc Chính sách bốn Không của mình.
Trong
bối cảnh hoạt động đối ngoại quốc phòng của đất nước ngày càng được mở rộng và
tăng cường với nhiều hình thức khác nhau, Chính sách bốn Không và một Tùy đã thể
hiện rõ ràng hơn so với Chính sách Ba không cũ. Cụ thể:
Thứ nhất, trước
đây, Việt Nam coi việc đặt căn cứ quân sự hay sử dụng lãnh thổ là điều chỉ có
các nước đồng minh với nhau mới làm vậy. Vì vậy, Việt Nam đặt hai vấn đề này đi
liền với nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đất nước đã và đang ngày càng đạt
được nhiều thành tựu trong công tác đối ngoại quốc phòng. Hoạt động giao lưu quốc
phòng giữa Việt Nam và các thế giới diễn ra ngày càng nhộn nhịp, sự hiện diện của
quân đội các nước trên lãnh thổ Việt Nam vì vậy cũng được phép thường xuyên
hơn. Do đó, bằng việc tách một Không “kép” thành hai Không mới, đưa quan điểm không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác trở
thành một “Không” riêng, Việt Nam đã tuyên bố cho thế giới thấy được rằng, dù
Việt Nam đang ngày càng cởi mở, nhưng bất cứ quốc gia nào dù có mối quan hệ như
thế nào với Việt Nam cũng không được phép lợi dụng sự cởi mở, hiếu khách của Việt
Nam để gây tổn hại tới lợi ích chính đáng của các quốc gia khác.
Thứ hai, tình
hình thế giới đang có nhiều chuyển biến nhanh chóng phức tạp, tính chất cạnh
tranh, đối đầu giữa các nước lớn đang ngày càng được thể hiện rõ. Không chỉ cạnh
tranh trực tiếp với nhau, các nước lớn đang cố gắng lợi dụng triệt để các quốc
gia nhỏ hơn hiện tồn tại những mâu thuẫn nhất định với đối thủ của họ để đạt được
mục đích. Trước tình thế đó, Việt Nam muốn khẳng định mạnh mẽ hơn với thế giới
rằng mình không cho phép bất cứ quốc gia nào lợi dụng Việt Nam nhằm phục vụ cho
chiến lược đối phó lẫn nhau giữa các siêu cường.
Thứ ba, năm
2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN. Cũng như 10 năm trước, Việt Nam với vai
trò này đã thúc đẩy hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương của khối ASEAN khi
đứng ra tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với sáng
kiến ADMM+8 (+Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New
Zealand). Tất nhiên, Việt Nam sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động
đối ngoại đa phương của ASEAN và nền tảng cho điều đó một phần rất quan trọng được
xây dựng ngay từ Chính sách Bốn không và Một tùy này.
Như vậy,
chính sách quốc phòng trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam trên thực
tế không quá mới mà vẫn tiếp tục kế thừa những quan điểm vốn có của đất nước.
Trong bối cảnh chiến lược có nhiều thay đổi, các chính sách quốc phòng vốn có
đã được phát triển cao hơn, được làm rõ hơn nhằm hỗ trợ đắc lực mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ sự nghiệp
đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định
chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng
xã hội chủ nghĩa theo quan điểm chung của
Sách trắng Quốc phòng năm 2019. Bên cạnh đó, Việt Nam muốn tiếp
tục khẳng định với thế giới tinh thần hòa bình, hợp tác, hữu nghị có trách nhiệm
với khu vực và quốc tế./.
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử.
________
Chú thích:
[1] Bộ Quốc phòng (2009), Quốc
phòng Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 18-21
[2] Bộ Quốc phòng (2019), Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị
quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 25.[3] Bộ Quốc phòng (2019), Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 25.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét