Trong những năm cuối thập niên 70 và 80 thế kỉ XX, quan hệ giữa Liên bang
Xô Viết và Việt Nam về cơ bản là mối quan hệ đồng minh. Thậm chí đối với Việt
Nam, mối quan hệ này còn được xác định là hòn đá tảng trong chính sách đối
ngoại của mình. Tuy nhiên, biểu hiện của mối quan hệ đồng minh Việt Nam - Liên
Xô trong suốt thời gian một thập kỉ này không ổn định. Nhất là trong hai cuộc
đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc: cuộc xâm lược biên giới phía bắc Việt
Nam năm 1979 và cuộc tấn công cụm đảo Gạc Ma, Cô lin, Len Đao của Việt Nam năm 1988 từ phía Trung Quốc. Đây là hai thời điểm còn có nhiều vấn đề gây tranh
luận gay gắt về vai trò của Liên Xô. Điều đó xuất phát từ nhiều yếu tố, trong
đó cần nói đến các vấn đề cơ bản như: sự suy thoái theo thời gian của Liên Xô;
quan điểm của Việt Nam; và sự thay đổi của yếu tố Trung Quốc trong mỗi thời
điểm. Do vậy, trên cơ sở tư liệu và quan điểm nghiên cứu của tác giả, bài viết
này sẽ góp phần làm rõ hơn, khách quan hơn về vai trò của Liên Xô trong mỗi
thời điểm trên.
1. Cơ sở cho những tác động của Liên Xô tới
hai cuộc đụng độ Việt Nam - Trung Quốc năm 1979 và 1988
1.1. Tình hình Liên Xô cuối thập niên 70 của thế kỉ XX
Mặc dù có những xơ cứng, chậm trễ khi đối phó với cuộc khủng hoảng năng
lượng 1973, khiến kinh tế Liên Xô đã có những thay đổi theo hướng tiêu cực, tuy
nhiên về sức mạnh tổng thể của nước này trong thập niên 70 thế kỉ XX vẫn còn
rất mạnh. Điều đó còn xuất phát từ việc, cuối thập niên 60, đầu thập niên 70
thế kỉ XX được coi là giai đoạn phát triển cực thịnh của Liên bang Xô Viết. Sự
cực thịnh ấy thể hiện trên cách yếu tố: vị thế chính trị có ảnh hưởng trên phạm
vi toàn cầu, sức mạnh kinh tế đứng thứ 2 thế giới và là một trong hai thế lực
quân sự hùng mạnh nhất, thậm chí còn vượt qua Mỹ trong năng lực răn đe chiến
lược. Chính sức mạnh ấy đã làm cơ sở vững chắc, cho phép Liên Xô sẵn sàng đối
đầu cùng lúc với hai đối thủ lớn nhất của mình là Mỹ và Trung Quốc.
Biểu đồ: Chỉ số sức mạnh
tổng hợp của các cường quốc từ 1913 đến 1987
Nguồn: https://js.pencdn.cz/acimage/w-h-q80/328373.jpg
Về chính trị, Liên Xô trong
thời điểm nắm quyền của Tổng Bí thư Leonid Ilyich Brezhnev (1964 - 1982) vẫn
tương đối ổn định. Các chính sách đối nội nhìn chung vẫn đạt được nhiều hiệu
quả trong việc nâng cao đời sống, tinh thần cho toàn dân. Chính sách đối ngoại
tiếp tục kế thừa quan điểm đối ngoại thời kì Chiến tranh lạnh: cứng rắn với
phương Tây và Trung Quốc; tiếp tục là chỗ dựa lớn cho phong trào cách mạng dân
tộc trên thế giới.
Về kinh tế, tuy hệ thống kinh
tế Liên Xô đã xuất hiện những khiếm khuyết, nhưng các số liệu kinh tế vẫn tăng
trưởng khả quan. Cụ thể, GDP của Liên bang Xô Viết từ 1970 đến 1980 đã tăng
trưởng từ 637 tỉ Ruble tới 1061 tỉ Ruble, các chỉ số kinh tế khác đều tăng từ
1,5 đến hơn 2 lần[1].
Công cuộc tìm kiếm, thăm dò, khai thác các loại tài nguyên khoáng sản tăng
mạnh, đặc biệt là khai thác tài nguyên năng lượng có tốc độ tăng trưởng tới hơn
10 lần[2]. Lúc này, Liên Xô vẫn là
nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Về quân sự, Liên Xô là một
trong hai siêu cường có năng lực quốc phòng mạnh nhất thế giới (cùng với Mỹ).
Đặc biệt, sức mạnh hạt nhân của Liên Xô thậm chí còn vượt qua Mỹ. Năng lực răn
đe hạt nhân không chỉ nằm ở việc các nước có số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều
bao nhiêu, mà còn nằm ở việc sự phát triển của các phương tiện chuyên chở đầu
đạn (máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tên lửa xuyên
lục địa). Với sự vượt trội về sức mạnh quân sự tổng hợp, ngay cả khi Trung Quốc
đã bắt tay với Mỹ, Liên Xô vẫn đạt được sự cân bằng tương đối về tương quan sức
mạnh.
1.2. Tình hình Liên Xô cuối
thập niên 80 của thế kỉ XX
Sự cực thịnh của Liên Xô
trong thập niên 70 đã không duy trì được lâu, đà suy thoái nhanh chóng của Liên
Xô trong thập niên 80 xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, trong
giới nghiên cứu tồn tại hai quan điểm về những sai lầm dẫn đến sự suy thoái đó.
Thứ nhất, nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng sự suy thoái có căn nguyên từ sự
chậm trễ, chủ quan trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng năm 1973; Thứ hai,
nhóm khác cho rằng sự suy thoái có nguyên nhân sâu xa từ các cải tổ có từ thời
Nikita Khrushchov - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô giai đoạn 1953 - 1964. Mặc
dù chỉ số sức mạnh tổng hợp quốc gia của Liên Xô không suy giảm mà chững lại,
tuy nhiên sự chững lại nó chủ yểu nằm ở việc năng lực răn đe của Liên Xô vẫn
còn mạnh. Trên thực tế, tương quan lực lượng toàn cầu lúc này đã mất cân bằng
rõ rệt. Sự phát triển nhanh của Trung Quốc sau cải cách của Đặng Tiểu Bình cùng
với sự phát triển của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã làm cho Liên Xô không còn
đủ khả năng đối phó với những diễn biến đương thời. Dẫn tới việc hệ thống Xã
hội chủ nghĩa nhanh chóng tan rã, khởi đầu từ khu vực Đông Âu.
Về chính trị, từ sau khi Tổng
Bí thư Brezhnev qua đời, chỉ trong một thời gian ngắn, Liên Xô đã phải thay đổi
lãnh đạo tối cao tới 3 lần. Khủng hoảng nhân sự là điều dễ nhận thấy, khi lần lượt
những người kế nhiệm Brezhnev đều qua đời vì tuổi tác, bệnh tật như Tổng Bí thư
Yuri Andropov (nhiệm kì 1982-1984), Tổng Bí thư Konstantin Chernenko (nhiệm kì
1984-1985). Cuối cùng, quyền lực được tập trung về vị Tổng Bí thư “cấp tiến”
Mikhail Gorbachov, người đã làm nên một cuộc cải cách khiến sự sụp đổ của Liên
bang Xô Viết diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.
Về ngoại giao, Mikhail
Gorbachov đã lựa chọn con đường đối ngoại định hướng Đại Tây Dương, hòa dịu và
gần gũi hơn với phương Tây. Đồng thời, Liên Xô trong giai đoạn này cũng tìm mọi
cách để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, kể cả việc gây phương hại đến
lợi ích của các đồng minh truyền thống của họ.
Về kinh tế, kế hoạch 5 năm
lần thứ 11 không đạt được mục tiêu mà Đại hội lần thứ XXVI Đảng Cộng sản Liên
Xô đã vạch ra[3].
Công cuộc cải cách của Gorbachov chỉ tập trung chủ yếu về chính trị, ngoại
giao, quân sự mà không có những biện pháp khắc phục tình trạng yếu kém của nền
kinh tế.
Về quân sự, Mikhail Gorbachev nhấn mạnh con đường giải trừ quân bị một cách tổng hợp là “phương hướng trọng yếu trong chính sách đối ngoại của mình cho những năm sắp tới”[4]. Vấn đề nằm ở việc, giải trừ quân bị một cách ồ ạt, thiếu tính toán sẽ làm cho nền kinh tế vốn đang rất yếu kém, trở nên suy sụp nhanh hơn. Hơn nữa, việc đó sẽ trực tiếp làm suy giảm nhanh chóng sức mạnh tổng hợp của đất nước trong bối cảnh hợp tác Mỹ - Trung đang ngày càng làm mất sự cân bằng trong tương quan lực lượng toàn cầu.
Tựu chung các vấn đề, có thể thấy, vị thế của Liên Xô thời điểm cuối thập niên 80 thế kỉ XX đã suy yếu đi rất nhiều so với Liên Xô tại thời điểm cuối thập niên 70 thế kỉ XX. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cách tiếp cận với các vấn đề toàn cầu của Liên Xô cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ của họ với các đồng minh của mình, trong đó có Việt Nam.
Tựu chung các vấn đề, có thể thấy, vị thế của Liên Xô thời điểm cuối thập niên 80 thế kỉ XX đã suy yếu đi rất nhiều so với Liên Xô tại thời điểm cuối thập niên 70 thế kỉ XX. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cách tiếp cận với các vấn đề toàn cầu của Liên Xô cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ của họ với các đồng minh của mình, trong đó có Việt Nam.
1.3. Quan điểm tự lực, tự
cường của Việt Nam
Trong lịch sử chống ngoại xâm
của mình, dù ở thời kì phong kiến hay thời hiện đại, quan điểm tự lực tự cường
của Việt Nam luôn được đề cao. Quan điểm ấy càng được hoàn thiện, làm sâu sắc hơn
trong thời kì đấu tranh giành độc lập, chống xâm lược của Việt Nam trong thế kỉ
XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[5]. Điều đó trở thành một nguyên tắc ngoại giao căn bản của Việt Nam từ khi có Đảng
Cộng sản lãnh đạo. Quan điểm về tự lực tự cường ở đây không đồng nghĩa với chủ
nghĩa biệt lập, mà chủ yếu phải dựa trên sức mình là chính. Sự giúp đỡ của cộng
đồng quốc tế tuy là quan trọng, nhưng chỉ được xem là nhân tố thứ yếu trong
công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Trên thực tế, cách mạng Việt
Nam đã nhận được nhiều sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế như Liên Xô,
Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba… Song, trên cơ sở quan điểm tự lực tự cường
nói trên, Việt Nam luôn quán triệt đường lối hạn chế để các nước bạn trực tiếp
tham chiến, trực tiếp đổ máu vì mình. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía
Bắc, đường lối tự lực tự cường của Việt Nam tiếp tục được coi trọng. Mặc dù vừa
kí kết Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị, được coi là Hiệp ước đồng minh với Liên
Xô. Việt Nam tất nhiên sẽ cần sự chia lửa của Liên Xô. Nhưng với nguyên tắc tự
lực từ cường đã trở thành bất biến của mình, Việt Nam đã không ưu tiên phương
án yêu cầu Liên Xô ngay lập tức tham chiến mà thay vào đó, Việt Nam đã nhận các
phương án hỗ trợ khác từ phía đồng minh của mình.
2. Vai trò của Liên Xô trong hai cuộc đụng độ Trung Quốc - Việt
Nam năm 1979 và 1988
2.1. Trong cuộc chiến tranh
biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 1979
Năm 1978 đánh dấu một bước
tiến quan trọng đối với quan hệ Liên bang Xô Viết - Việt Nam trong bối cảnh
tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi gây bất lợi cho cả hai. Đặc
biệt, cả Trung Quốc và Mỹ đều có những động thái thù địch với Liên Xô cũng như
Việt Nam. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết được kí kết mang lại nhiều lợi ích lớn cho cả hai nước. Tổng Bí thư Brezhnev khẳng định rằng: “Hiệp ước sẽ không
làm vừa lòng những kẻ không thích tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt
Nam…”[6]. Điều này không chỉ ám chỉ đến
các nước phương Tây mà còn hướng mũi dùi về phía Trung Quốc. Trợ lý Ngoại
trưởng Mỹ R. Holbrook cho rằng: “Hiệp ước Việt - Xô là tiêu chí an ninh quan
trọng của Hà Nội cho cuộc thập tự chinh vào Campuchia”[7]. Quả thực, Hiệp ước có ý nghĩa vô
cùng lớn đối với Việt Nam tại thời điểm đó. Được hậu thuẫn, Việt Nam tổ chức
phản công tại biên giới Tây Nam chống tập đoàn diệt chủng Pol Pot. Cuộc chiến
diễn ra nhanh chóng ngoài dự định của phía Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ
tới quyết định có phần thiếu đi sự chuẩn bị của nước này. Đó là sự kiện ngày
17/2/1979, Trung Quốc chính thức đưa quân tấn công trên khắp biên giới phía bắc
Việt Nam với tuyên bố: “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Đến
lúc này, vấn đề vẫn còn gây tranh luận nhiều đó là vai trò của đồng minh quan
trọng nhất của Việt Nam như thế nào? Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vừa được kí
kết cách đó vài tháng nên hiểu ra sao?
Nội dung đáng chú ý của “Hiệp
ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên minh Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thường được nhắc đến là điều khoản thứ 6,
có nội dung đầy đủ như sau:
“Hai Bên ký kết Hiệp ước sẽ trao đổi ý kiến với nhau về tất cả
các vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan đến lợi ích của hai nước. Trong
trường hợp một trong hai Bên bị tiến công hoặc bị đe dọa tiến công thì hai Bên
ký kết Hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó
và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an
ninh của hai nước”
Nguyên văn:
“Высокие Договаривающиеся Стороны будут
консультироваться друг с другом по всем важным международным вопросам,
затрагивающим интересы обеих стран. В случае, если одна из Сторон явится
объектом нападения или угрозы нападения, Высокие Договаривающиеся Стороны
немедленно приступят к взаимным консультациям в целях устранения такой угрозы и
принятия соответствующих эффективных мер для обеспечения мира и безопасности их
стран”[8].
Trước hết, cần hiểu rằng, khi một trong hai nước bị tiến công hoặc đe dọa tiến công thì lập tức hai bên sẽ “trao đổi ý kiến với nhau” trước khi thực hiện một hành động cụ thể nào đó. Trên thực tế, ngay khi Trung Quốc tiến đánh biên giới phía Bắc nước ta vào ngày 17/2/1979, Việt Nam và Liên Xô đã có những trao đổi. Chỉ sau 2 ngày, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố về việc “Liên bang Xô Viết sẽ thực hiện những cam kết đã lựa chọn theo Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên Xô và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[9]. Cũng vào ngày đó, một nhóm gồm 20 cố vấn và chuyên gia thuộc các binh chủng chủ chốt do Đại tướng G.I.Obaturov dẫn đầu đã đến Hà Nội để giúp đỡ cho quân đội Việt Nam chống lại sự tiến công của Trung Quốc[10]. Liên Xô cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam vận chuyển quân đội của mình từ chiến trường Tây Nam ra bắc; gia tăng các loại hàng hóa viện trợ tới Việt Nam như vũ khí, thuốc men.
Bên cạnh đó, các hành động quân sự cũng được triển khai nhanh chóng, Liên Xô đã ngay lập tức di chuyển quân đội về phía biên giới Trung Quốc, chuẩn bị cho cuộc tập trận lớn nhất từ trước cho đến thời điểm đó. Cuộc tập trận có phần gấp gáp mặc dù đã gây ra một số thiệt hại cho quân đội Xô Viết, nhưng đã chứng minh được khả linh động, trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao của Liên Xô. Bởi trước đó quân đội của nước này được tập trung chủ yếu ở phía Tây và Tây Nam, chỉ trong một thời gian ngắn đã di chuyển hàng ngàn km tới điểm tập kết sát biên giới Trung Quốc.
Khi đánh giá vai trò của Liên Xô trong các sự kiện, cần đánh giá những tính toán từ phía Trung Quốc. Thông qua những thay đổi từ phía Trung Quốc mới có thể giúp đánh giá được một cách toàn diện về dấu ấn của Liên Xô. Trước khi đưa ra quyết định xâm lược Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã đưa ba khả năng can thiệp từ phía Liên Xô: ban lãnh đạo Liên Xô chỉ hạn chế ở việc lên án công khai những hành động sắp tới; áp dụng hành động quân sự hạn chế với mục đích trừng phạt Trung Quốc về tội xâm lược; hoặc phát động một cuộc chiến tranh tổng lực. Đặng Tiểu Bình nhận định phương án có khả năng nhất là phương án đầu tiên, nhưng vẫn chuẩn bị cho phương án thứ hai[11]. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc sau này cũng hướng quan điểm của mình theo cách nghĩ của Đặng Tiểu Bình. Hai nhà nghiên cứu của Trung Quốc Sở Thụ Long và Kim Uy cho rằng: “Với tư cách là đồng minh của Việt Nam trong vòng một tháng Liên Xô vẫn án binh bất động, việc này, ở một mức độ nào đó, là do tồn tại của mối quan hệ hợp tác chiến lược Trung - Mỹ”[12]. Quan điểm này được xuất phát trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang xích lại gần nhau cùng chống Liên Xô quyết liệt. Do vậy, các tuyên bố của hai nước có chiều hướng bôi nhọ, làm giảm vị thế của Liên Xô.
Thực tế, rõ ràng Đặng Tiểu Bình đã đánh giá quá thấp những khả năng can thiệp từ phía Liên Xô. Những gì diễn ra chỉ sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam vài ngày đã cho thấy phương án đầu tiên mà Đặng Tiểu Bình nhận định không diễn ra, Liên Xô đã có những hành động quân sự cụ thể. Điều đó khiến Trung Quốc không thể không tính đến khả năng tình hình có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực với cả hai đối thủ Việt Nam và Liên Xô. Sau khi cuộc chiến diễn ra được một tháng, trước tình hình ngày một diễn biến căng thẳng, Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã đạt được tất cả mọi điều như ý muốn, rằng “bài học cho Việt Nam” đã dạy xong. Cần nói thêm rằng, tháng 3 năm 1979 Đặng Tiểu Bình cũng đã tuyên bố rằng: “nếu người Nga quyết định đến thì chúng tôi không thể làm gì được để ngăn chặn họ”[13]. Suy tính đó trở thành một trong những nguyên do khiến Trung Quốc nhanh chóng rút quân về sau khi đã tàn phá gần hết các thị xã vùng biên giới Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, vai trò của Liên Xô đối với cuộc chiến tranh biên giới phía bắc Việt Nam là rất lớn. Thậm chí còn vượt qua sự nhận định của người lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc thời điểm đó là Đặng Tiểu Bình. Liên Xô không chỉ dừng lại ở những tuyên bố ngoại giao đơn thuần, mà đã có những hành động quân sự rõ ràng tại biên giới Trung Quốc. Những thiệt hại không nhỏ về nhân lực và vật lực trong cuộc tập trận đó đã chứng minh tính gấp rút, sự quyết tâm của giới lãnh đạo Liên Xô nhằm ủng hộ đồng minh phương nam của mình.
2.2. Trong cuộc tấn công cụm đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao của Việt Nam bởi Trung Quốc năm 1988
Khác rất nhiều so với những phản ứng trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc Việt Nam năm 1979, Liên Xô của năm 1988 dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Mikhail Gorbachov đã không làm tròn vai trò của một đồng minh thực sự. Mặc dù tại thời điểm đó, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác kí năm 1978 còn chưa hết hiệu lực[14]. Như đã nói đến trong nội dung phần 1, sức mạnh và vị thế của Liên Xô vào cuối thập niên 80 thế kỉ XX đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng suy giảm so với thập niên 70. Với việc bất đắc dĩ phải thay đổi quá nhiều lần lãnh đạo tối cao, mọi chính sách của Liên Xô đầu thập niên 80 bị trì trệ đáng kể. Khi Mikhail Gorbachov trở thành vị tổng bí thư mới của Liên Xô, ông đã làm chuyển biến nhanh chóng cách tiếp cận, ứng xử với thế giới so với thời của Tổng Bí thư Brezhnev. Sự chuyển biến đó dẫn đến một kết quả tiêu cực đối với nước này. Sức mạnh tổng hợp của Liên Xô suy giảm nhanh chóng, Gorbachov đã thúc đẩy quá trình xích lại gần với phương Tây, làm lành với Trung Quốc bất chấp những thỏa thuận bất bình đẳng cho Liên Xô. Với phương Tây, Gorbachov theo đuổi chính sách giải trừ quân bị ồ ạt, thiếu tính toán, gây nên một cú sốc lớn cho nền kinh tế Liên Xô cũng như nền quốc phòng khổng lồ của nước này. Với Trung Quốc, có ba vấn đề cốt lõi trở thành rào cản mối quan hệ với Liên Xô đang được Liên Xô thúc đẩy giải quyết một cách nhanh hơn bao giờ hết, bao gồm: Liên Xô rút quân khỏi Afganistan, Mông Cổ và tác động tới Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề Campuchia. Trong ba vấn đề đó, vấn đề thứ ba có ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của Việt Nam.
Và như vậy, để phục vụ cho tham vọng chính trị của vị Tổng Bí thư trẻ Mikhail Gorbachov, Liên Xô tại thời điểm cuối thập niên 80 thế kỉ XX không còn muốn cùng Việt Nam là một đồng minh nhằm đối phó với mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Mặc dù trong các lĩnh vực khác như: kinh tế, giáo dục, văn hóa… mối quan hệ Liên Xô - Việt Nam vẫn tương đối tốt đẹp. Hiểu được điều đó, việc còn lại của Trung Quốc là chờ đợi thời cơ mới.
Năm 1987, cơ hội đó đã đến với Trung Quốc. “Liên hợp quốc đã chính thức gửi đến đề nghị trang bị một trạm khoa học để quan sát khí tượng trong quần đảo Trường Sa cho chương trình nghiên cứu hải dương học toàn cầu. Quyết định của tổ chức quốc tế uy tín này mang màu sắc chống Việt Nam rõ rệt, bởi vì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo này. Liên Xô thất vọng vì Hà Nội đã không làm gì để loại bỏ hay ngăn chặn việc thông qua nghị quyết này ở Liên hợp quốc, mặc dù việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Hà Nội. Bằng cách đó, Moskva đã mở cho Bắc Kinh con đường xuống phía nam vào biển Đông, và khả năng này lập tức được chính quyền Trung Quốc lợi dụng để tiến hành một cuộc hành quân của lực lượng hải quân vào vùng quần đảo Trường Sa, với chiêu bài nghiên cứu khu vực không chỉ về mặt khoa học, mà cả quân sự”[15]. Lúc này, Đặng Tiểu Bình nhận định rất chắc chắn rằng Liên Xô sẽ không thể can thiệp vào các hành động của Trung Quốc giống như những gì họ đã thực hiện năm 1979. Do đó, Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến ngày 14/3/1988 chính thức diễn ra cuộc đụng độ vũ trang giữa hai nước gần đảo san hô Gạc Ma của Việt Nam. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn đưa ra các tuyên bố nói rằng họ buộc phải đáp trả hành động xâm lược của Việt Nam[16].
Ứng xử trước sự việc diễn ra, đúng như tính toán của Đặng Tiểu Bình, Liên Xô đã không có những động thái phù hợp với vai trò của một đồng minh đối với Việt Nam. Liên Xô đã thể hiện một vai trò mờ nhạt, hoàn toàn khác với một Liên Xô quyết liệt, khẩn trương của năm 1979. “Sau thái độ bàng quan của Liên Xô, liên minh chính trị Xô - Việt trước đó được đánh giá là bền vững, bắt đầu nhanh chóng sụp đổ. Vết nứt thiếu tin cậy sâu sắc nằm trong mối quan hệ tưởng chừng rất bền chắc. Cả hai đồng minh trở thành gánh nặng của nhau. Lợi ích của Việt Nam trên các quần đảo và ở Campuchia đã cản trở việc nhanh chóng xích lại gần nhau giữa Moskva và Bắc Kinh. Còn đối với Việt Nam, việc Liên Xô thất hứa khi trước đó nói sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi xảy ra xung đột vũ trang mới, đã khiến cho giá trị của liên minh này bị giảm đến mức thấp nhất. Kết quả là Hà Nội đã bắt đầu kiên quyết điều chỉnh lại đường lối chính trị đối ngoại của mình”[17].
Như vậy, trong các cuộc tấn công từ phía Trung Quốc tại các cụm đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, vai trò của Liên Xô đối với Việt Nam tỏ ra mờ nhạt. Trong việc lựa chọn các lợi ích, Liên Xô đã xác định việc bình thường hóa quan hệ bằng mọi giá với Trung Quốc lên ưu tiên hàng đầu, đồng minh Việt Nam chỉ còn là ưu tiên hạng hai.
3. Kết luận
Vai trò của Liên Xô đối với hai cuộc đụng độ Trung Quốc - Việt Nam năm 1979 và 1988 thể hiện hai bộ mặt hoàn toàn khác nhau. Mặc dù, trên danh nghĩa lúc này, Liên Xô và Việt Nam là đồng minh sau khi Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết năm 1978. Trong sự việc Trung Quốc tổ chức tấn công, xâm lược trên toàn khu vực biên giới phía bắc Việt Nam, Liên Xô dưới thời của Tổng Bí thư Leonid Ilyich Brezhnev đã ngay lập tức có những động thái phù hợp để sát cánh với đồng minh Việt Nam của mình. Những hành động đó không chỉ dừng lại ở các tuyên bố ngoại giao, sự viện trợ các loại hàng hóa cũng như hỗ trợ vận chuyển quân đội cho phía Việt Nam. Mà Liên Xô còn có những động thái quân sự quyết liệt, gấp rút tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Điều đó khiến ngay cả Đặng Tiểu Bình cũng bất ngờ và Trung Quốc không thể không suy tính thiệt hơn khi khả năng leo thang chiến tranh là có thể xảy ra. Nhưng trong sự kiện Trung Quốc tấn công các cụm đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, vai trò của Liên Xô đã thay đổi khác trước hoàn toàn. Dưới thời của Tổng Bí thư “cấp tiến” Mikhail Gorbachov, Liên Xô đã không có những tác động phù hợp để bảo lệ lợi ích cho đồng minh của mình. Thay vào đó, chiến lược cải thiện quan hệ với phương Tây, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc bằng mọi giá đã làm cho quan hệ đồng minh Việt Nam - Liên Xô rạn nứt một cách nghiêm trọng.
Tác giả: Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử
[1] L.I.Brezhnev
(1981), Báo cáo hoạt động của Ban chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tại Đại hội lần thứ 26 và những nhiệm vụ
trước mắt của Đảng trong chính sách đối nội và đối ngoại, NXB Thông tấn xã
Novosti, Moskva, tr. 63.
[2] L.I.Brezhnev
(1981), Báo cáo hoạt động của Ban chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tại Đại hội lần thứ 26 và những nhiệm vụ
trước mắt của Đảng trong chính sách đối nội và đối ngoại, NXB Thông tấn xã
Novosti, Moskva, tr. 65.
[3] Mikhail S.
Gorbachov (1986), Báo cáo chính trị của
Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tại Đại hội XXVII của Đảng, Nxb Sự
thật, Hà Nội - Nxb Thông tấn xã Novosti, Moskva, tr. 35.
[4] Mikhail S.
Gorbachov (1986), Báo cáo chính trị của
Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tại Đại hội XXVII của Đảng, Nxb Sự
thật, Hà Nội - Nxb Thông tấn xã Novosti, Moskv a, Tr. 98
[5] Nxb Chính trị quốc gia(2002), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Hà Nội, tr.522.
[6] Bộ Ngoại
giao CHXHCN Việt Nam - Bộ Ngoại giao LBCHXHCN Xô Viết (1983), Việt Nam Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980),
Nxb Ngoại giao, Hà Nội - Nxb Tiến bộ, Moskva, tr. 585-586.
[7] D.V.Mosiakov
(2016), Chính sách của Trung Quốc ở Đông
Nam Á từ quá khứ đến hiện tại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.
75.
[8] Toàn văn “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên minh
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Tiếng
Nga), http://docs.cntd.ru/document/901883310
[truy cập ngày 12/9/2018].
[9] D.V.Mosiakov
(2016), Chính sách của Trung Quốc ở Đông
Nam Á từ quá khứ đến hiện tại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.
77.
[10] D.V.Mosiakov
(2016), Chính sách của Trung Quốc ở Đông
Nam Á từ quá khứ đến hiện tại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.
77
[11] D.V.Mosiakov
(2016), Chính sách của Trung Quốc ở Đông
Nam Á từ quá khứ đến hiện tại, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.
76-77.
[12] Sở Thụ Long,
Kim Uy (2013), Chiến lược và chính sách
ngoại giao của Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 160
[13] Hồng Sơn
(1986), “Chủ nghĩa bành trướng, bá quyền, chiến lược quân sự tác động đến chính
sách đối nội, đối ngoại hiện nay của Trung Quốc”, Trung Quốc những năm 80, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, tr. 149.
[14] Hiệp ước này
chính thức hết hiệu lực vào tháng 6 năm 1994 khi được thay thế bởi Hiệp ước về
những nguyên tắc cơ bản của quan hệ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
Liên bang Nga.
[15] D.V.Mosiakov
(2016), Chính sách của Trung Quốc ở Đông
Nam Á từ quá khứ đến hiện tại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.
83.
[16] D.V.Mosiakov
(2016), Chính sách của Trung Quốc ở Đông
Nam Á từ quá khứ đến hiện tại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.
84-85.
[17] D.V.Mosiakov
(2016), Chính sách của Trung Quốc ở Đông
Nam Á từ quá khứ đến hiện tại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 87.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét