Sau 25 năm thống nhất đất nước và sau 10 năm chính
thức giải quyết được các va chạm, xung đột vũ trang tại khu vực biên giới; nối
lại và thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ với các quốc gia trên thế giới,
công cuộc phát triển đất nước toàn diện về mọi mặt đã đạt được nhiều thành tựu
quan trọng. Điều đó đã góp phần đưa Việt Nam bước vào thế kỉ XXI với một tư thế
mới. Và dĩ nhiên, để đồng hành với tư thế đó, Việt Nam cũng cần một cách tiếp
cận quốc tế mới hoàn thiện hơn cho thế kỉ XXI, mà những bước đi cụ thể hóa đầu
tiên bắt đầu được xây dựng từ Đại hội IX.
1. Cơ sở cho quan điểm đối ngoại mới của Việt Nam
Tất nhiên, quan điểm đối ngoại đổi mới của Việt Nam trong thế kỉ
XXI phải được xây dựng dựa trên nền tảng của kinh nghiệm đối ngoại từ lịch sử,
mà được thể hiện ở hai vấn đề cơ bản:
Thứ
nhất, truyền thống đối ngoại của dân tộc được tổng quát thành ở
các điểm chính: Một là, truyền
thống bang giao hòa hiếu, hợp tác, chung sống hòa bình, bình đẳng là xu hướng
chủ đạo trong dòng chảy lịch sử của dân tộc; Hai là, truyền
ngoại giao tâm công thể hiện tính chính nghĩa, nhân văn của đất nước trước
những thách thức của lịch sử; Ba là, hoạt
động đối ngoại của Việt Nam luôn kiên định về nguyên tắc chiến lược, nhưng mềm
mỏng, linh hoạt về các sách lược theo quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến”; Bốn là, biết
giành thắng lợi từng phần trong công tác đối ngoại, không nóng vội, chủ quan.
Thứ
hai, tiếp
tục phát triển dựa trên định hướng đối ngoại vốn có của Đảng kể từ bắt đầu công
cuộc Đổi mới tại Đại hội VI. Từ năm 1986 đến nay, đường lối đối ngoại của Việt
Nam hướng đến việc đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, tích cực
mở rộng và tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ không kể
sự khác biệt về chính trị.
Ngoài ra, những thành tựu của quá trình phát triển kinh tế xã hội ở
trong nước và biến động mới của tình hình thế giới cũng là một cơ sở quan trọng.
Với vị thế của một quốc gia đang phát triển, có nhiều tiềm năng những chưa mạnh,
cách tiếp cận với thế giới của Việt Nam tất nhiên sẽ không giống với cách mà
các cường quốc thực hiện. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam hiển nhiên sẽ hướng
đến việc tận dụng mọi cơ hội để phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc tế của
mình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra Trung tâm báo chí và công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Ảnh: Công Đạt - TTXVN |
2. Quan điểm đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XXI
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) của Đảng Cộng sản
Việt Nam là sự kiện đặc biệt quan trọng, nơi các vấn đề lý luận cốt yếu của đất
nước trong thế kỉ XXI, trong đó có quan điểm về đối ngoại được đưa ra thảo luận
và quyết định.
Đại hội IX xác định: “Việt Nam sẵn sàng là
bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa
bình, độc lập và phát triển”[1]. Đây là một bước tiến lớn so với tinh thần đối
ngoại từ Đại hội XIII (năm 1996) khi ta xác định “Việt Nam muốn là bạn
của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và
phát triển”[2]. Điều đó thể hiện quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam
trong thế kỉ XXI đứng trên tư thế chủ động, bình đẳng với mọi quốc gia, vùng
lãnh thổ khác.
Trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI, quan điểm ngoại giao Việt Nam
có nhiều điểm mới trong đó nổi bật lên "hai tinh thần" cơ bản nhất,
quyết định đến công tác đối ngoại trên mọi lĩnh vực:
2.1.
Quan điểm "đối tác - đối tượng": phương pháp tiếp cận biện chứng của
Việt Nam cho thế kỉ XXI
Điều nói lên sự hoàn thiện của đường lối đối ngoại của Việt Nam
phải kể tới Hội nghị Trung ương Tám khóa IX năm 2003. Tại Hội nghị, Đảng Cộng
sản Việt Nam đã ra Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới”, Nghị quyết nhấn mạnh đến quan điểm biện chứng về “đối tác - đối
tượng” trong cách tiếp cận quốc tế. Quan điểm này trở thành phương
pháp tiếp cận xuyên suốt cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Cụ thể, Nghị quyết xác định:
“Những
ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu
nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng
ta; bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam Xã hội chủ nghĩa đều là đối tượng đấu tranh. Mặt khác, trong tình hình diễn
biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn
có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác,
có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc
phục cả hai khuynh hướng mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức,
chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể”[3].
Quan điểm đối tác - đối tượng tiếp tục được hoàn thiện tại Hội
nghị Trung ương Tám khóa XI (năm 2013) với nội dung như sau:
"Những
ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác
bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm
mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. Mặt khác, trong tình hình diễn biến
nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn
có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có
thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh"[4].
Năm 2003, Việt Nam xác định chỉ có một số đối tác nhưng đến năm
2013, ta đã xác định lại là mỗi đối tác, điều đó cho thấy quan điểm đối tác đối
tượng của Việt Nam hiện nay là không có vùng cấm, không có quốc gia nào nằm
ngoài cách tiếp cận này của Việt Nam. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức khu
vực, quốc tế...đều có hai mặt tác động tích cực và gây ảnh hưởng tiêu cực đến
lợi ích chính đáng của Việt Nam. Do đó, quan điểm đặt ra ranh giới rõ ràng bạn
và thù của nước ta từ thế kỉ XX không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, quan điểm
"đối tác - đối tượng" giúp hoạt động tiếp cận quốc tế của Việt Nam
trở nên đa dạng, linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam sa vào chủ nghĩa
thực dụng. Cần phân biệt quan điểm đối ngoại linh hoạt "đối tác - đối
tượng" của Việt Nam với chính sách "ngoại giao cây
sậy" hay "ngoại giao cây
tre" hoặc các định nghĩa tương tự của một số quốc gia ví dụ
như Thái Lan. Chính sách đó được hiểu là "gió chiều nào theo chiều
đó", lúc bên này, lúc lại có thể thay đổi hoàn toàn theo bên khác.
Còn quan điểm "đối tác - đối
tượng" của Việt Nam được thực hiện một cách đồng thời, vừa
hợp tác vừa đấu tranh, không có chuyện đấu tranh thì ngừng hợp tác, hay hợp tác
thì chủ quan, quên đi vấn đề đấu tranh. Do đó, các quan điểm cho rằng Việt Nam
thực hiện chính sách "ngoại giao đu
dây" là không có cơ sở, đi ngược lại quan điểm biện chứng của
Việt Nam.
2.2.
Đa dạng hóa, đa phương hóa nhưng có trọng tâm, trọng điểm
Để hiểu đúng quan điểm đối ngoại hiện nay của Việt Nam, ngoài việc
dựa trên quan điểm đối tác đối tượng, cần nhìn lại quan điểm hội nhập quốc tế
trên từng lĩnh vực cụ thể. Việt Nam đặc biệt chú ý tới việc phân chia thứ tự ưu
tiên hợp tác. Đó là việc coi trọng "diện" nhưng không bỏ quên
"điểm"[5]. Đây không phải là đặc điểm riêng có trong chính sách đối
ngoại của Việt Nam, mà là đặc điểm chung của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ khác
trên thế giới. Trong định hướng đối ngoại của bất kì quốc gia nào cũng có sự sắp
xếp thứ tự ưu tiên rõ ràng. Do vậy, từ quan hệ tổng quát cho đến hợp tác trong
từng vấn đề, Việt Nam cũng phải xác định rõ đâu là đối tác cần ưu tiên hợp tác,
đâu là đối tượng phải tập trung đấu tranh, không thể áp dụng quan điểm
"đối tác - đối tượng" một cách cứng nhắc.
Hiện nay, cách tiếp cận với từng quốc gia, vùng lãnh thổ của Việt
Nam là không giống nhau. Trên cơ sở lịch sử, truyền thống cũng như lòng tin quốc
tế, Việt Nam thiết lập các mối quan hệ quốc tế ở các mức độ khác nhau, thể hiện
rõ nhất ở việc xác định các cấp độ: đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt tin cậy,
đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác...
Muốn biết được mức độ tin cậy trong từng mối quan hệ cần phải xem xét từ cơ sở
lịch sử, cũng như từng diễn biến cụ thể trong quá trình tương tác giữa hai bên.
Kết luận
Chính sách đối ngoại linh hoạt
của Việt Nam trong thế kỉ XXI đã có những bước tiến rất lớn cho với giai đoạn
cuối thế kỉ XX. Quan điểm đối ngoại đổi mới này không chỉ phù hợp với truyền
thống vốn có cũng như tình hình thực tế của đất nước mà còn phù hợp với xu thế
chung của toàn cầu, đảm bảo được công cuộc bảo vệ lợi ích chính đáng của nước
ta nhưng cũng không ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của các quốc gia, vùng
lãnh thổ khác trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đảm bảo việc duy trì mối
quan hệ tốt đẹp với các quốc gia thân thiện truyền thống và tăng cường mối quan
hệ bình đẳng với các quốc gia khác bất kể sự khác biệt về chính trị và lợi ích.
___________________
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn
kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), NXB Chính
trị quốc gia, Hà Nội, tr. 663.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), tài liệu đã
dẫn, tr. 502.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét