Ngày 3/1/2020, thế giới
chấn động với tin tức Mỹ không kích vào đoàn xe của thiếu tướng Qassem
Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo
Iran khiến vị tướng này thiệt mạng. Sự việc diễn ra ngay lập tức đã thổi bùng
ngọn lửa thù hận của cộng đồng người Hồi giáo Shia tại Iran và ở khu vực Trung
Cận đông đối với Mỹ.
Vì sao việc sát hại tướng Soleimani gây ra một chấn động lớn đến vậy?
Thiếu tướng Qassem Soleimani không chỉ
là một quan chức quân đội đơn thuần, hình ảnh của ông còn mang ý nghĩa biểu tượng
rất lớn. Điều đó được thể hiện rất rõ trong đám tang của ông. Hàng triệu người
Iran đã xuống đường, mang theo di ảnh của tướng Qassem Soleimani để tiễn đưa người
anh hùng của đất nước họ. Đây là điều chưa từng thấy dành cho các vị tướng Iran
đã thiệt mạng trong những thập niên gần đây. Khi còn sống, với việc nhận được
nhiều sự ủng hộ của nhân dân Iran, thậm chí tướng Soleimani có thể giành chiến
thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran nếu ông muốn, nhưng ông đã từ bỏ sự
nghiệp chính trị của mình với thông điệp: “Tôi muốn vẫn là người lính của cách
mạng”.
Thiếu tướng Qassem Soleimani |
Iran vốn dĩ luôn là một cường quốc lớn
của khu vực Trung Cận đông. Để duy trì được vị thế đó, Iran luôn phải gia tăng ảnh
hưởng của mình, tăng cường hoạt động tình báo quốc phòng và hỗ trợ các lực lượng
thân cận tại khu vực. Ở góc độ quân sự, nhiệm vụ vô cùng quan trọng này được thực
hiện chủ yếu thông qua lực lượng Quds được tướng Qassem Soleimani chỉ huy suốt
hơn 20 năm qua. Đối với Mỹ và các đồng minh NATO, tướng Soleimani từ lâu đã bị
coi là một nhân vật đặc biệt nguy hiểm đối với chiến lược của các quốc gia này.
Trên thực tế, ý định loại bỏ vị tướng này không phải bây giờ mới có.
Với những đóng góp rất lớn nhằm đối
phó với các lực lượng thù địch của Mỹ, Israel và các đồng minh NATO, tướng
Soleimani được người dân Iran và cộng đồng người Hồi giáo Shia tại Trung Cận
đông vô cùng coi trọng. Không khó hiểu việc ông bị ám sát đã thổi bùng lên ngọn
lửa thù hận sâu sắc tại khu vực. Lần đầu tiên, lá cờ đỏ được treo trên mái vòm nhà
thờ Hồi giáo Jamkarān trong đám tang của vị tướng Iran, lá cờ biểu thị cho một
cuộc chiến tranh “báo thù” có thể sẽ diễn ra.
Đối với khu vực và thế giới, với vị
thế chính trị lớn của cả hai phía, chiến tranh Mỹ - Iran nếu xảy ra có thể khiến
Chiến tranh thế giới thứ III bùng nổ. Do đó, tin tức căng thẳng Mỹ - Iran ngay
lập tức được toàn cầu quan tâm theo dõi sát sao.
Ám sát biểu tượng của lực lượng vũ trang Iran: Mục đích của Mỹ là gì?
Hành động ám sát của Mỹ không chỉ gây
ra làm sóng thù hận của cộng đồng người Hồi giáo Shia mà còn gặp phải sự chỉ
trích mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Hành động này không tuân theo
bất cứ điều luật quốc tế nào. Vậy do đâu mà Chính quyền Mỹ quyết tâm thực hiện
cuộc ám sát bất chấp quy tắc quốc tế?
Đã có rất nhiều quan điểm đồn đoán
khác nhau được đưa ra về mục đích hành động thù địch của Mỹ, tuy nhiên để đánh
giá được một sự kiện phức tạp vừa xảy ra là không hề đơn giản.
Thông điệp tâm lý mà Mỹ muốn thể hiện: Việc giết hại một vị quan chức quân đội cấp cao của
Iran vốn không mang đến nhiều sự thay đổi trong các hoạt động quốc phòng của
Iran. Vị trí của thiếu tướng Soleimani ngay lập tức được thay thế bởi cấp phó của
ông là thiếu tướng Esmail Ghaani, một chỉ huy cũng rất xuất sắc giàu kinh nghiệm.
Điều Mỹ muốn thể hiện trước hết là muốn các lực lượng đối đầu với họ hiểu rằng,
bất cứ ai dù là quan chức cấp cao, ở bất cứ đâu trên lãnh thổ các quốc gia khác
đều có thể bị sát hại. Và cái chết của tướng Soleimani không phải là trường hợp
duy nhất mà Mỹ có thể giết hại. Hành động này của Lầu Năm góc phần nào muốn làm
giảm nhuệ khí của các lực lượng đối đầu với họ. Tất nhiên, mức độ hiệu quả của
nó thì rất khó có thể đánh giá, thậm
chí có thể đẩy cao hơn quyết tâm chống Mỹ của các lực lượng này.
Lầu Năm góc cần một lý do
phù hợp để rút quân khỏi Syria. Cách đây một năm, Donald Trump từng tuyên bố trên
Twitter rằng "Mỹ sẽ rút quân với tốc độ hợp lý và làm mọi thứ một
cách khôn ngoan”, tuy nhiên rút quân như thế nào mới là khôn ngoan thì vẫn là
một bài toán khó đối với Tổng thống Mỹ, bởi việc rút quân khỏi Syria không lý
do chẳng khác nào thừa nhận chiến lược Syria của Mỹ hoàn toàn thất bại. Điều đó
sẽ khiến vị thế của Mỹ suy giảm nghiêm trọng, các đồng minh, các lực lượng thân
cận do Mỹ hỗ trợ có thể sẽ tan rã. Với lý do làn sóng thù hận Mỹ gia tăng nhanh
chóng, mọi mục tiêu của Mỹ ở Syria và Iraq có thể bị tấn công bất cứ lúc nào sẽ
giúp Mỹ thuận lợi hơn trong tiến trình rút quân khỏi Syria. Quả thực, với quyết
định của Quốc hội Iraq về việc chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng nước
ngoài ngay sau vụ ám sát tướng Iran đã mở ra một “lộ trình khôn ngoan” mà Tổng
thống Donald Trump đang tìm kiếm. Lẽ dĩ nhiên, việc hạn chế lực lượng ở Iraq sẽ
khéo theo quá trình rút quân Mỹ tại Syria.
Tăng cường uy tín cho
Tổng thống Donald Trump. Hạ viện Mỹ đã thông qua việc luận tội ông Donald Trump. Tuy
tiếng nói của Hạ viện là không đủ để có thể thay đổi được điều gì, nhưng trong
năm cuối của nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump vẫn rất cần một tiếng vang từ
bên ngoài để xoa dịu các mâu thuẫn bên trong, tăng cường vị thế của mình trên
chính trường. Hiện nay, việc lựa chọn đối thủ để gây hấn với Mỹ không dễ, khi
tình hình Syria đã ngã ngũ, Mỹ không còn nhiều lý do để đối đầu với Chính quyền
Bashar Al Assad; vấn đề Triều Tiên tương đối nhạy cảm với các biến cố quân sự;
thương chiến với Trung Quốc đã trở nên quá phức tạp; Mỹ cũng không thể gây hấn
quân sự với Nga; các đối tượng khác thì quá nhỏ bé, chưa đủ để tạo ra một điểm
nhấn lớn. Do đó, Iran là lựa chọn phù hợp duy nhất lúc này. Chính quyền của
Tổng thống Trump có thể leo thang và vẫn có phương án xuống thang khi cần thiết.
Liệu có ẩn chứa một mục
đích kinh tế nào không? Tất nhiên là không thể không tính đến. Một điều đáng
chú ý, vụ ám sát tướng Qassem Soleimani diễn ra vào ngày 3/1/2020, ở Mỹ lúc này
đang là sáng sớm thứ 6. Tin tức cuộc ám sát sẽ nhanh chóng lan rộng trên phạm
vi toàn cầu. Và như vậy, trong phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần mọi thứ sẽ
diễn ra vô cùng sôi động do tâm lý lo ngại căng thẳng leo thang sẽ dẫn đến một
cuộc chiến “báo thù”. Bên cạnh đó, theo đài CNBC, giá dầu thô tại Mỹ ngay trong
ngày đã ghi nhận mức tăng 3%, giá vàng cũng phản ứng gần như ngay lập tức để
đạt đỉnh 1610 USD/1 ounce không lâu sau đó, đây là mức giá cao nhất kể từ năm
2013. Những biến động kinh tế rất lớn chỉ trong một vài ngày có thể đem đến
khoản lợi nhuận vô cùng lớn cho các tài phiệt đầu cơ.
Một
tuần sau khi cuộc ám sát diễn ra, có vẻ các mục đích của Mỹ đều đã đạt được
những thành quả nhất định. Tuy nhiên, không phải là không có những hậu quả đối
với Mỹ, thậm chí là hệ lụy của nó là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mỹ
trong các giai đoạn về sau.
Thách thức của Iran, Mỹ và Trung Quốc
Đối với Iran, Kể
từ năm 2011 đến nay, Iran đã mất không chỉ một vị tướng. Tuy nhiên, khác với
các vị tướng hi sinh trên chiến trường, tướng Soleimani bị Mỹ ám sát khi đến
Iraq để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao. Trên thực tế, đây được coi như hành vi
tuyên chiến của Mỹ.
Mất đi một vị tướng quan trọng, một
biểu tượng có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với Iran, nước này rơi vào tình thế
không thể không trả thù. Cộng đồng người dân Iran hơn lúc nào hết đang nổi lên
làn sóng hận thù dữ dội. Nhưng trả thù như thế nào để có thể vẫn kiểm soát được
tình hình, không rơi vào thế khó trong cuộc chiến khác trên mặt trận ngoại giao
lại là điều không hề đơn giản. So sánh tương quan lực lượng, Iran vẫn ở thế bất
lợi, chưa có nhiều đồng minh rõ ràng có thể sát cánh cùng Iran ngay tức thì.
Trong một cuộc chiến tranh giả tưởng, với khả năng của mình, Iran tất nhiên có
thể đáp trả những đòn đau cho bất cứ kẻ thù nào trên thế giới. Tuy nhiên, cái
giá phải trả của Iran có thể sẽ còn đắt hơn thế.
Không vội vàng, sau đám tang của tướng
Soleimani, Iran đã bắt đầu thực hiện hành động đáp trả. Ngày 8/1/2020, Iran đã
bắn tên lửa, tấn công 2 căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, gây ra những thiệt hại
nhất định đối với Mỹ. Thống kê thiệt hại từ hai phía tất nhiên sẽ có những khoảng
cách rất khác biệt. Iran nói có ít nhất “80 phần tử khủng bố Mỹ” bị thiệt mạng,
còn Mỹ tuyên bố con số này là 0, tuyên bố
của Mỹ được cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra sau cuộc họp giữa tổng thống
cùng các quan chức Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao.
Sau cuộc tấn công, Bộ trưởng Ngoại
giao Iran thông báo: “Iran đã tiến hành và kết thúc các biện pháp tự vệ tương xứng
theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc…” và “Chúng tôi không tìm cách leo
thang, nhưng sẽ tự vệ trước bất kỳ sự xâm lược nào”. Điều đó cho thấy, Iran đã
lựa chọn cách “báo thù” có chừng mực, nhằm đáp trả hành động thù địch của phía
Mỹ. Đây có thể coi là một biện pháp phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.
Quang cảnh căn cứ không quân Ain Al Assad sau khi bị Iran tấn công bằng tên lửa |
Đối với Mỹ,
bên cạnh những kết quả đạt được, sự việc đã đưa Mỹ đến với nhiều thách thức mới.
Ngay sau cuộc ám sát, Quốc
hội Iraq đã ra quyết định về việc chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng
nước ngoài. Điều này sẽ là một cơ sở pháp lí gây bất lợi cho chiến lược của Mỹ
tại khu vực Trung Cận đông trong tương lai. Những hành động can thiệp vào lãnh
thổ các quốc gia này sẽ gặp nhiều rào cản hơn so với trước đây.
Mặt khác, cuộc ám sát tướng Iran ở Mỹ
đã đặt các cơ sở quân sự của Mỹ tại khu vực trở nên mất an toàn hơn bởi sự việc
này không chỉ khiến tâm lý thù hận của người Iran được đẩy cao mà còn thổi bùng
ngọn lửa chống Mỹ vốn đã âm ỉ hàng chục năm qua trên toàn khu vực Trung Đông.
Iran đã chứng minh cho thế giới thấy được rằng họ dám tấn công Mỹ ở bên ngoài
lãnh thổ, thậm chí Mỹ chỉ đáp trả lại cuộc tấn công đó bằng các biện pháp ngoại
giao, cấm vận. Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với quân đội Mỹ. Cảm
giác bất an hơn sẽ ngày càng hiện hữu trong quân đội viễn chinh của nước này.
Cuộc ám sát thiếu tướng Qassem
Soleimani càng làm xấu đi hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế, tạo ra sự nghi
ngờ, đề phòng cao độ của thế giới đối với nước này. Đây là hành động coi thường
mọi quy tắc quốc tế bởi vị tướng Iran bị Mỹ ám sát khi đang thực hiện chuyến
công tác ngoại giao tại Iraq. Nhiều tờ báo lớn của Mỹ đã khẳng định trước khi tướng
Soleimani bị giết hại, ông đang chuẩn bị có cuộc gặp với Thủ tướng Iraq. Cũng
không loại trừ khả năng Mỹ đã thông qua Iraq sắp đặt cuộc gặp này để thực hiện
cuộc không kích. Việc Mỹ đã công khai giết hại một nhà ngoại giao trên lãnh thổ
một quốc gia có chủ quyền khác sẽ tạo ra một tiền lệ đáng e ngại với
tất cả các quốc gia trên thế giới. Để đạt được mục đích của mình, Chính quyền Mỹ
sẵn sàng thực hiện bất cứ hành động liều lĩnh nào đe dọa tới lợi ích của các nước
khác. Do vậy, uy tín của nước Mỹ không những không tăng thêm mà còn suy giảm
nghiêm trọng sau cuộc ám sát này.
Đối với Trung Quốc, cũng giống như nhiều quốc gia khác,
nước này không liên quan trực tiếp tới căng thẳng Mỹ-Iran những ngày qua, tuy nhiên,
trong số các nước lớn có ảnh hưởng tại khu vực Trung Cận đông, Trung Quốc sẽ gặp
phải không ít tác động.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn
nhất của phần lớn các quốc gia ở khu vực này, căng thẳng Mỹ-Iran càng căng thẳng
càng gây ảnh hưởng tới quá trình lưu thông hàng hóa của Trung Quốc trên các tuyến
con đường tơ lụa Á-Phi-Âu. Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt với Mỹ hiện nay,
Trung Quốc vừa muốn Mỹ sa lầy vào các xung đột, căng thẳng với các quốc gia
khác nhằm tận dụng thời cơ vượt mặt Mỹ, nhưng lại vừa không muốn một ngọn lửa
chiến tranh bùng lên ở khu vực ngã ba ba châu lục này. Đại chiến lược vành đai,
con đường của Trung Quốc không thể không có một Trung Cận đông ổn định, căng thẳng
xung đột được kiểm soát.
Mặt khác, dù đã bổ sung thêm nguồn cung
cấp năng lượng từ Nga, nhưng rõ ràng nguồn cung năng lượng từ các nước Trung
Đông là không hề nhỏ. Nguồn cung này trong trường hợp bị hạn chế do chiến tranh
sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của Trung Quốc.
Khi căng thẳng Mỹ - Iran
tiếp tục leo thang, Trung Quốc tuy được nhiều nhưng mất cũng không ít. Đây là
bài toán không dễ đối với nước này, điều đó khiến Trung Quốc khó có thể biểu hiện
quan điểm rõ ràng của mình.
Dự báo xu hướng
Cuộc tấn công “báo thù có kiểm soát”
của Iran đã cho thấy Iran đã tính toán rất kĩ lưỡng, họ đã gây ra một thiệt hại
vừa đủ cho Mỹ để xoa dịu lòng hận thù. Mỹ cũng đã công bố thiệt hại ở mức rất
thấp so với công bố của phía Iran, vừa đem đến cho truyền thông cơ hội “hạ bệ”
sức mạnh và ý chí của Iran, vừa giúp Mỹ không leo thang quân sự nhưng có lí do
để tăng cường cấm vận Iran. Tuy vậy, đây vẫn là một biến cố không quốc gia nào
có lợi.
Kết quả đó đã giúp nguy cơ leo thang
chiến tranh tạm thời qua đi. Không bên nào có đủ lí do để tiếp tục các hành động
quân sự liều lĩnh. Nhưng căng thẳng trên mặt trận ngoại giao là điều không thể
tránh khỏi. Trên thực tế, ngay lập tức Mỹ đã ra các tuyên bố tăng cường cấm vận
Iran. Để đáp trả, Iran sẽ có lí do chính đáng để tái khởi động lại các chương
trình hạt nhân trước đây đã bị hạn chế. Họ sẽ tăng cường nghiên cứu phát triển
các thế hệ máy ly tâm mới và không giới hạn quá trình làm giàu Uranium.
Ngoài ra, Iran có thể tăng cường hỗ
trợ cho các lực lượng Hồi giáo thân cận trên toàn khu vực, tiếp tục cổ vũ làn
sóng chống Mỹ trên khắp các quốc gia Hồi giáo Trung Cận đông. Các lãnh thổ
Yemen, Syria, Afghanistan, Libya và nhiều quốc gia khác sẽ ngày càng trở nên mất
an toàn với binh lính Mỹ và các nước đồng minh.
Không dừng lại ở đó, hệ lụy từ căng
thẳng Mỹ - Iran trong tuần qua sẽ kéo theo cạnh tranh nước lớn ở khu vực Trung
Cận đông sẽ có nhiều biến động mới. Mỹ mất đi cơ sở pháp lý cho sự hiện diện
quân sự tại Syria và Iraq. Đây là điều mà Nga và Trung Quốc không thể không
tranh thủ. Căng thẳng Mỹ - Iran được xoa dịu chỉ là khoảng lặng nhất thời trước
nhiều thay đổi phức tạp, quyết liệt có thể diễn ra trong tương lai gần.
Bài học cho Việt Nam
Hơn ai hết, Việt Nam đã có rất
nhiều kinh nghiệm trong quan hệ với Mỹ cả trong thời chiến lẫn thời bình, tương tự với những gì
mà Iran đã trải qua. Hành động của Mỹ trong từng thời điểm có thể khác nhau,
nhưng chiến lược toàn cầu của họ gần như ít thay đổi. Chính quyền các Tổng thống
Mỹ như thường lệ có thể làm bất cứ điều gì, không tuân theo phép tắc quốc tế
nào, miễn là phục vụ được mục đích của họ. Do đó, trong quan hệ với Mỹ không kể
thời bình hay thời chiến, các quốc gia trên thế giới và kể cả Việt Nam cũng
luôn phải có những đề phòng nhất định đối với Mỹ.
Điều quan trọng hiện nay của Việt Nam
là tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại linh hoạt, xử lý hài hòa mối quan hệ
đối tác - đối tượng trong quan hệ với Mỹ. Giải quyết những khác biệt một cách
khéo léo, không để xuất hiện những cái cớ để Mỹ có thể gây khó khăn, đặc biệt ở
ba vấn đề: thâm hụt thương mại gia tăng; vấn đề về nhân quyền, dân chủ và vấn đề
khắc phục hậu quả thời chiến tranh.
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét