Hai
thập niên đầu thế kỉ XXI vừa qua, thế giới có nhiều chuyển biến quan trọng, cục
diện toàn cầu có những thay đổi nhanh chóng với sự vươn lên của nhiều cường
quốc mới. Với tư cách là hai trong số năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo
an Liên hợp quốc, mối quan hệ Trung Quốc - Nga có tác động rất lớn tới cục diện
toàn cầu. Và mối quan hệ này đã có những chuyển biến rất rõ nét gắn liền với
những biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là quá trình xây dựng một trật
tự thế giới mới nhằm loại bỏ vị thế số một của Hoa Kỳ.
Định
hướng đối ngoại và nhu cầu của hai nước
Sau
Chiến tranh lạnh, các quốc gia trên thế giới đều tập trung toàn lực cho việc
phát triển kinh tế, xu thế hợp tác là chủ đạo. Nước Nga dưới thời Tổng thống
Putin đã chuyển hướng mạnh mẽ sang “chiến lược Á-Âu thay” vì “định hướng Đại
Tây Dương” như thời kỳ của hai người tiền nhiệm. Với Trung Quốc, về cơ bản đây
vẫn là giai đoạn “giấu mình chờ thời”, tập trung phát triển trở thành một siêu
cường mới của thế giới.
Với
những định hướng đó, cả Trung Quốc và Nga đều có rất nhiều thế mạnh mà phía còn
lại đang cần tranh thủ hợp tác. Trung Quốc có một thị trường lớn, nhu cầu nhập
khẩu ngày càng gia tăng nhanh chóng. Nga có nguồn nguyên liệu, năng lượng dồi
dào, cùng với khoa học kĩ thuật phát triển, đặc biệt là khoa học quân sự. Cả
hai đều có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế. Do vậy, về cơ bản, những thế
mạnh của quốc gia này sẽ góp phần khỏa lấp các điểm còn hạn chế của quốc gia
kia. Đây là mối quan hệ “cộng sinh” nước lớn, hợp tác cùng có lợi điển hình trong
thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh .
Chuyển
biến trong quan hệ Trung Quốc - Nga trên các lĩnh vực chủ yếu
Quan
hệ Trung Quốc và Nga trong thế kỉ XXI được đặt nền móng từ năm 2001 khi hai
nước đã ký với nhau Hiệp định láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác.
Thời điểm này, Bộ Ngoại giao Nga đánh giá “đây là thời kỳ tốt đẹp nhất trong
lịch sử hơn 300 năm quan hệ đầy những thăng trầm, phức tạp”[1].
Hai mươi năm qua, nếu xem xét riêng trên từng lĩnh vực, vấn đề có thể được chia
thành nhiều giai đoạn phát triển với những đặc trưng riêng của bối cảnh lịch
sử. Tuy nhiên, xét về tổng thể, có thể chia mối quan hệ song phương này thành
hai giai đoạn lớn: từ đầu thế kỉ XXI đến năm 2014 và từ năm 2014 cho đến nay.
Bước ngoặt được tạo ra từ hai yếu tố cơ bản: một là, diễn biến quan hệ Nga và
phương Tây; hai là, sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Quá trình hợp tác
Trung Quốc - Nga trên các lĩnh vực đều có những thay đổi không những về lượng
mà còn về chất sau các sự biến trong năm 2014 này. Có lĩnh vực phát triển mạnh
mẽ nhưng cũng có lĩnh vực không còn được chú trọng.
Trên
lĩnh vực kinh tế
Mặc
dù là hai quốc gia láng giềng có nhiều thế mạnh kinh tế, song quan hệ kinh tế
giữa Trung Quốc và Nga chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và phát triển
không đồng đều trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI mặc dù tổng kim ngạch thương
mại của hai nước đã tăng gấp 5 lần từ năm 2003 đến năm 2014 (biểu đồ). Dưới tác
động tiêu cực của quan hệ Nga - phương Tây sau sự kiện bán đảo Crimea trở về
lãnh thổ Nga, nước này đã buộc phải tái cấu trúc lại nền kinh tế, kiến thương
mại của Nga với toàn cầu sụt giảm mạnh. Cần nói thêm rằng, trước năm 2014, thị
trường ưu tiên hàng đầu của Nga vẫn là châu Âu. Căng thẳng trong quan hệ Nga -
phương Tây tạo thuận lợi cho Nga chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc. Mặc
dù thương mại Trung Quốc - Nga trong năm 2015 đã giảm 27,8%[2],
nhưng tình trạng này nhanh chóng được cải thiện và phát triển sau khi nước này
tái cấu trúc lại nền kinh tế.
Kim ngạch
thương mại hai chiều Trung Quốc - Nga 2003-2014
Nguồn:
Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 2015.
Đến
năm 2018, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng trưởng đến 107 tỷ USD[3], con số này sẽ còn gia tăng khi từ năm 2019, Nga sẽ
chính thức vận hành đường ống cung cấp khí đốt cho Trung Quốc theo bản hợp đồng
trị giá 400 tỷ USD trong 30 năm được ký vào năm 2014. Hai nước cũng đã đặt mục
tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên mức 200 tỷ USD vào năm
2024, thúc đẩy tăng cường đầu tư FDI hai phía. Đồng thời, Trung Quốc và Nga
đang cùng nhau hợp tác làm giảm vị thế toàn cầu của đồng Đô la. Cả hai đều tiên
phong cổ vũ hoạt động giao dịch thương mại quốc tế bằng các đồng tiền nội tệ
thay thế cho Đô la. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế
Trung - Nga ngày càng phát triển sâu sắc.
Hợp
tác chính trị
Quan
hệ chính trị giữa Trung Quốc và Nga diễn ra tương đối thực dụng, tuy vẫn tồn
tại sự nghi kị lẫn nhau, nhưng cả hai đều cùng nhau đạt được nhiều đồng thuận
trong các vấn đề quốc tế. Sau Hiệp định láng giềng thân thiện, hữu nghị
và hợp tác năm 2001, hai nước tiếp tục ký với nhau Hiệp định Biên giới
sau 40 năm đàm phán vào năm 2005, hoàn thành việc cắm mốc biên giới và nỗ lực
xây dựng đường biên giới chung dài 4.300km trở thành khu vực láng giềng hòa
bình thân thiệt và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân[4]. Từ đây, lòng tin giữa hai nước đã được cải thiện đáng
kể.
Trước
những áp lực từ phía Hoa Kỳ, cả Trung Quốc và Nga đều nhận thấy cần phải hợp
tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo lợi ích quốc gia của mình. Tuy nhiên, mối quan
hệ chính trị giữa hai nước được xây dựng trên quan điểm “kẻ thù của kẻ thù là
bạn” chứ không được xây dựng trên nền tảng sự tin cậy truyền thống. Về cơ bản,
gắn kết chính trị giữa Trung Quốc và Nga là không bền, có thể thay đổi khi
tương quan quyền lực toàn cầu có sự thay đổi.
Mối
nghi kị lớn nhất đối với Nga hiện nay là Trung Quốc đang ngày càng xâm nhập,
gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới khu vực Trung Á. Bằng sức mạnh kinh tế của mình,
Trung Quốc tỏ ra hào phóng khi chi mạnh tay các khoản tài trợ, đầu tư cho các
nước Trung Á, nơi được coi là khu vực lợi ích sống còn đối với nước Nga.Việc để
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á sẽ là tạo ra sự bất an không nhỏ đối
với Nga. Để có thể tìm được tiếng nói chung giữa hai nước tại khu vực nhạy cảm
này, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác đa
phương lấy quan hệ song phương Trung - Nga làm trụ cột. Trung Quốc quan tâm đến
việc thúc đẩy phát triển kinh tế, Nga quan tâm tới hợp tác đảm bảo tình hình an
ninh khu vực. SCO giúp đã giải quyết hài hòa các lợi ích của mỗi bên.
Hợp
tác quốc phòng
Với
Trung Quốc, để có thể thực hiện được tham vọng trở thành một siêu cường toàn diện,
quá trình hiện đại hóa Quân đội nhân dân Trung Hoa không thể không tăng cường
hợp tác với Nga. Hầu hết trang thiết bị vũ khí của Trung Quốc hiện nay có nguồn
gốc, nền tảng kĩ thuật từ Nga. Tính đến năm 2009, Trung Quốc vẫn là quốc gia
nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ Nga, chiếm tỉ trọng lên tới 35% lượng vũ khí xuất
khẩu của Nga[5]. Tuy nhiên, sau năm 2009 đến nay, nhập
khẩu vũ khí của Trung Quốc từ Nga giảm mạnh, chỉ chiếm tỉ trọng 12% giai đoạn
2009-2013 và 14% giai đoạn 2014-2018[6].
Trung
Quốc đã đầu tư rất mạnh cho việc phát triển khoa học kĩ thuật quân sự dựa trên
công nghệ quân sự nước ngoài, đặc biệt là Nga. Khi nước này có đủ khả năng sao
chép công nghệ, tự phát triển các thế hệ vũ khí trang bị của riêng mình, việc
nhập khẩu vũ khí từ bên ngoài giảm mạnh. Trung Quốc chỉ còn tập trung quan tâm
tới vào các loại vũ khí thế hệ mới, công nghệ mới của thế giới. Rất dễ thấy
trong biên chế Quân đội nhân dân Trung Hoa các loại vũ khí trang bị sao chép từ
công nghệ quân sự của Nga, như: xe tăng Type 59 được sản xuất dựa trên nguyên
mẫu xe tăng T-54 của Nga; máy bay tiêm kích thế hệ III (theo phân định của
Trung Quốc) J-10 và J-11B dựa trên cơ sở máy bay tiêm kích hạng nặng thế hệ IV
Su-27 của Nga; máy bay tiêm kích hạm J-15 dựa trên cơ sở công nghệ của máy bay
tiêm kích hạm Su-33 của Nga; máy bay tiêm kích J-16 được sản xuất dựa trên cơ
sở máy bay tiêm kích Su-30MK2; hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 được phát
triển dựa theo hệ thống phòng không S-300 PMU1 và S-300PMU2 của Nga… Có thể
thấy, công nghệ quân sự Nga hiện hữu rất phổ biến trong biên chế Quân đội nhân
dân Trung Hoa. Điều này cũng trở thành một vấn đề tiêu cực trong quan hệ quốc
phòng hai nước.
Mặt
khác, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ cao, song
hành với tốc độ phát triển kinh tế của họ. Từ năm 2001 đến năm 2018, chi tiêu
quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 49,8 tỷ USD lên tới 250 tỷ USD[7]. Trung Quốc trở thành quốc gia có sức mạnh quốc phòng
mạnh thứ 3 trên thế giới sau (Mỹ và Nga). Việc xuất hiện một thế lực hùng mạnh
ở ngay sát biên giới sẽ trở thành một mối đe dọa cho Nga trong tương lai không
xa. Trên thực tế, với quá trình hiện đại hóa nhanh chóng trên quy mô lớn chưa
từng thấy trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt
qua Nga trên nhiều lĩnh vực quân sự trong tương lai gần. Trung Quốc lúc này sẽ
không chỉ là nỗi bất an lớn với các nước trung bình và yếu ở khu vực mà ngay cả
các siêu cường quân sự như Nga và Mỹ cũng không thể không đề phòng.
Bản
chất và xu hướng phát triển của mối quan hệ Trung Quốc - Nga
Như
đã trình bày, bản chất của mối quan hệ Trung Quốc là quan hệ “cộng sinh nước
lớn”, hợp tác cùng có lợi dựa trên quan điểm “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Trên
cơ sở đó, đây là mối quan hệ không bền vững, còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, nhưng
do những yêu cầu bắt buộc của bối cảnh lịch sử đương đại, hai nước cần phải hợp
tác với nhau để đối phó với những thách thức chung. Trong tương lai gần, hai
nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác vì những lợi ích ngắn hạn của họ.
Nhưng
với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, không có gì đảm bảo khi nước
này chính thức trở thành một siêu cường toàn diện của thế giới, họ sẽ tìm cách
chung sống hòa bình với các quốc gia láng giềng, trong đó có Nga. Hơn nữa, khi
cán cân quyền lực toàn cầu thay đổi theo hướng mất cân bằng, theo tự nhiên, hệ
thống quan hệ quốc tế sẽ buộc phải tự điều chỉnh, sự điều chỉnh đó có thể kéo
theo sự bất ổn trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khác. Thời kỳ
“trăng mật” trong quan hệ Trung - Nga có thể sẽ chấm dứt như những gì đã từng
xảy ra trong thập niên 60 của thế kỉ XX.
Tác giả: Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử
[1]
Hà Mỹ Hương (2009), Nước Nga thời Hậu Xô Viết qua những biến thiên của lịch sử,
NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr. 273.
[2]
Silvana Malle (2017), “Russia and China in the 21st century. Moving towards
cooperative behaviour”, Journal of Eurasian Studies, Volume 8, Issue 2, p.
139.
[3]
Holly Ellyatt (2019), Are Russia and China the best of friends now? It’s
complicated, analysts say,
https://www.cnbc.com/2019/09/27/russia-and-chinas-relationship--how-deep-does-it-go.html,
truy cập ngày: 3/1/2020.
[4] Phạm Minh Sơn
(Chủ biên, 2008), Chính sách đối ngoại
của một số nước lớn trên thế giới, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 91.
[6] SIPRI (2014), Trends in
international arms transfers 2003, Solna, Stockholm, Sweden, p.2 &
SIPRI (2019), Trends
in international arms transfers 2018, Solna, Stockholm, Sweden, p.2.
[7] SIPRI (2019), Data for all
countries from 1988–2018 in constant (2017) USD, Solna, Stockholm, Sweden.
(tác giả tổng hợp).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét