Người theo dõi

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Chiến tranh biên giới phía Bắc: Trận phục kích ở Bản Sẩy (Cao Bằng)


Trận phục kích tại Bản Sẩy (Cao Bằng) diễn ra ngày 18/2/1979 của đại đội 10, tiểu đoàn 9, trung đoàn 81, sư đoàn 346, Quân khu 1 là trận phục kích mẫu mực, hiệu suất chiến đấu cao khiến địch bị thiệt hại nặng nề về trang bị cơ giới và nhân mạng. 
Tuy nhiên, có địa lợi và nhân hòa nhưng cũng có một yếu tố may mắn không thể không nói đến. Trong thời gian gấp rút chuẩn bị trận địa phục kích, ta chưa kịp giấu kĩ hai xe vận tải gần bên đường, nhưng tốp xe tăng địch đi trước trinh sát đã không phát hiện ra. Đây có thể là điểm mấu chốt giúp kế hoạch phục kích của đại đội 10 diễn ra thành công.
Khu vực Bản Sẩy (Cao Bằng) hiện nay
Nguồn: Cục Huấn luyện chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu (1991), Kinh nghiệm chiến đấu ở biên giới phía Bắc (Đại đội - Tiểu đoàn), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 83-89.
Số hóa: Chu Hoàng
___________________________________

I – TÌNH HÌNH CHUNG
A- ĐỊA HÌNH
Bản Sẩy (13208) thuộc xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ở về phía đông bắc đường 166 (thị xã Cao Bằng đi Hà Quảng), cách thị xã Cao Bằng khoảng 12km về phía tây bắc; cách biên giới Việt – Trung và mốc 113 (3702) khoảng 30km về phía đông nam.
Bản Sẩy ở độ cao khoảng 240m, dài khoảng 600m, rộng khoảng 300m, có hai xóm: xóm 1 ở giáp đường, xóm 2 cách xóm 1 khoảng 50-100m về phía bắc. Xung quanh các xóm có lũy tre tương đối dày và kín đáo tiện giấu quân, giữ được bí mật, bất ngờ, B40, B41 và các loại hỏa khí khác có thể bắn xuống mặt đường. Bộ binh xung phong ra đường hơi khó (vướng tre). Trong bản nhà ở thưa, làm bằng gỗ và xây gạch, có vườn, cách nhau 50-70m khi cần có thể chiến đấu trong làng được. Phía bắc, tây và tây nam là cánh đồng lúa nước, bùn không sâu xe tăng vẫn đi được; phía đông và đông bắc là các đồi trồng dứa, dong…xa khoảng 1km là núi cao rừng rậm khi cần cơ động lực lượng được kín đáo.
Đường 166 từ mốc 113 qua Hà Quảng (3404) ngã ba Đông Chương (3407), huyện lỵ Hòa An (Nước Hai – 1418) theo đường 3 về thị xã Cao Bằng. Đường rộng khoảng 4-5m, trải đá dăm xe cơ giới đi lại thuận tiện, một số đường mòn qua lại giữa các bản.
Phía tây Bản Sẩy có sông Bằng Giang rộng khoảng 30-40m chảy theo phía tây bắc – đông nam, đoạn ngang Bản Sẩy cách đường khoảng 1km, bờ cao 2-3m, nước cạn người qua lại dễ dàng. Hai suối phía tây bắc và đông nam Bản Sẩy cách nhau khoảng 2km, suối rộng khoảng 6-7km: đoạn địa hình này có thể chứa 20-30 xe khi di chuyển, nếu hai cầu bị phá xe khó thoát ra khỏi trận địa phục kích.
Tóm lại: đoạn đường Bản Sẩy – Mạ Quan (1220) có thể tổ chức phục kích đánh xe được thuận tiện và khi cần thiết dựa vào địa hình làng mạc chuyển vào phòng ngự ngăn chặn địch được một thời gian tạo thời cơ cho các lực lượng ở thị xã chuẩn bị chiến đấu.
Dân cư ở đây chủ yếu là dân tộc Tày – Nùng, chỉ có dân quân ở lại còn đã sơ tán hết. Dân tốt, nhiệt tình giúp đỡ bộ đội.
B – TÌNH HÌNH ĐỊCH
Sau khi đánh chiếm được Thông Nông (tây bắc thị xã Cao Bằng khoảng 30km), Thạch An (đông nam thị xã Cao Bằng khoảng 35km); để phối hợp với các hướng Trà Lĩnh, Trùng Khánh, ngày 18/2/1979 một sư đoàn tăng cường có một phân đội xe tăng phái đi trước từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã Cao Bằng; ta không nắm được ý đồ, hành trình cụ thể.
C- TÌNH HÌNH TA
1. Đại đội 10:
Đại đội 10 thuộc tiểu đoàn 9, trung đoàn 81, sư đoàn 346 của Quân khu 1, trước tháng 2 năm 1979 làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế mới chuyển sang sẵn sàng chiến đấu cuối năm 1978. Đơn vị đã qua huấn luyện một số môn trong đó có chiến thuật phòng ngự.
Về chất lượng: cán bộ cấp đại đội và một số cán bộ trung đội đã qua chiến đấu. Chiến sĩ nhập ngũ năm 1977 và 1978 chưa qua chiến đấu.
Tổ chức, biên chế: tương đối đủ. Quân số tham gia chiến đấu 100 đồng chí. Ngoài ra còn có một đồng chí phó chính ủy trung đoàn, một đồng chí phó chính trị viên tiểu đoàn cùng đi với đại đội.
Trang bị: một khẩu ĐKZ 82mm, một cối 82mm, hai khẩu cối 60mm, 12 khẩu B41, một khẩu đại liên, bảy khẩu trung liên, 60 AK và một máy vô tuyến điện.
2. Nhiệm vụ chiến đấu:
Ngày 17-2-1979: đại đội 10 đang phòng ngự ở đèo Mã Phục (1337) cách thị xã Cao Bằng khoảng 11km về phía đông bắc. 22.00 cùng ngày nhận được lệnh cơ động về khu vực xã Đức Long (2013) cách thị xã Cao Bằng khoảng 20km về phía tây bắc ngăn chặn địch từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã.
Sau khi nhận lệnh, đại đội đã tiến hành mọi công tác chuẩn bị và hành quân bằng bốn xe ô tô, lúc 04.00 sáng 18-2.
05.30 (18-2): Xe đến Bản Vạn (Nước Hai – 1418) còn cách vị trí quy định khoảng 10km xe dừng lại nghỉ, cán bộ tranh thủ hội ý xã định nơi sẽ chặn địch ở Đức Long.
Trong lúc đang hội ý thì nghe tiếng súng phía tây bắc và thấy bộ binh địch xuất hiện các Bản Vạn khoảng 600-700m. Sau khi trao đổi ý kiến, đánh giá tình hình, đồng chí phó chính ủy ra lệnh nhanh chóng cho đại đội quay lại chọn địa hình có lợi bố trí chặn đánh địch.
3. Ý định chiến đấu của đại đội trưởng:
- Trận địa phục kích: Đoạn đường dọc theo xóm 1 dài khoảng 500-600m. Chặn đầu ở đông nam xóm 1 (sát sông Bằng Giang) khóa đuôi ở cầu phía đông trạm xá. Đoạn chủ yếu: giữa xóm 1 (khoảng 200-300m).
- Phương pháp tiêu diệt địch: Phục kích gần đường (cách 15-20), dùng hỏa lực chặn đầu và chia cắt khóa đuôi; đồng loạt nổ súng tiêu diệt xe và bộ binh địch lọt vào trận địa. Sẵn sàng đánh địch tiến công vào làng.
- Tổ chức hỏa lực diệt địch: B40, B41 chặn đầu, diệt các xe cơ giới trong phạm vi phân đội bố trí; ĐKZ đánh xe cuối khóa đuôi. Hỏa lực cối 82mm, 60mm, đại liên và các hỏa khí khác tiêu diệt bộ binh địch theo xe và trên mặt đường.
- Đội hình chiến đấu và sử dụng lực lượng: Bộ phận chặn đầu và bộ phận chủ yếu gồm hai trung đội 4 và 5 (trung đội 5 bố trí ở một nửa xóm 1 về phía thị xã, trung đội 4 bố trí tại một nửa xóm còn lại); khóa đuôi, chặn địch đánh vào làng và cơ động: trung đội 6 (bố trí tây bắc xóm 1 và xóm 2). Hỏa lực ĐKZ, cối 82mm, 60mm, đại liên do đại đội nắm chi viện chung (bố trí phía sau giữa trung đội 4 và 6). Vị trí chỉ huy: đại đội trưởng ở trong đội hình trung đội 4 phó chính trị viên đại đội đi cùng trung đội 5, phó đại đội trưởng đi cùng trung đội 6.

II. DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
(Ngày 18 tháng 2)
A – DIỄN BIẾN
- 07.00: Đại đội vừa vào hết trong bản chưa triển khai xong thì bốn xe tăng địch mỗi xe chở khoảng 10 tên, đi cách nhau khoảng 50m một xe, đã chạy qua Bản Sẩy về phía Cao Bằng. Địch không phát hiện được ta bố trí ở đây mặc dù lúc đó cạnh đường ta còn hai xe vận tải chưa giấu kịp.
- 07.20: Đại đội triển khai xong đội hình. Cùng lúc đó, ba xe tăng (cách tốp đi đầu khoảng 500-600m) bên trên chở bộ binh tiến vào trận địa. Xe địch đến giữa trận địa khoảng đầu đội hình trung đội 5, đại đội trưởng ra lệnh nổ súng. B41 của hai trung đội diệt ngay ba xe, bộ binh ngồi trên xe bị hỏa lực trung liên, AK tiêu diệt gần hết.
Các xe chạy tốp thứ hai dừng lại bên kia cầu, triển khai quanh trạm xá ở bên tây đường dùng pháo trên xe và hỏa lực bộ binh (ngồi trên xe) bắn mạnh vào lũy tre và trong bản, sau đó cho xe vừa chạy vừa bắn (mỗi xe cách nhau 50-60m) định vượt qua Bản Sẩy để tiến về thị xã Cao Bằng. Chiến sĩ trung đội 4, 5 lợi dụng các mô đất, các khóm tre ẩn nấp để địch vượt qua cầu vào sâu trong trận địa (gần hết phạm vi trung đội 4) mới nổ súng tiêu diệt tiếp năm xe tăng và số bộ binh ngồi trên xe. Trong khoảng thời gian này bốn xe đi đầu không thấy quay lại.
Sau đợt chiến đấu, đại đội trưởng cho củng cố đội hình, giải quyết thương binh, tử sĩ, bổ sung đạn dược, sửa sang công sự và động viên sẵn sàng đánh địch tiếp.
- 14.00: Bốn xe chạy thoát lúc đầu quay lại, đang tiến vào trận địa.
Đại đội trưởng ra lệnh để xe lọt vào giữa trận địa trung đội 5 mới được bổ sung.
Bốn xe địch vừa đi vừa thăm dò thận trọng, ba mươi phút sau (14.30) lọt vào trận địa trung đội 5, đống chí phó chính trị viên đại đội ra lệnh nổ súng. B41 bắn trúng cả 4 xe bốc cháy (một xe do phó chính trị viên dùng B41 bắn), số bộ binh ngồi trên xe nhảy xuống chống cự sau ít phút bị hỏa lực súng cối, súng bộ binh của hai trung đội tiêu diệt.
- 15.00: Trận đánh kết thúc.
B- KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
- Địch bị tiêu diệt: 150 tên, bị bắn cháy, hỏng: 12 xe tăng.
- Ta: hy sinh bốn đồng chí, bị thương 12 đồng chí. Thu được một đại liên, ba AK và một số đạn, khí tài khác.

III. MỘT SỐ KINH NGHIỆM
1. Lực lượng đi trước (hoặc thọc sâu, vu hồi) của địch thường hoạt động tương đối độc lập xa chủ lực, xa sự chi viện của hỏa lực, không nắm chắc địa hình, cách bố trí của ta…khi bị bất ngờ tiến công sẽ nhanh chóng bị tan rã hoặc bị tiêu diệt.
2. Trong điều kiện rất gấp, đại đội bộ binh 10 đã đánh một trận phục kích ngoài dự kiến khi quân địch đang tiến đến mục tiêu tiến công, đạt được hiệu suất cao. Từ đó có thể khẳng định: trong phòng ngự ta có điều kiện chuẩn bị trước chiến trường theo một ý định tác chiến thống nhất. Quá trình tiến sâu vào đất ta địch sẽ bị các lực lượng vũ trang tại chỗ dựa vào làng xã chiến đấu, các điểm tựa…ngăn chặn từng bước, đồng thời ta có thể dùng những phân đội (hoặc bộ phận chuyên trách) nhanh chóng cơ động bất ngờ tiến công tiêu diệt một bộ phận trong đội hình của địch làm cho chúng suy yếu lực lượng, giảm dần sức mạnh tiến công tạo điều kiện cho các lực lượng phòng ngự chiến đấu đánh bại tiến công của địch.
3. Huấn luyện cho bộ đội (nhất là cán bộ) đạt được khả năng độc lập xử trí tình huống trong chiến đấu biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hành động chiến đấu phù hợp, sử dụng thành thạo vũ khí, phương tiện được trang bị… Cán bộ đại đội 10 đã biết đánh giá đúng địa hình nắm chắc thời cơ, tổ chức chiến đấu nhanh, xác định cách đánh phù hợp, tập trung lực lượng, hỏa lực vào nơi chủ yếu; phân đội triển khai đội hình chiến đấu kịp thời, giữ được bí mật bất ngờ nổ súng, đánh trúng đội hình chủ yếu của địch bắn chính xác ngay từ đầu đã phá hủy được xe tăng là chỗ mạnh của địch (gần như mỗi phát đạn B40, B41 diệt một xe) tạo điều kiện nhanh chóng tiêu diệt bộ binh, kết thúc trận đánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét