Người theo dõi

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Chiến tranh biên giới phía Bắc: Trận phục kích ở Nà Cáp (Cao Bằng)

Trận phục kích ở Nà Cáp (Cao Bằng) do Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công 45 của Bộ thực hiện, diễn ra ngày 10 tháng 3 năm 1979 đã đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu diệt nhiều sinh  lực, phá hủy nhiều vật chất chiến đấu của địch. Đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối cho các chiến sĩ của ta.
Sơ đồ mô phỏng cuộc tấn công của Trung Quốc ngày 17/2/1979, Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 18/2/1979
Nguồn: Cục Huấn luyện chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu (1991), Kinh nghiệm chiến đấu ở biên giới phía Bắc (đại đội - tiểu đoàn), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 90-97.
Số hóa: Chu Hoàng
_____________________________________
I- TÌNH HÌNH CHUNG
A – ĐỊA HÌNH
Nà Cáp (0827) là vùng rừng núi nhưng độ cao thấp nằm bên trục đường số 3 ngoại vi thị xã Cao Bằng khoảng 2km về phía tây bắc. Nơi phục kích ở độ cao 200m là đoạn đường đào nên có nhiều chỗ vách đường (ta-luy) tương đối cao có thể bố trí hỏa lực từ trên bắn xuống và khi chặn được đầu cuối đội hình, địch khó đối phó.
Xung quanh Nà Cáp có nhiều nhà dân xen kẽ với một số cơ quan tỉnh đóng như trường Đảng, Công ty cầu đường, trạm máy kéo, lâm nghiệp… Nhà ở tập trung từ km3 đến km4, trồng nhiều cây ăn quả tương đối kín đáo địch khó quan sát, bộ đội tiện triển khai đội hình, giấu quân được giữ bí mật.
Đường số  từ thị xã Cao Bằng chạy sát bờ nam sông Bằng Giang nối với đường 166 ở ngã ba Bản Lầy lên Hòa An, Hà Quảng về phía tây bắc, từ ngã ba về phía tây nam là đường 3B qua Khâu Đồn về Nguyên Bình và Bắc Kạn.
Đoạn đường này ở giữa hai nơi địch chiếm giữ Khâu Đồn và thị xã Cao Bằng nên buộc địch phải sử dụng, để vận chuyển, tiếp tế, cơ động lực lượng…, ta có điều kiện tổ chức phục kích.
Sông Bằng Giang ở bắc đường 3; từ bờ sông đến đường trên đoạn Nà Đuốc (0826) – ngã ba Gia Cung (0728) rộng khoảng 200m đủ chiều sâu để ta bố trí đội hình chiến đấu.
Dân trong khu vực đã sơ tán. Ở Nà Tòng (0626) còn 25 quân dân và hai cán bộ đoàn thanh niên ở lại bám trụ địa phương chiến đấu.
Khu vực Nà Cáp (Cao Bằng) hiện nay
Tóm lại địa hình từ Nà Đuốc đến ngã ba Giang Cung (dài khoảng 2km, rộng khoảng 200m) có thể phục kích được thuận lợi, trong đó đoạn từ Nà Cáp đến ngã ba Gia Cung (dài khoảng 1km) tương đối bất ngờ hơn cả vì gần đường và chỉ cách thị xã khoảng 1,5km nên địch chủ quan song cần phải hết sức giữ bí mật khi chiếm lĩnh trận địa, giấu quân chờ địch và có biện pháp chặn địch tiếp viện.
B- TÌNH HÌNH ĐỊCH
Cuối tháng 2 năm 1979: sau khi đánh chiếm được Khâu Đồn (0723) (cách thị xã khoảng 7km về phía tây) và thị xã Cao Bằng, địch bị tiêu hao lực lượng phải dừng lại củng cố đồng thời đưa thê đội 2 vào để phát triển về phía đông và đông bắc đánh chiếm Trùng Khánh, Quảng Hòa, Trà Lĩnh.
Hàn ngày địch vẫn dùng xe vận tải chở quân, để tiếp tế từ phía biên giới theo đường 166 vào Cao Bằng và đồ vơ vét của ta chở về Trung Quốc. Xe đi theo đoàn từ 30-40 chiếc, có xe cảnh giới, tuần tiễu đi trước, mỗi xe cách nhau khoảng 50-70m, tốc độ không lớn vì đường ngoằn ngoèo, không tổ chức chốt đường, chưa bị đánh nên rất chủ quan ít đề phòng.
Khi bị phục kích có khả năng địch từ thị xã ra tăng viện theo hai đường nam và bắc sông, từ Khâu Đồn tới ít khả năng hơn. Ngoài ra còn dùng pháo binh, súng cối bắn chặn đội hình ta khi lui quân.
C- TÌNH HÌNH TA
1- Tiểu đoàn 45 đặc công của Bộ biên chế, trang bị chưa đầy đủ, đã chiến đấu một số trận đánh quân bành trướng tháng 2 năm 1979 đạt hiệu suất cao. Tiểu đoàn đang chuẩn bị đánh địch ở thị xã Cao Bằng, Nguyên Bình và trên trục đường 3B (Cao Bằng - Nguyên Bình).
Ngày 8 tháng 3 năm 1979: tiểu đoàn được giao nhiệm vụ đến Bản Sắng (0124) cách Nà Cáp khoảng 8km về phía tây nam, bắt liên lạc với dân quân, nắm tình hình tổ chức đánh địch trên đường 3 từ Khâu Đồn về thị xã Cao Bằng.
Ngày 9 tháng 3 năm 1979: Sau khi nhận nhiệm vụ, tiểu đoàn tiến hành cho bộ đội chuẩn bị ở vị trí tập kết còn cán bộ đi nghiên cứu địa hình gồm tiểu đoàn trưởng, hai đại đội trưởng (đại đội 1 và 3), mười chiến sĩ bảo vệ, thông tin. Chính trị viên tiểu đoàn ở lại đôn đốc chuẩn bị và sẵn sàng chỉ huy đơn vị cơ động.
12.00: Bộ binh đi trinh sát đến Nà Tòng, bắt liên lạc với dân quân nắm tình hình mọi mặt đặc biệt, quy luật đi lại trên đường của địch.
17.00: Lợi dụng trên đường không có địch, căn cứ vào dự kiến ý định chiến đấu, bộ phận trinh sát xuống đường nghiên cứu, xác định cụ thể ý định và kế hoạch chiến đấu đồng thời giao nhiệm vụ cho đại đội 3 (thiếu một trung đội) thực hiện trận đánh.
19.00: Bộ phận trinh sát về Nà Tòng; tiểu đoàn trưởng điện cho đơn vị hành quân từ Bản Sắng đến Nà Tòng (khoảng 6km).
2- Đại đội 3 (thiếu một trung đội) được giao nhiệm vụ:
Phục kích tiêu diệt địch cơ động trên đường số 3, đoạn từ km 3 (07261 – tây ngã ba Gia Cung) đến km 4 (07272 – đông Nà Cáp). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cơ động về Bản Sắng nhận nhiệm vụ chiến đấu tiếp. Khi chiến đấu được hỏa lực của một trung đội cối 82mm của tiểu đoàn (bố trí ở điểm cao 313) bắn kiềm chế địch ở đồi Thiên Văn (06283) phía tây thị xã.
3- Ý định phục kích của đại đội trưởng
- Trận địa phục kích:
Từ tây ngã ba Gia Cung đến trạm máy kéo (08264) dài khoảng 1000m đánh xe và bộ binh địch cơ động trên đường 3 từ hướng Khâu Đồn về Cao Bằng (là chủ yếu) hoặc ngược lại. Đoạn phục kích chủ yếu từ đông Công ty cầu đường (07273) đến tây trạm Lâm nghiệp (khoảng 700m). Chặn đầu ở ngã ba Gia Cung; khóa đuôi ở đông trạm máy kéo.
- Phương pháp tiêu diệt địch:
Phục kích gần đường; đồng loạt nổ súng, khóa chặt đầu đuôi tiêu diệt xe và bộ binh đi cùng; khi xung phong dùng lựu đạn, thủ pháo đánh gần, thực hành chia cắt tiêu diệt từng bộ phận và toàn bộ quân địch.
Sẵn sàng ngăn chặn và đánh trả địch ứng cứu từ hai phía vào trận địa.
- Tổ chức hỏa lực tiêu diệt địch:
Hỏa lực B.40, B.41 diệt xe đầu và xe cuối chặn đứng đội hình địch đồng thời diệt các xe khác bên trong trận địa, theo sát bộ binh chi viện kịp thời (đánh địch co cụm hoặc tới ứng cứu…).
Hỏa lực trung liên và AK tiêu diệt bộ binh theo xe, chi viện bộ binh ta xung phong ra mặt đường và chi viện kịp thời trong quá trình chiến đấu.
Hỏa lực cối 82mm của tiểu đoàn: khi bộ binh nổ súng tiến công, kiềm chế mục tiêu bên ngoài trận địa (phía thị xã Cao Bằng) theo quy định của tiểu đoàn. Sẵn sàng bắn chặn địch ứng cứu chi viện cho bộ binh diệt địch bên trong trận địa.
- Đội hình chiến đấu, sử dụng lực lượng:
Bộ phận chặn đầu: Một tiểu đội do một phó trung đội trưởng chỉ huy, bố trí ở bắc đường số 3 (cách đường khoảng 10-15m).
Bộ phận khóa đuôi: một tiểu đột do một phó trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy, bố trí ở nam và bắc đường số 3.
Bộ phận chủ yếu: bốn tiểu đội do đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy bố trí ở bắc đường số 3.
Bộ phận đối diện: Không tổ chức riêng mà do tổ bố trí phía nam đường của tiểu đội khóa đuôi phụ trách.
Chặn viện từ hai đầu tới do hai tiểu đội chặn đầu, khóa đuôi phụ trách.
Vị trí chỉ huy: đại đội trưởng ở phía đông trạm Lâm nghiệp.

II. DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
Ngày 10 tháng 3 năm 1979
A – DIỄN BIẾN
1 – Chiếm lĩnh trận địa
Từ 03.00 – 04.30: đại đội 3 cơ động từ Nà Tòng vào triển khai chiếm lĩnh trận địa thuận lợi, giữ được bí mật, an toàn. Sau khi vào vị trí, các bộ phận không đào công sự vì gần đường sợ lộ bí mật mà chỉ lợi dụng địa hình, địa vật làm vị trí bắn và ngụy trang kín đáo chờ địch.
Liên lạc giữa các bộ phận và với tiểu đoàn thông suốt (dùng vô tuyến điện phát tín hiệu theo quy ước).
2 – Nổ súng tiến công
- 07.15: một xe vận tải bịt kín mui từ Cao Bằng đi về hướng Khâu Đồn chạy qua trận địa không phát hiện được ta bố trí.
- 08.30: tám xe vận tải từ phía Khâu Đồn về Cao Bằng, trong đó có ba xe chở mỗi xe một khẩu 14,5mm và mười tên lính.
Ta không nổ súng vì lúc đó trời rất nhiều sương mù và vô tuyến điện phát nhầm mật hiệu. Số xe trên chạy thoát, ta vẫn giữ được bí mật.
- 08.50: Nghe nhiều tiếng động cơ từ hướng Khâu Đồn tới, ít phút sau có một xe tải chở 14 tên lính chạy vào, dừng lại kho của ta bên phía nam đường khuân đồ đạc. Sau đó 16 xe vận tải nữa đang tiến vào trận địa (mỗi xe cách nhau khoảng 60m), trong số đó có 10 xe chở đầy lính (khoảng trên 200 tên), hai xe chở hai dàn H.12, một xe thông tin và sáu xe chở đạn (tổng số 17 xe).
Sau khi báo cáo tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng ra lệnh các bộ phận giữ bí mật, sẵn sàng nổ súng.
- 08.55: Toàn bộ xe địch lọt vào trận địa, xe đầu đã tới gần ngã ba Gia Cung, đại đội trưởng phát lệnh tiến công.
Đồn chí Hưng ở bộ phận khóa đuôi dùng AK bắn một loạt chết tên lái xe sau cùng, xe đâm vào vệ đường, cùng lúc đó bộ phận chặn đầu và chủ yếu đồng loạt nổ súng áp đảo quân địch. Ngay từ loạt đạn đầu, B.40, B.41 bắn cháy một số xe trong đó có cả xe đi đầu đi cuối, đoàn xe ùn lại, số bộ binh sống sót nhảy từ trên xe xuống lúng túng tìm chỗ ẩn nấp, đội hình rối loạn không đối phó được.
Nắm thời cơ, đại đội trưởng ra lệnh dùng lựu đạn, thủ pháo và các loại hỏa lực khác từ trên cao bắn, ném xuống lòng đường, nhiều xe bốc cháy và nhiều lính bị chết, bị thương.
Cùng thời gian trên, trung đội súng cối 82mm bố trí ở 313 bắn 150 viên kiềm chế quân địch ở đồi Thiên Văn diệt được một số bộ binh.
- 09.25: Ta xung phong xuống đường phá hủy nốt số xe còn lại và tiêu diệt những tên còn chống cự. Sau 30 phút trận đánh kết thúc.
- 09.40: Đại đội 3 được lệnh nhanh chóng rời khỏi trận địa về Nà Tòng, sau đó về Nà Sắng an toàn.
B – KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
- Địch: Bị diệt khoảng 300 tên (có kết quả do cối 82mm bắn vào đồi Thiên Văn).
Bị phá hủy: 17 xe vận tải, hai dàn H.12 và một số vũ khí bộ binh, khí tài thông tin, ba xe đạn.
- Ta: Bị thương hai đồng chí, thu một súng AK, tiêu thụ 17 viên đạn B.40, B.41.
320 thủ pháo và lựu đạn.
1.500 viên đạn K56.
150 quả đạn cối 82mm.

III – MỘT SỐ KINH NGHIỆM
1. Quá trình tiến công sâu vào đất ta đội hình địch càng xa hậu phương, nhu cầu bổ sung lực lượng, vật chất lớn nên nhất thiết quân địch phải tổ chức vận chuyển, tiếp tế…để đảm bảo cho lực lượng phía trước (quân tiến công và quân chốt giữ các trục đường…). Đó là thời cơ tốt cho ta sử dụng những phân đội, bộ phận chuyên trách của bộ binh, binh chủng phối hợp và dựa vào các làng, xã, căn cứ chiến đấu còn lại tổ chức những trận đánh ở phía sau bằng những phương pháp chiến đấu phù hợp (như phục kích, tập kích, phá giao thông…), gây cho địch tổn thất về sinh lực, phương tiện và suy yếu lực lượng, mất thế ổn định…tạo thời cơ đánh bại tiến công của chúng.
Khi cơ động địch tổ chức cảnh giới phía trước, hai bên sườn chu đáo, nhưng do địa hình rừng núi phức tạp không thể sục sạo rộng, không đủ lực lượng bảo vệ, chốt đường và khi chưa bị đánh, nơi gần căn cứ, sau khi đã sục sạo…thường xuất hiện tâm lý chủ quan ít đề phòng. Vì vậy ta có thể lợi dụng sơ hở tạo thời cơ tiêu diệt quân địch.
2. Nắm chắc thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, táo bạo nhưng phải có cơ sở chắc thắng. Tiểu đoàn 45 đã biết dựa vào lực lượng vũ trang tại chỗ còn bám trụ ở địa phương nắm chắc tình hình, quy luật hoạt động, hành quân, vận chuyển của địch, chọn trận địa phục kích, ở nơi bất ngờ nhất, xác định cách đánh, bố trí đội hình phù hợp, biết phát huy sở trường của bộ đội về kỹ năng đánh gần, ngụy trang giữ bí mật…, giành được thế chủ động, bất ngờ nên tuy sử dụng lực lượng ít hơn địch mà đạt hiệu suất chiến đấu cao.
3. Huấn luyện cán bộ và phân đội phải thiết thực cơ bản, vững chắc làm cơ sở vận dụng vào thực tế được linh hoạt. Trận phục kích ngày 10 tháng 3 năm 1979 từ lúc đi trinh sát đến lúc kết thúc tiến hành trong khoảng 22 giờ, bộ đội sẵn sàng chiến đấu cao, công tác tổ chức chiến đấu nhanh không bỏ lỡ thời cơ diệt địch; khi chiến đấu phân đội hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, thành thạo các hành động chiến đấu; cán bộ chỉ huy sâu sát linh hoạt, kịp thời…điều đó phản ánh kết quả của công tác huấn luyện có chất lượng.

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sau hai năm: Trung Quốc không thua, Mỹ không đạt được mục đích


Ngày 22/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khai hỏa “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc bằng việc ký quyết định áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do chống lại việc ăp cắp bản quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Kể từ thời điểm đó, căng thẳng thương mại giữa hai nước có diễn biến phức tạp. Với lợi thế áp đảo về năng lực tuyên truyền toàn cầu, Chính quyền của Tổng thống Trump đã dẫn dắt thế giới đến một niềm tin chiến thắng như thường lệ cho nước Mỹ. Nhưng thực tế có phải vậy không?
Kết quả hình ảnh cho chiến tranh thương mại mỹ trung"
Tổng quan thương mại của Mỹ và Trung Quốc với toàn thế giới năm 2019 
Trung tuần tháng 1, Trung Quốc đã sớm công bố số liệu thương mại của mình. 
Theo đó, tổng kim ngạch thương mại của nước này trong năm 2019 đạt 31,54 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 4.578 tỷ USD) tăng 3,4% so với năm 2018 (tăng 13,5% so với năm 2017). Trong đó, xuất khẩu đạt 17,23 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2.471 tỷ USD, tăng 5%), nhập khẩu đạt 14,31 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2.106 tỷ USD, tăng 1,6%). Với con số này, Trung Quốc tiếp tục là siêu cường số 1 thế giới về thương mại. Thặng dư thương mại đạt 2,92 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 423,85 tỷ USD), tăng tới 25,4% so với năm 2018 (tăng 1,7% so với năm 2017). 
Đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là EU (tổng kim ngạch thương mại đạt 4,86 nghìn tỷ Nhân dân tệ), ASEAN vượt qua Mỹ trở thành đối tác lớn thứ 2 (4,43 nghìn tỷ Nhân dân tệ), Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3 với 3,73 nghìn tỷ Nhân dân tệ). Vị trí thứ tư thuộc về Nhật Bản với 2,17 nghìn tỷ Nhân dân tệ. 
Lần đầu tiên ghi nhận các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã vượt qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để trở thành bộ phận ngoại thương lớn nhất Trung Quốc. Cụ thể, các doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp 13,48 nghìn tỷ Nhân dân tệ, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,57 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Số liệu tổng hợp từ: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 
- Số liệu năm 2017: 
Như vậy, về cơ bản, sức mạnh thương mại của Trung Quốc đã vượt năm 2017 (thời điểm trước khi chiến tranh thương mại xảy ra).
Đối với Mỹ thì sao? 
Thực tế, Mỹ không chỉ tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà tăng cường gây căng thẳng trong nhiều mối quan hệ thương mại khác, nhất là đối với các đối tác mà Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn (kể cả Việt Nam). Chính sách bảo hộ của Chính quyền Tổng thống Donald Trump hướng đến mục tiêu làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn thế giới.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ đã công bố đầy đủ số liệu thương mại của Mỹ trong năm 2019. Và ta có thể thấy được, mục tiêu của Mỹ đã không đạt được. Cụ thể:
Tổng kim ngạch thương mại của Mỹ năm 2019 đạt 4.144 tỷ USD (tăng 6,6% so với năm 2017) trong đó xuất khẩu đạt 1.645,5 nghìn tỷ USD, nhập khẩu đạt 2.498,5 nghìn tỷ USD. Các con số thoạt nhìn có vẻ đều tăng, tuy vậy thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn cầu trong năm 2019 vẫn đạt tới 852,95 tỷ USD (tăng khoảng 7,5% so với mức thâm hụt năm 2017).
Số liệu thương mại của Mỹ với thế giới năm 2017
Nguồn: Census.gov
Số liệu thương mại của Mỹ với thế giới năm 2019
Nguồn: Census.gov
Những con số cơ bản này đã cho thấy mục tiêu mà Mỹ đề ra khi tiến hành chiến tranh thương mại là chưa đạt được.
Số liệu thương mại song phương Mỹ - Trung
Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 558,87 tỷ USD (giảm khoảng 12% so với năm 2017), trong đó xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc giảm 17,9% so với năm 2017 và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ giảm khoảng 10,5% so với năm 2017.
Thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc năm 2019 tuy đã giảm 7,9% so với năm 2017. Con số này có thể có ích cho giới truyền thông thân Mỹ làm việc, nhưng thực chất để đạt được mức thâm hụt như vậy, Mỹ đã phải chấp nhận mức giảm xuất khẩu lớn hơn so với mức giảm nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc.
Số liệu thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2017
Nguồn: Census.gov

Số liệu thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2019
Nguồn: Census.gov
Xuất khẩu giảm nhiều hơn so với nhập khẩu, có thể nói Mỹ và Trung Quốc đều không có lợi trong cuộc chiến tranh thương mại này, nhưng người dân Mỹ sẽ là bên phải chịu thiệt thòi nhiều hơn so với đối phương.
Từ những số liệu này có thể nhận định được điều gì?
1. Cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ là bên chủ động đều khiến cả hai nước không bên nào có lợi, đây không phải là cuộc chơi có tổng bằng không, lại càng không phải là một kết cục win-win. Nhưng các số liệu đã cho thấy, nền kinh tế Mỹ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với kinh tế Trung Quốc. Nếu phải tìm ra người thắng, kẻ bại, ở góc độ khách quan ta có thể kết luận: Trung Quốc đã không thua còn Mỹ thì không đạt được các mục đích của mình.
2. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có giảm, nhưng không hề giúp nước Mỹ giảm được mức thâm hụt với toàn cầu. Mà cuộc chiến tranh thương mại này đã tạo cơ hội cho nhiều quốc gia khác kiếm tiền từ trong túi của nước Mỹ. Có thể ví von rằng, với Mỹ, thâm hụt thương mại không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ nước này sang các nước khác.
3. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tiếp tục được khẳng định khi số liệu kinh tế đã vượt qua thời điểm trước “thương chiến”, các chính sách điều chỉnh, đối phó của nước này đã có tác dụng. Thay vì tập trung vào thị trường Mỹ, Trung Quốc đã tích cực tăng cường hợp tác với nhiều thị trường khác trên thế giới.
4. Các tuyên bố của Tổng thống Donald Trump chưa thể trở thành hiện thực trong khi nhiệm kì của ông chỉ còn chưa đầy một năm. Đây sẽ là một bài toán khó nếu như ông vẫn muốn tiếp tục tranh cử. Với những diễn biến, kết quả từ hai năm căng thẳng thương mại, nhiều khả năng “thương chiến” Mỹ - Trung sẽ giảm nhiệt và tạm lắng trong năm 2020, và nó tiếp tục diễn biến như thế nào thì cần phải chờ xem quan điểm của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo là gì.
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Dấu ấn ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam 90 năm qua

1. Kết nối với quốc tế cộng sản, với nhân dân quốc tế (kể cả ở chính quốc thực dân), với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Quốc tế hoá phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc nhưng vẫn đảm bảo tính dân tộc của phong trào cách mạng trong nước. Sự ủng hộ của quốc tế góp phần quan trọng cho sự thành công của cách mạng Việt Nam các giai đoạn sau đó. 
2. Khéo léo tận dụng thời cơ, tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài để tổ chức thành công Cách mạng tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. 
3. Ngoại giao mềm mỏng, linh hoạt giúp đất nước thoát khỏi tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" sau Cách mạng tháng Tám. Tạo điều kiện đuổi được 20 vạn quân Tưởng ra khỏi lãnh thổ, hoà hoãn, kéo dài thời gian với Pháp để Chính quyền Cách mạng có đủ thời gian chuẩn bị kháng chiến. 
4. Giải quyết được những vướng mắc trong quan hệ của cách mạng Việt Nam với quốc tế cộng sản. Khai thông quan hệ ngoại giao với các nước Xã hội chủ nghĩa và các quốc gia thân thiện khác. 
5. Đạt được một số thành quả nhất định sau đàm phán Genève, tạm thời đảm bảo được độc lập của một nửa đất nước, tạo tiền đề tiến đến thống nhất nền độc lập. 
Kết quả hình ảnh cho Đảng Cộng sản Việt Nam"
6. Tiếp tục cải thiện, mở rộng quan hệ với cộng đồng quốc tế, thậm chí là ngay trong lòng nước Mỹ, tìm kiếm được sự ủng hộ to lớn của thế giới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước. 
7. Điều hoà được mối quan hệ Xô-Trung mặc cho hai nước này bắt đầu gia tăng mâu thuẫn từ những năm 60 thế kỉ XX. Căng thẳng giữa hai nước này không ảnh hưởng nhiều đến việc ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Đây là một thành quả ngoại giao rất đặc biệt của Việt Nam. 
8. Kiên nhẫn, từng bước phá vây ngoại giao sau vấn đề Campuchia. Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới, đường lối ngoại giao của Việt Nam đã có nhiều điều chỉnh, đặt nền móng cho nền ngoại giao đa dạng hoá, đa phương hoá. Làm cho thế giới thấy được một Việt Nam thiện chí vì hoà bình, khác với những tuyên bố, tuyên truyền của các thế lực thù địch trước đó. Giải quyết ổn thoả vấn đề Campuchia, đưa Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với toàn cầu. 
9. Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, Mỹ; mở rộng và tăng cường quan hệ với các quốc gia, tổ chức ở khu vực và trên toàn thế giới. Từ "muốn làm bạn" đến "sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy" và rồi là thành viên có trách nhiệm của thế giới. Ngoại giao Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho đất nước, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng quốc tế. 
10. Thúc đẩy nền ngoại giao đa dạng hoá, đa phương hoá nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Cân bằng quan hệ với các nhóm đối tác, từ nước lớn đến các nước nghèo khó xa xôi. Đưa hình ảnh Việt Nam thân thiện, có trách nhiệm ra thế giới. Quá trình hội nhập của Việt Nam nhất quán "hoà nhập chứ không hoà tan", thực hiện linh hoạt quan điểm "đối tác-đối tượng". 
11. Đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy đối ngoại đa phương của các tổ chức khu vực, quốc tế mà Việt Nam có tham gia. Từ một nước nhận nhiều sự hỗ trợ, Việt Nam đang trở thành một quốc gia có trách nhiệm, hỗ trợ, giúp đỡ tích cực cho các quốc gia yếu thế hơn. 
12. Đưa Việt Nam trở thành cầu nối giải quyết các mâu thuẫn giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế. Góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam phấn đấu vì hoà bình, thịnh vượng.
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

Chiến tranh biên giới phía Bắc: Trận phục kích ở Bản Sẩy (Cao Bằng)


Trận phục kích tại Bản Sẩy (Cao Bằng) diễn ra ngày 18/2/1979 của đại đội 10, tiểu đoàn 9, trung đoàn 81, sư đoàn 346, Quân khu 1 là trận phục kích mẫu mực, hiệu suất chiến đấu cao khiến địch bị thiệt hại nặng nề về trang bị cơ giới và nhân mạng. 
Tuy nhiên, có địa lợi và nhân hòa nhưng cũng có một yếu tố may mắn không thể không nói đến. Trong thời gian gấp rút chuẩn bị trận địa phục kích, ta chưa kịp giấu kĩ hai xe vận tải gần bên đường, nhưng tốp xe tăng địch đi trước trinh sát đã không phát hiện ra. Đây có thể là điểm mấu chốt giúp kế hoạch phục kích của đại đội 10 diễn ra thành công.
Khu vực Bản Sẩy (Cao Bằng) hiện nay
Nguồn: Cục Huấn luyện chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu (1991), Kinh nghiệm chiến đấu ở biên giới phía Bắc (Đại đội - Tiểu đoàn), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 83-89.
Số hóa: Chu Hoàng
___________________________________

I – TÌNH HÌNH CHUNG
A- ĐỊA HÌNH
Bản Sẩy (13208) thuộc xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ở về phía đông bắc đường 166 (thị xã Cao Bằng đi Hà Quảng), cách thị xã Cao Bằng khoảng 12km về phía tây bắc; cách biên giới Việt – Trung và mốc 113 (3702) khoảng 30km về phía đông nam.
Bản Sẩy ở độ cao khoảng 240m, dài khoảng 600m, rộng khoảng 300m, có hai xóm: xóm 1 ở giáp đường, xóm 2 cách xóm 1 khoảng 50-100m về phía bắc. Xung quanh các xóm có lũy tre tương đối dày và kín đáo tiện giấu quân, giữ được bí mật, bất ngờ, B40, B41 và các loại hỏa khí khác có thể bắn xuống mặt đường. Bộ binh xung phong ra đường hơi khó (vướng tre). Trong bản nhà ở thưa, làm bằng gỗ và xây gạch, có vườn, cách nhau 50-70m khi cần có thể chiến đấu trong làng được. Phía bắc, tây và tây nam là cánh đồng lúa nước, bùn không sâu xe tăng vẫn đi được; phía đông và đông bắc là các đồi trồng dứa, dong…xa khoảng 1km là núi cao rừng rậm khi cần cơ động lực lượng được kín đáo.
Đường 166 từ mốc 113 qua Hà Quảng (3404) ngã ba Đông Chương (3407), huyện lỵ Hòa An (Nước Hai – 1418) theo đường 3 về thị xã Cao Bằng. Đường rộng khoảng 4-5m, trải đá dăm xe cơ giới đi lại thuận tiện, một số đường mòn qua lại giữa các bản.
Phía tây Bản Sẩy có sông Bằng Giang rộng khoảng 30-40m chảy theo phía tây bắc – đông nam, đoạn ngang Bản Sẩy cách đường khoảng 1km, bờ cao 2-3m, nước cạn người qua lại dễ dàng. Hai suối phía tây bắc và đông nam Bản Sẩy cách nhau khoảng 2km, suối rộng khoảng 6-7km: đoạn địa hình này có thể chứa 20-30 xe khi di chuyển, nếu hai cầu bị phá xe khó thoát ra khỏi trận địa phục kích.
Tóm lại: đoạn đường Bản Sẩy – Mạ Quan (1220) có thể tổ chức phục kích đánh xe được thuận tiện và khi cần thiết dựa vào địa hình làng mạc chuyển vào phòng ngự ngăn chặn địch được một thời gian tạo thời cơ cho các lực lượng ở thị xã chuẩn bị chiến đấu.
Dân cư ở đây chủ yếu là dân tộc Tày – Nùng, chỉ có dân quân ở lại còn đã sơ tán hết. Dân tốt, nhiệt tình giúp đỡ bộ đội.
B – TÌNH HÌNH ĐỊCH
Sau khi đánh chiếm được Thông Nông (tây bắc thị xã Cao Bằng khoảng 30km), Thạch An (đông nam thị xã Cao Bằng khoảng 35km); để phối hợp với các hướng Trà Lĩnh, Trùng Khánh, ngày 18/2/1979 một sư đoàn tăng cường có một phân đội xe tăng phái đi trước từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã Cao Bằng; ta không nắm được ý đồ, hành trình cụ thể.
C- TÌNH HÌNH TA
1. Đại đội 10:
Đại đội 10 thuộc tiểu đoàn 9, trung đoàn 81, sư đoàn 346 của Quân khu 1, trước tháng 2 năm 1979 làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế mới chuyển sang sẵn sàng chiến đấu cuối năm 1978. Đơn vị đã qua huấn luyện một số môn trong đó có chiến thuật phòng ngự.
Về chất lượng: cán bộ cấp đại đội và một số cán bộ trung đội đã qua chiến đấu. Chiến sĩ nhập ngũ năm 1977 và 1978 chưa qua chiến đấu.
Tổ chức, biên chế: tương đối đủ. Quân số tham gia chiến đấu 100 đồng chí. Ngoài ra còn có một đồng chí phó chính ủy trung đoàn, một đồng chí phó chính trị viên tiểu đoàn cùng đi với đại đội.
Trang bị: một khẩu ĐKZ 82mm, một cối 82mm, hai khẩu cối 60mm, 12 khẩu B41, một khẩu đại liên, bảy khẩu trung liên, 60 AK và một máy vô tuyến điện.
2. Nhiệm vụ chiến đấu:
Ngày 17-2-1979: đại đội 10 đang phòng ngự ở đèo Mã Phục (1337) cách thị xã Cao Bằng khoảng 11km về phía đông bắc. 22.00 cùng ngày nhận được lệnh cơ động về khu vực xã Đức Long (2013) cách thị xã Cao Bằng khoảng 20km về phía tây bắc ngăn chặn địch từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã.
Sau khi nhận lệnh, đại đội đã tiến hành mọi công tác chuẩn bị và hành quân bằng bốn xe ô tô, lúc 04.00 sáng 18-2.
05.30 (18-2): Xe đến Bản Vạn (Nước Hai – 1418) còn cách vị trí quy định khoảng 10km xe dừng lại nghỉ, cán bộ tranh thủ hội ý xã định nơi sẽ chặn địch ở Đức Long.
Trong lúc đang hội ý thì nghe tiếng súng phía tây bắc và thấy bộ binh địch xuất hiện các Bản Vạn khoảng 600-700m. Sau khi trao đổi ý kiến, đánh giá tình hình, đồng chí phó chính ủy ra lệnh nhanh chóng cho đại đội quay lại chọn địa hình có lợi bố trí chặn đánh địch.
3. Ý định chiến đấu của đại đội trưởng:
- Trận địa phục kích: Đoạn đường dọc theo xóm 1 dài khoảng 500-600m. Chặn đầu ở đông nam xóm 1 (sát sông Bằng Giang) khóa đuôi ở cầu phía đông trạm xá. Đoạn chủ yếu: giữa xóm 1 (khoảng 200-300m).
- Phương pháp tiêu diệt địch: Phục kích gần đường (cách 15-20), dùng hỏa lực chặn đầu và chia cắt khóa đuôi; đồng loạt nổ súng tiêu diệt xe và bộ binh địch lọt vào trận địa. Sẵn sàng đánh địch tiến công vào làng.
- Tổ chức hỏa lực diệt địch: B40, B41 chặn đầu, diệt các xe cơ giới trong phạm vi phân đội bố trí; ĐKZ đánh xe cuối khóa đuôi. Hỏa lực cối 82mm, 60mm, đại liên và các hỏa khí khác tiêu diệt bộ binh địch theo xe và trên mặt đường.
- Đội hình chiến đấu và sử dụng lực lượng: Bộ phận chặn đầu và bộ phận chủ yếu gồm hai trung đội 4 và 5 (trung đội 5 bố trí ở một nửa xóm 1 về phía thị xã, trung đội 4 bố trí tại một nửa xóm còn lại); khóa đuôi, chặn địch đánh vào làng và cơ động: trung đội 6 (bố trí tây bắc xóm 1 và xóm 2). Hỏa lực ĐKZ, cối 82mm, 60mm, đại liên do đại đội nắm chi viện chung (bố trí phía sau giữa trung đội 4 và 6). Vị trí chỉ huy: đại đội trưởng ở trong đội hình trung đội 4 phó chính trị viên đại đội đi cùng trung đội 5, phó đại đội trưởng đi cùng trung đội 6.

II. DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
(Ngày 18 tháng 2)
A – DIỄN BIẾN
- 07.00: Đại đội vừa vào hết trong bản chưa triển khai xong thì bốn xe tăng địch mỗi xe chở khoảng 10 tên, đi cách nhau khoảng 50m một xe, đã chạy qua Bản Sẩy về phía Cao Bằng. Địch không phát hiện được ta bố trí ở đây mặc dù lúc đó cạnh đường ta còn hai xe vận tải chưa giấu kịp.
- 07.20: Đại đội triển khai xong đội hình. Cùng lúc đó, ba xe tăng (cách tốp đi đầu khoảng 500-600m) bên trên chở bộ binh tiến vào trận địa. Xe địch đến giữa trận địa khoảng đầu đội hình trung đội 5, đại đội trưởng ra lệnh nổ súng. B41 của hai trung đội diệt ngay ba xe, bộ binh ngồi trên xe bị hỏa lực trung liên, AK tiêu diệt gần hết.
Các xe chạy tốp thứ hai dừng lại bên kia cầu, triển khai quanh trạm xá ở bên tây đường dùng pháo trên xe và hỏa lực bộ binh (ngồi trên xe) bắn mạnh vào lũy tre và trong bản, sau đó cho xe vừa chạy vừa bắn (mỗi xe cách nhau 50-60m) định vượt qua Bản Sẩy để tiến về thị xã Cao Bằng. Chiến sĩ trung đội 4, 5 lợi dụng các mô đất, các khóm tre ẩn nấp để địch vượt qua cầu vào sâu trong trận địa (gần hết phạm vi trung đội 4) mới nổ súng tiêu diệt tiếp năm xe tăng và số bộ binh ngồi trên xe. Trong khoảng thời gian này bốn xe đi đầu không thấy quay lại.
Sau đợt chiến đấu, đại đội trưởng cho củng cố đội hình, giải quyết thương binh, tử sĩ, bổ sung đạn dược, sửa sang công sự và động viên sẵn sàng đánh địch tiếp.
- 14.00: Bốn xe chạy thoát lúc đầu quay lại, đang tiến vào trận địa.
Đại đội trưởng ra lệnh để xe lọt vào giữa trận địa trung đội 5 mới được bổ sung.
Bốn xe địch vừa đi vừa thăm dò thận trọng, ba mươi phút sau (14.30) lọt vào trận địa trung đội 5, đống chí phó chính trị viên đại đội ra lệnh nổ súng. B41 bắn trúng cả 4 xe bốc cháy (một xe do phó chính trị viên dùng B41 bắn), số bộ binh ngồi trên xe nhảy xuống chống cự sau ít phút bị hỏa lực súng cối, súng bộ binh của hai trung đội tiêu diệt.
- 15.00: Trận đánh kết thúc.
B- KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
- Địch bị tiêu diệt: 150 tên, bị bắn cháy, hỏng: 12 xe tăng.
- Ta: hy sinh bốn đồng chí, bị thương 12 đồng chí. Thu được một đại liên, ba AK và một số đạn, khí tài khác.

III. MỘT SỐ KINH NGHIỆM
1. Lực lượng đi trước (hoặc thọc sâu, vu hồi) của địch thường hoạt động tương đối độc lập xa chủ lực, xa sự chi viện của hỏa lực, không nắm chắc địa hình, cách bố trí của ta…khi bị bất ngờ tiến công sẽ nhanh chóng bị tan rã hoặc bị tiêu diệt.
2. Trong điều kiện rất gấp, đại đội bộ binh 10 đã đánh một trận phục kích ngoài dự kiến khi quân địch đang tiến đến mục tiêu tiến công, đạt được hiệu suất cao. Từ đó có thể khẳng định: trong phòng ngự ta có điều kiện chuẩn bị trước chiến trường theo một ý định tác chiến thống nhất. Quá trình tiến sâu vào đất ta địch sẽ bị các lực lượng vũ trang tại chỗ dựa vào làng xã chiến đấu, các điểm tựa…ngăn chặn từng bước, đồng thời ta có thể dùng những phân đội (hoặc bộ phận chuyên trách) nhanh chóng cơ động bất ngờ tiến công tiêu diệt một bộ phận trong đội hình của địch làm cho chúng suy yếu lực lượng, giảm dần sức mạnh tiến công tạo điều kiện cho các lực lượng phòng ngự chiến đấu đánh bại tiến công của địch.
3. Huấn luyện cho bộ đội (nhất là cán bộ) đạt được khả năng độc lập xử trí tình huống trong chiến đấu biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hành động chiến đấu phù hợp, sử dụng thành thạo vũ khí, phương tiện được trang bị… Cán bộ đại đội 10 đã biết đánh giá đúng địa hình nắm chắc thời cơ, tổ chức chiến đấu nhanh, xác định cách đánh phù hợp, tập trung lực lượng, hỏa lực vào nơi chủ yếu; phân đội triển khai đội hình chiến đấu kịp thời, giữ được bí mật bất ngờ nổ súng, đánh trúng đội hình chủ yếu của địch bắn chính xác ngay từ đầu đã phá hủy được xe tăng là chỗ mạnh của địch (gần như mỗi phát đạn B40, B41 diệt một xe) tạo điều kiện nhanh chóng tiêu diệt bộ binh, kết thúc trận đánh.

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Nhìn lại hai năm Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Biên niên các sự kiện

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã trải qua hai năm (2018 và 2019). Nước Mỹ là bên châm ngòi cho cuộc thương chiến do thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc ngày càng gia tăng nhanh chóng, chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn cầu.
Căng thẳng thương mại này đã mang đến cả thời cơ lẫn thách thức, ai chớp được thời cơ, hạn chế được các thách thức sẽ là kẻ thành công.
Trước khi có số liệu kinh tế đầy đủ của năm 2019 để đánh giá được - mất, thành - bại của các bên, ta cùng nhìn lại các diễn biến nổi bật của cuộc thương chiến này.

Tháng 3/2018, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết trong vài tuần tới, Tổng thống Donal Trump sẽ sớm cân nhắc các biện pháp trừng phạt Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm luật sở hữu trí tuệ của Washington.
Đây là một trong nhiều bước đi mà ông chủ Nhà Trắng sẵn sàng thực hiện nhằm chống lại những biện pháp thương mại mà ông cho là bất công.
Đáp lại, ngày 20/3/2018, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố “sẽ không có người thắng kẻ thua” trong cuộc chiến tranh thương mại nếu xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo ông, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nếu xảy ra sẽ đi ngược lại các nguyên tắc thương mại, từng được đàm phán, tham vấn và đối thoại giữa các bên.
Ngày 22/3/2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức khai hỏa “chiến tranh thương mại” với việc ký quyết định áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do chống lại việc ăp cắp bản quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.
Ngày 23/3/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ kiềm chế và thận trọng, tránh đẩy quan hệ thương mại song phương vào tình thế nguy hiểm. Cùng ngày, Mỹ đã khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Ngày 24/3/2018, Phó Thủ tướng Trung Quốc kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ Tài chính và Kinh tế Trung ương Lưu Hạc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, bày tỏ Báo cáo điều tra theo Điều khoản 301 mà Mỹ công bố đã đi ngược lại quy tắc thương mại quốc tế, gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, Mỹ và lợi ích của cả thế giới. Ông khẳng định Trung Quốc đã làm tốt công tác chuẩn bị, có đủ khả năng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ngày 26/3/2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Mỹ để giải quyết bất đồng về thương mại. 
Vào ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ bao gồm phế liệu nhôm, máy bay, ô tô, sản phẩm thịt lợn và đậu nành (có thuế suất 25%), cũng như trái cây, hạt và ống thép (15%)
Ngày 5/4/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét tăng gấp đôi mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 6/4/2018, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến thương mại với “bất kỳ giá nào” và áp dụng mọi biện pháp toàn diện nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương. Rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, song cũng không sợ một cuộc chiến như vậy.
Đầu tháng 5/2018, Phái đoàn thương mại hai nước Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tổ chức Tham vấn thương mại song phương. Sau 2 ngày, hai bên đã cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại, cũng như trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.
Giữa tháng 5/2018, Trung Quốc đề xuất một gói nhượng bộ thương mại và tăng mua hàng hóa Mỹ nhằm làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc khoảng 200 tỷ USD/năm.
Cuối tháng 5/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra tuyên bố chỉ trích các biện pháp của Mỹ chống hoạt động đầu tư của Trung Quốc đi ngược lại quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đồng thời khẳng định Bắc Kinh có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả.
Vòng đàm phán thứ ba về kinh tế giữa hai nước diễn ra ngày 2-3/6/2018 kết thúc được cho là đã đạt một số tiến bộ đặc biệt.
Ngày 14/6/2018, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thăm Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định Washinton và Bắc Kinh nên tận dụng các cơ chế song phương trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 15/6/2018, Trung Quốc cho biết sẽ ngay lập tức đáp trả với mức thuế tương đương để bảo vệ nền kinh tế.
Ngày 6/7/2018, Quyết định của Chính quyền Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao chính thức có hiệu lực. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ nhanh chóng có hành động đáp trả vào khối lượng hàng hóa tương tự của Mỹ.
Ngày 1/12/2018, Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 tại Argentina, nhằm giải quyết những bất đồng có nguy cơ gây tổn hại đến hai nước. Cả hai đều đồng ý về một lệnh ngừng bắn. Washington đình chỉ trong 3 tháng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua lại một lượng sản phẩm “đáng kể” của Mỹ và đình chỉ việc áp thêm thuế đối với oto và phụ tung oto Mỹ trong ba tháng.
Ngày 7-9/1/2019, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu cuộc hội đàm tại Bắc Kinh sau khi đạt được "thỏa thuận đình chiến thương mại". Cuộc thảo luận bao gồm: (i) vấn đề về thương mại như mất cân bằng thương mại trong những lĩnh vực nhất định; (ii) những vấn đề về thể chế như chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ tài sản trí tuệ và hàng rào phi thuế quan. Cuộc gặp được cho là đã đặt nền tảng hướng tới giải quyết vấn đề các bên quan tâm nhưng những vấn đề quan trọng vẫn còn.
Ngày 30-31/1/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành cuộc hội đàm lần hai tại Washington. Trung Quốc đã đề nghị mua 5 triệu tấn dầu đậu tương từ Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông và Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp trực tiếp vào tháng Hai.
Ngày 7/2/2019, Tổng thống Mỹ thông báo rằng ông và ông Tập Cận Bình sẽ không gặp nhau trước ngày thỏa thuận đình chiến hết hạn (ngày 01/03/2019).
Ngày 11-15/2/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hội đàm tại Bắc Kinh. Hai bên vẫn chưa giải quyết được bất đồng nhưng đồng ý tiếp tục các cuộc thảo luận tại Washington tuần tới.
Ngày 21-24/2/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hội đàm tại Washington. Tổng thống Trump thông báo gia hạn đình chiến thương mại Mỹ- Trung vì những nỗ lực đã đạt được trong các cuộc đàm phán.
Ngày 3-5/4/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hội đàm tại Washington.
Ngày 10/4/2019, Mỹ và Trung Quốc đồng ý thành lập một “văn phòng thực thi” để quản lý việc tuân thủ thỏa thuận thương mại giữa hai nước, dự kiến sẽ sớm hoàn tất trong năm 2019.
30/4-1/5/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành hội đàm ở Bắc Kinh.
Ngày 9-10/5/2019, Mỹ và Trung Quốc kết thúc vòng tham vấn kinh tế và thương mại cấp cao lần thứ 11. 
Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc do bế tắc trong đàm phán. 
Tổng thống Donald Trump ngày 13/5/2019 cảnh báo Trung Quốc không nên đáp trả quyết định của Washington về việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa.
Bỏ ngoài tai lời cảnh báo, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực ngày 1/6/2019.
Ngày 15/5/2019, Tổng thống Donald Trump mở ra một mặt trận mới bằng cách cấm Huawei mua linh kiện Mỹ và ngăn chặn các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài được coi là có rủi ro an ninh cao.
Ngày 16/5/2019, Huawei tuyên bố những hạn chế vô lý của Mỹ đã xâm phạm các quyền tự nhiên của Tập đoàn này.
Ngày 19/5/2019, Google tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei, điện thoại của Huawei sẽ mất quyền truy cập đầy đủ vào các dịch vụ của Google. 
Ngày 20/5/2019, Mỹ nới lỏng một số hạn chế đối với Huawei trong 90 ngày, cho phép tập đoàn này tiếp tục mua hàng Mỹ nhằm hạn chế tác động không mong muốn đối với các bên thứ ba đang sử dụng thiết bị hoặc hệ thống của Huawei, trong đó có các nhà mạng ở vùng nông thôn Mỹ.
Ngày 23/5/2019, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận đã gửi kháng nghị chính thức đến Mỹ về việc Bộ Thương mại Mỹ bổ sung Tập đoàn Công nghệ viễn thông Huawei và 68 thực thể khác vào một danh sách đen xuất khẩu.
Ngày 1/6/2019, Mỹ bắt đầu áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc cũng nâng mức thuế tương tự đối với 5140 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD; Huawei đã cho hồi hương các nhân viên Mỹ làm việc tại Thâm Quyến từ 2 tuần trước đó. Đồng thời, Trung Quốc lên kế hoạch hạn chế cung cấp đất hiếm cho Washington vốn được dùng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, mà Mỹ hiện đang phụ thuộc tới 80% nguồn cung từ Trung Quốc.
Ngày 21/6/2019, Mỹ bổ sung thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc vào "Danh sách thực thể", cấm các doanh nghiệp này mua linh kiện và phụ tùng của Mỹ nếu chưa được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. 5 công ty bao gồm: Higon, Sugon, Chengdu Haiguang Integrated Circuit, Chengdu Haiguang Microelectronics Technology và Viện Nghiên cứu công nghệ máy tính Wuxi Jiangnan.
Ngày 29/6/2019, Mỹ và Trung Quốc tái khởi động đàm phán thương mại. Tổng thống Trump thông báo nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu linh kiện công nghệ cho Huawei.
Ngày 9/7/2019, Mỹ miễn bỏ mức thuế bổ sung 25% cho 110 dòng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực 1 năm kể từ ngày 9/7/2019; đồng thời sẽ cấp phép cho các công ty Mỹ bán linh kiện cho Huawei nếu không đe dọa tới an ninh quốc gia.
Ngày 16/7/2019, Mỹ đe dọa đánh thuế lên 325 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc
Ngày 30-31/7/2019, Mỹ và Trung Quốc hoàn tất vòng đàm phán tại Thượng Hải với rất ít tiến triển. Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều nông sản từ Mỹ hơn.
Ngày 6/8/2019, theo sự ủy quyền của Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã ra quyết định liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Cùng ngày, Các công ty Trung Quốc ngừng mua nông sản từ Mỹ.
Ngày 13/8/2019, Mỹ và Trung Quốc đồng thuận sẽ tái khởi động lại đàm phán qua điện thoại trong vòng 2 tuần tới. Mỹ thông báo tạm ngừng đánh mức thuế bổ sung 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến vào ngày 15/12. Mức thuế bổ sung 10% Mỹ áp dụng lên hàng nhập khẩu Trung vẫn sẽ có hiệu lực từ 1/9 theo đúng kế hoạch.
Ngày 2/9/2019, Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO phản đối mức thuế nhập khẩu bổ sung đánh lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ
Ngày 5/9/2019, Mỹ và Trung Quốc đồng thuận tiến hành vòng đàm phán thương mại thứ 13 vào đầu tháng 10/2019 tại Washington.
Ngày 11/9/2019, Mỹ dời ngày tăng thuế với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/10 thành 15/10, nhân Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh của Trung Quốc. Trung Quốc công bố danh sách miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ, có hiệu lực từ ngày 17/9/2019 đến ngày 16/9/2020.
Ngày 13/9/2019, Đáp lại việc hoãn tăng thuế của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố loại đậu nành, thịt heo và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung.
Ngày 19-20/9/2019, Mỹ và Trung Quốc đối thoại thương mại cấp trung ở Washington.
Ngày 20/9/2019, Mỹ công bố danh sách miễn thuế mới cho 437 mặt hàng từ Trung Quốc.
Ngày 11/10/2019, Mỹ tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 và hoãn kế hoạch tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10.
Ngày 18/10/2019, Mỹ tuyên bố tiến hành một vòng miễn thuế mới từ 31/10/2019 đến 31/01/2020 cho 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế bổ sung 15% theo Danh sách 4A vào tháng 8/2019.
Ngày 1/11/2019, Trung Quốc thắng kiện ở WTO, được phép áp dụng biện pháp trừng phạt đối với 3,6 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ do Mỹ đã không tuân thủ các quy tắc chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 7-8/11/2019, Mỹ và Trung Quốc đồng ý thảo luận về việc giảm thuế đối với hàng hóa hai bên theo giai đoạn.
Ngày 13/12/2019, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. 
Mỹ đồng ý dừng đợt tăng thuế tiếp theo với hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12, và giảm mức thuế ngày 1/9/2019 từ 15% xuống còn 7,5%. Mức thuế 25% cho 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc vẫn giữ nguyên. 
Trung Quốc đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong 2 năm tới, đình chỉ kế hoạch áp thuế trả đũa, cam kết thực thi các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và có một lộ trình tháo bỏ thuế quan. Đồng thời, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu từ 40 đến 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ mỗi năm trong 2 năm tiếp theo. 
Ngày 19/12/2019, Trung Quốc ban hành danh sách miễn áp thuế bổ sung thứ hai cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Danh sách miễn trừ này được áp dụng cho vòng áp thuế bổ sung thứ nhất và có hiệu lực từ 26/12/2019 đến 25/12/2020.
Ngày 13/1/2020, Mỹ chính thức đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Ngày 15/1/2019, Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trung Quốc đồng ý mua 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong vòng 2 năm.
Mỹ cam kết không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế quan đã áp lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Mức thuế 15% được áp ngày 1-9-2019 lên 120 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 7,5%.
Chu Hoàng, Tổng hợp từ TTXVN & Trung tâm WTO và Hội nhập