Trận phòng
ngự ở Nhạc Sơn (Hoàng Liên Sơn) diễn ra trong hai ngày 17 và 18 tháng 2 năm
1979 của tiểu đoàn 3, trung đoàn 192 bộ đội địa phương Hoàng Liên Sơn.
Tuy đã gây
cho địch nhiều thiệt hại về người và vật chất, nhưng do một số quyết định không
phù hợp của các cấp chỉ huy, tiểu đoàn đã không hoàn thành được tốt nhiệm vụ
phòng ngự.
Nguồn: Cục Huấn luyện chiến đấu,
Bộ Tổng Tham mưu (1991), Kinh nghiệm
chiến đấu ở biên giới phía Bắc (Đại đội - Tiểu đoàn), Nxb Quân đội nhân
dân, Hà Nội, tr.21-32.
Số hóa: Chu Hoàng
Sơ đồ mô phỏng cuộc tấn công của Trung Quốc ngày 17/2/1979, Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 18/2/1979 |
______________________________
I- TÌNH HÌNH CHUNG
A
- ĐỊA HÌNH
Nơi chiến đấu là vùng núi ở phía tây thị xã
Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn, giáp phía nam biên giới Việt – Trung chỗ gần nhất
khoảng 0,2 - 0,5 ki-lô-mét. Chỗ xa nhất khoảng 3 ki-lô-mét. Núi có độ cao
khoảng trên dưới 200 mét, triền núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam thành
những dãy liên tiếp nhiều mỏm, nhiều yên ngựa. Khoảng cách giữa các dãy, các
mỏm đều nằm trong tầm bắn của các loại hỏa khí bộ binh thuận tiện cho ta tổ
chức hệ thống hỏa lực khống chế được chân các điểm cao.
Phía bắc điểm đông bắc là các điểm cao 140A
(Cây Mít - 8893); 140B (Sơn Den - 1892); 160 (O tròn - 8992) đều ở sát bờ phía
tây nam sông Hồng và đường 4D, hỏa lực ta có thể khống chế được bờ sông đối
diện khoảng trên 2 ki-lô-mét, địch tiến công phải vượt sông, bờ bên phía ta
đoạn này hẹp và tương đối dốc địch khó
triển khai đội hình, phải đánh từ dưới thấp lên, đột phá không thuận lợi. Phía
đông bắc địch ít có khả năng vượt sông.
Phía tây bắc là dãy 167 (8991) và 240 (9090)
soải và thấp dần về phía bờ sông. Địch vượt sông thuận lợi, có điều kiện triển
khai đội hình chiến đấu.
Phía trong là các dãy 225 (8891), 200 (Nhạc
Sơn 1), 212, 269 (Nhạc Sơn 2) (tọa độ trung tâm 8793) có nhiều mỏm, dài khoảng
4 ki-lô-mét; cấu trúc trận địa phòng ngự sẽ có chiều sâu lớn, địch tiến công
phải đột phá nhiều mỏm ta có điều kiện cơ động tăng cường lực lượng ngăn chặn
từng bước và tổ chức hỏa lực bắn chéo thuận lợi.
Sông Hồng chảy sát đường 4D và thị xã Lào
Cai, rộng 150 - 200 mét, sâu trên 2 mét là chướng ngại vật thiên nhiên có lợi
cho ta phòng ngự, địch chỉ vượt sông được trên những đoạn nhất định (phía bắc
và tây bắc điểm cao 167), ta có điều kiện
dùng hỏa lực tiêu diệt địch trên sông và hai bên bờ bến vượt.
Các suối không ảnh hưởng đến cơ động. Suối
Long Kim (tây bắc 225) chảy ra sông Hồng địch có thể lợi dụng bí mật luồn lách
đánh vào bên sườn, phía sau trận địa ta.
Đường 4D từ thị xã về phía đông đi huyện Bảo
Thắng, Phố Lu; Phía nam đi Sa Pa; phía tây bắc nối với đường 11 đi Bát Xát qua cụm điểm tựa, xe tăng địch có thể lợi
dụng thọc sâu chia cắt phòng ngự của tiểu đoàn. Một số đường mòn, đường ngang
vào thị xã và phía sau thuận tiện cho ta vận chuyển, tiếp tế, cơ động.
B-
TÌNH HÌNH ĐỊCH
Địch đối diện là quân đoàn 13 và sư đoàn Sơn cước (Trung Quốc)
Trước ngày 17 tháng 2 năm 1979 địch thường phái thám báo vượt sông
sang đất ta trinh sát khu vực thị xã và các dãy Nhạc Sơn, tổ chức bắn tỉa, đào
công sự trên các điểm cao bắc thị trấn Hồ Khẩu, bố trí cụ thể ta không phát
hiện được.
Tình hình chuẩn bị tiến công của địch chưa có thông báo của trên
nên tiểu đoàn không nắm được.
C-
TÌNH HÌNH TA
1. Tiểu đoàn
3
Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 192 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên
Sơn mới thành lập ngày 27-7-1978 (trước ngày tác chiến hơn 6 tháng).
Quân số, biên chế đủ ba đại đội bộ binh, một đại đội hỏa lực.
Về chất lượng: cán bộ từ trung đội trở lên và một số tiểu đội
trưởng đã qua chiến đấu chống Mỹ được điều từ các nơi trong quân khu về; trình
độ chỉ huy còn hạn chế, mặt khác tư tưởng chưa thật ổn định. Chiến sĩ mới nhập
ngũ tháng 8 năm 1978, đã được huấn luyện một số môn kỹ thuật trong đó có bắn
súng bài một, chiến thuật học đến cấp trung đội và tranh thủ tập theo phương án
phòng ngự. Thời gian còn lại làm trận địa, lán trại… Trình độ chiến đấu chưa
đáp ứng yêu cầu.
Về trang bị, vũ khí: tương đối đủ nhất là hỏa lực súng cối 82mm,
súng máy cao xạ 12,7mm trang bị đến đại đội. Đạn dự trữ tại trận địa hai cơ số
(có loại ba cơ số);
Lương thực, thực phẩm dự trữ một tháng.
Về trận địa: các điểm tựa có đủ công sự bắn cho các loại hỏa khí,
hầm ẩn nấp và hào cơ động nhưng mức độ vững chắc còn thấp vì làm bằng gỗ đất.
2. Nhiệm vụ
của tiểu đoàn 3
Tiểu đoàn 3 phòng ngự hướng thứ yếu của trung đoàn ở dãy 140A và B
(Cây Mít và Sơn Den); 160 (O tròn) và 200 (Nhạc Sơn 1), phối hợp với dân quân
tự vệ đánh địch tiến công vào thị xã; tham gia dẹp bạo loạn trong khu vực phụ
trách. Quá trình chiến đấu được hỏa lực trung đoàn chi viện.
3. Ý định
chiến đấu của tiểu đoàn trưởng:
- Tư tưởng chỉ đạo: xây dựng trận địa vững chắc, kiên quyết ngăn
chặn và tiêu diệt địch ngay mép sông Hồng, giữ vững trận địa.
- Hướng phòng ngự: hướng chủ yếu phía bắc; hướng thứ yếu phía đông
bắc. Nơi phòng ngự then chốt dãy 200 (Nhạc Sơn 1) và 140B (Sơn Den). Khu tập
trung diệt địch bắc 200 và tây 140B.
- Tổ chức trận địa: Đại đội phòng ngự điểm tựa hình thành cụm điểm
tựa tiểu đoàn.
- Phương pháp tiêu diệt địch: Phái lực lượng nhỏ ra phía trước
phát hiện địch sớm đánh ngay trước trận địa. Khi địch tiến công dựa vào công
sự, hiệp đồng chặt chẽ với dân quân tự vệ thị xã đánh bại các đợt tiến công của
địch tạo điều kiện cho trung đoàn diệt từng bộ phận quân địch giữ vững trận
địa.
- Tổ chức hỏa lực diệt địch: các khẩu đội ĐKZ tăng cường cho các
đại đội phía trước để đánh xe tăng. Tiểu đoàn nắm cối 82mm; súng máy cao xạ
12,7mm để chi viện chung.
- Đội hình chiến đấu và sử dụng lực lượng: hai đại đội phòng ngự
phía trước; một đại đội phòng ngự ở phía sau và cơ động.
4. Nhiệm vụ các phân đội:
- Đại đội bộ binh 9: được tăng cường một ĐKZ 82mm. Một máy vô
tuyến điện, phòng ngự hướng chủ yếu của tiểu đoàn, bố trí ở 160 và cảnh giới ở
đông bắc 167.
- Đại đội bộ binh 11: được tăng cường một ĐKZ 82mm và một vô tuyến
điện, phòng ngự hướng thứ yếu của tiểu đoàn, bố trí 140A và 140B.
- Đại đội bộ binh 10: phòng ngự phía sau và là lực lượng cơ động
của tiểu đoàn, bố trí sau mỏm dãy 200,
cảnh giới ở mỏm 1 (đông nam 225).
- Đại đội hỏa lực: hai khẩu đội 82mm và một khẩu đội 12,7mm bố trí
ở 140A; hai khẩu đội 82mm và một khẩu đội 12,7mm bố trí ở mỏm 6 dãy 200.
- Vị trí của chỉ huy tiểu đoàn: ở đông bắc 269.
II-
DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
A
– DIỄN BIẾN
1.
Ngày 17 tháng 2:
-
Từ 05.00 – 08.10: lúc 05.00: hỏa lực pháo binh và súng cối địch bắn chuẩn bị
vào 160, 140A, 140B; 200. Bộ binh địch thực hành vượt sông Hồng trên hai bến:
hướng thứ yếu khoảng một tiểu đoàn bộ binh vượt ở bắc 167; hướng chủ yếu khoảng
hai tiểu đoàn bộ binh vượt ở bắc 240 (9090) hướng này ta không phát hiện được.
Ý định của địch: hướng thứ yếu đánh chiếm 167, trận địa cảnh giới và 160; hướng
chủ yếu theo đường Bát Xát – Lào Cai bí mật chiếm 225 bất ngờ đánh lên dãy 200
là trận địa phía sau của tiểu đoàn.
Khi
địch đã qua sông tiến vào trận địa ta, hỏa lực súng cối của tiểu đoàn, các đại
đội đã bắn vào đội hình địch đồng thời trung đội 1 của đại đội 9 phối hợp với
tự vệ thị xã nổ súng chặn địch đánh vào trận địa cảnh giới ở sường đông 167.
Sau hơn một giờ chiến đấu (khoảng 07.00) trung đội 1 rút về 160, địch chiếm
được 167, tổ chức tiến công sang 160 (từ 07.30-08.10) bị đại đội 9 đánh lui
phải xuống chân điểm cao củng cố.
Trong
thời gian trên, hướng thứ hai của địch đã chiếm được 225 đang triển khai đội
hình đánh lên 200.
-
Từ 09.00-10.00: Địch trên hướng thứ yếu không chiếm được 160 chỉ để lại một bộ
phận kiềm chế, lực lượng còn lại phối hợp với hướng chủ yếu từ phía bắc đánh
lên mỏm 1 dãy 200; còn hướng chủ yếu từ phía tây bắc đánh lên mỏm 2 và 3 dãy
200.
Cả
hai hướng đã bị tổ cảnh giới và trung đội 1 của đại đội 10 nổ súng ngăn chặn
tiêu diệt một số tên, đánh lui được đợt xung phong đầu tiên của địch, nhưng tổ
cảnh giới ở mỏm 1 phải lui về phía sau. Đến 09.30 địch lại bị đánh lui lần xung
phong thứ hai lên mỏm 2 và 3 của dãy 200.
Cùng
thời gian trên, đại đội bộ binh 9 chủ động phối hợp đã cho một tiểu đội bộ binh
(do trung đội trưởng chỉ huy) từ 160 xuất kích ra phía tây nam đánh vào sườn
một bộ phận địch đang tiến lên mỏm 1 dãy 200 diệt một số tên, số còn lại phải
chạy lui.
Sau
khi phát hiện ý định của địch tập trung lực lượng đánh chiếm 200, tiểu đoàn
trưởng ra lệnh đại đội 10 cơ động một trung đội ở mỏm 1 và 5 của 200 ra tăng
cường giữ mỏm 2 và 3.
-
Từ 10.00 – 14.30: Địch tiếp tục xung phong lần thứ ba, bộ binh ta dựa vào công
sự chiến đấu, được hỏa lực cối chi viện đã đánh lui quân địch. Lúc này xe tăng
địch đã qua sông theo hướng Bát Xát tiến vào trận địa ta phối hợp với bộ binh
xung phong lần thứ tư. Theo lệnh tiểu đoàn, đại đội 10 dùng súng cối bắn vào bộ
binh theo xe; ĐKZ (ở 140A) cơ động sang phía sườn tây phối hợp với ba tổ bộ
binh (trang bị B41) của đại đội 9 xuất kích đánh xe tăng. Các phân đội đã đánh
lui lần xung phong thứ tư , bắn cháy sáu xe tăng và bắn hỏng một chiếc khác,
diệt nhiều bộ binh.
Sau
năm giờ chiến đấu, hai trung đội của đại đội 10 bị thương vong một số, sức
chiến đấu giảm, đại đội đưa tiếp trung đội thứ 3 ra tăng cường cho mỏm 2 và 3
của 200.
-
Từ 15.00-17.30: Sau khi đã tăng quân, địch triển khai ba mũi từ phía tây bắc
đánh lên mỏm 2 và 3 của 200. Được hỏa lực tiểu đoàn và các đại đội 9, 11 chi
viện, đại đội 10 đã đánh lui lần xung phong thứ năm. Khoảng 17.00 một bộ phận
địch chiếm được đoạn hào vòng ngoài phía tây mỏm 2, ta lui về giữ mỏm 3. Lợi
dụng lúc đại đội 10 chưa tổ chức hỏa lực ngăn chặn và phản kích, 10 phút sau
(17.10) cả hai toán địch cùng phát triển sang mỏm 3. Đại đội 10 tích cực ngăn
chặn nhưng lực lượng bị tổn thất không giữ nổi phải lui về mỏm 4 và 5 của 200.
Địch chiếm mỏm 2 và 3 lúc 17.30 sau đấy dừng lại củng cố công sự, không tiến
công.
Như
vậy, sau một ngày chiến đấu với khoảng một trung đoàn địch, ta bị mất một trận
địa cảnh giới của đại đội 9 và một điểm tựa trung đội của đại đội 10 ở phía
sau. Đại đội 11 gần như chưa tham gia chiến đấu. Địch đã tiến được khoảng 4
ki-lô-mét và đã thực hiện được ý định chia cắt phòng ngự của tiểu đoàn.
-
Từ 21.00-23.00: Tiểu đoàn được tăng cường 44 dân quân và 44 tự vệ thị xã. Sau
khi đánh giá tình hình, tiểu đoàn trưởng vẫn xác định nơi phòng ngự chủ yếu là
phải giữ dãy 200 (Nhạc Sơn 1), đã điều chỉnh lại bố trí và chỉ thị các công tác
chuẩn bị đánh địch hôm sau.
Đội
hình điều chỉnh lại trong đêm:
Đại
đội 10: một trung đội (14 người) và hai tiểu đội dân quân (28 người) bố trí ở
mỏm 4 và 5 của dãy 200. Một tiểu đội (4 người) và một tiểu đội dân quân, một
khẩu 12,7mm bố trí ở 269 (Nhạc Sơn 2). Lực lượng còn lại của đại đội 10 và dân
quân tự vệ bố trí ở ba mỏm tiếp theo 6,7,8 của dãy 200.
Đại
đội 9: Rút ra khỏi 160 (O tròn) về phòng ngự cùng đại đội 11 ở 140A và 140B
(Cây Mít và Sơn Đen).
Trong
đêm, các phân đội đã về vị trí mới củng cố và làm thêm công sự, chuẩn bị đánh
địch tiến công hôm sau.
2.
Ngày 18 tháng 2 năm 1979
-
Từ 05.30-07.30: Địch tiếp tục tiến công: một mũi từ mỏm 2 và 3 đánh sang mỏm 4
và 5 của dãy 200; một mũi từ 225 tiến sang 212 đánh vào 269 (Nhạc Sơn 2); một
mũi từ đường 11 đánh lên 160 (O tròn).
Các
phân đội đã nổ súng quyết liệt đánh lui đợt tiến công thứ nhất của địch, bộ
binh địch lui ra dùng pháo binh, súng cối bắn vào trận địa ta. Riêng điểm cao
160 (O tròn) đại đội 9 đã rút từ đêm nên địch chiếm được dễ dàng.
-
Từ 08.00-09.00: Địch tiếp tục tiến công lần 2 vào 269; 200, 140B (Sơn Đen).
Bộ
phận đại đội 10 và dân quân ở mỏm 4 và 5 của dãy 200 nổ súng ngăn chặn, địch
dựa vào quân đông xung phong ào ạt nên bộ phận này phải lui về mỏm 7 và 8 của
dãy 200; địch chiếm được mỏm 4 và 5.
Bộ
phận phòng ngự ở 269 chỉ ngăn chặn được một thời gian ngắn thì bị địch đột nhập
phần trận địa, ta vẫn giữ được nửa phía đông nam.
Đại
đội 11 phòng ngự ở 140B đánh lui được địch xung phong, giữ được trận địa.
-
12.00: Sau nửa ngày chiến đấu, hướng đại đội 10 bị mất gần hết trận địa, hướng
đại đội 9 và 11 vẫn giữ được trận địa, còn đủ sức đánh địch nhưng tiểu đoàn đã bị
ở thế chia cắt.
Tiểu
đoàn trưởng quyết định cho đại đội 9 và 11 rút về Vị Kim (8495) tiểu đoàn bộ
rút về Nam Cường (8096) chỉ để lại một bộ phận của đại đội 10 và dân quân chặn
địch bảo đảm cho tiểu đoàn lui quân gồm: một tiểu đội (6 người) và hai khẩu
82mm cùng với 25 dân quân ở mỏm 7 và 8 của dãy 200; một tổ (4 người) và một
khẩu 12,7mm cùng với một tiểu đội dân quân ở 269, do một trợ lý tham mưu tiểu
đoàn chỉ huy.
-
Từ 13.00-16.00: Địch xung phong lần thứ ba và lần thứ tư lên mỏm 7 và 8 của dãy
200 và 269 đều bị đánh lui, sau đó xung phong lần thứ năm thì chiếm được 269 còn
ở mỏm 7 và 8 của dãy 200 ta vẫn giữ được đến 16.00 mới rời khỏi trận địa.
B-
KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
-
Trong hai ngày chiến đấu, tiểu đoàn 3 (thực chất có 2 đại đội chiến đấu) đã
ngăn chặn được một hướng tiến công khoảng một trung đoàn địch, gây cho chúng nhiều
tổn thất (bị diệt khoảng vài trăm tên, và bị bắn cháy, bắn hỏng 7 xe tăng), hạn
chế được tốc độ tiến công vào thị xã Lào Cai của địch.
-
Tổn thất của ta: Không thống kê được.
III.
MỘT SỐ KINH NGHIỆM
1.
Địch chọn bến vượt sông ở xa nơi ta phòng ngự để đảm bảo bí mật an toàn, ở nơi
bờ bên ta không có độ dốc quá lớn, thuận tiện cho xe tăng, bộ binh triển khai
như ở bắc 240. Thời cơ vượt sông vào lúc pháo binh bắn chế áp; khi đã vượt sang
được bờ bên ta, bộ phận đi đầu đánh chiếm địa hình có lợi để mở rộng đầu cầu và
nối liền hai bến vượt. Gặp ta ngăn chặn ở đông bắc 167, địch đã tích cực kiềm
chế, thu hút hỏa lực của ta đảm bảo cho hướng chủ yếu của chúng vượt sông (ở
240) và triển khai tiến công.
Trên
hướng tây bắc, phát hiện sự bố trí phòng ngự của tiểu đoàn 3 sơ hở, địch không
phân tán lực lượng vào hướng khác mà ngay từ đầu đã tập trung lực lượng hơn ta
tới 6 lần đánh vào dãy 200 nơi chỉ có một đại đội phòng ngự ở phía sau nhằm vừa
đánh chiếm nơi then chốt, vừa thực hiện bao vây chia cắt hai đại đội 9 và 11.
Quá
trình chiến đấu địch đã vận dụng các thủ đoạn: kết hợp chặt chẽ giữa đánh chính
diện và bên sườn, hình thành nhiều mũi xung phong liên tục ta đối phó không kịp
phải bỏ trận địa. Đánh chiếm từng mỏm củng cố xong mới phát triển, khi thời cơ
có lợi phát triển ngay (17.00 ngày 17-2 chiếm được mỏm 2 của dãy 200, ta chưa kịp
tổ chức hỏa lực ngăn chặn và phản kích, địch đã đánh tiếp sang mỏm 3 chiếm được
mới dừng lại củng cố để hôm sau đánh tiếp).
2.
Cở sở để ta xác định hướng phòng ngự chính xác là đánh giá đúng địa hình, phán
đoán đúng các hướng tiến công của địch đặc biệt là hướng chủ yếu.
Địa
hình từ bắc 160 (O tròn) đến đông 140A (Cây Mít) vừa hẹp vừa dốc, nếu tiến công
phải vừa vượt sông vừa đột phá ngay là rất khó khăn vì không có nơi triển khai
đội hình cho nên thực tế địch đã không vượt sông và tiến đánh từ hướng này. Địa
hình từ bắc 167 đến bắc 240 rộng, soải rất thuận lợi cho địch vượt sông, có địa
thế, có trục đường từ Bát Xát chạy thẳng vào trận địa thuận lợi triển khai đội
hình và tiến công. Những điểm cao có giá trị chiến thuật như 167, 240, Làng Kim
có thể khống chế được hai bên bờ bến vượt, trên mặt sông, trục đường; sâu về
phía nam có 225, 212…có thể ngăn chặn được địch từ phía tây bắc đánh vào dãy
200, 269… nhưng tiểu đoàn 3 đã đánh giá không đầy đủ các yếu tố trên nên đã
chọn hướng bắc là hướng phòng ngự chủ yếu, đông bắc là hướng thứ yếu, bố trí
lực lượng sơ hở, gần như bỏ ngỏ hướng tây bắc tạo điều kiện cho địch đánh vào
bên sườn, phía sau nơi phòng ngự.
3.
Tiểu đoàn 3 đã vận dụng cách đánh của bộ đội chủ lực dàn thành thế trận tập
trung ngăn chặn lực lượng lớn của địch (khoảng một trung đoàn bộ binh và xe
tăng được pháo binh chi viện) trong một trận là không phù hợp. Là tiểu đoàn bộ
đội địa phương, phòng ngự trên phạm vi rộng (khoảng 27 ki-lô-mét vuông), đáng
lẽ tiểu đoàn phải lấy nhiệm vụ tiêu hao, ngăn chặn địch từng bước bằng nhiều
trận nhỏ, kìm chân, làm chậm tốc độ tiến công của chúng, gây cho chúng tổn thất
nhiều lực lượng, phương tiện, phải phân tán đối phó, giảm dần sức mạnh…tạo điều
kiện giữ vững trận địa, mục tiêu cần bảo vệ và thời cơ cho cấp trên tác chiến.
Từ
đó tiểu đoàn có thể vận dụng (phương án):
Dùng
một bộ phận (1-2 trung đội) làm nòng cốt, phối hợp với dân quân tự vệ, lợi dụng
địa hình có lợi, làng, bản… (như 167, 240, Làng Kim, 225, 160, 140B…) tổ chức một
số điểm chốt chặn (hoặc điểm tựa trung đội) từng bước chặn địch lúc vượt sông,
khi đổ bộ, trong quá trình tiếp cận vào mục tiêu.
Dùng
một bộ phận cơ động (hai trung đội hoặc một đại đội) phối hợp với các lực lượng
khác hoạt động lúc tập trung lúc phân tán linh hoạt, liên tục đánh vào bên sườn
phía sau quân địch trong quá trình chúng cơ động khi tiến công hoặc dừng lại.
Lực
lượng còn lại (khoảng một đại đội tăng cường đến hai đại đội) phòng ngự ở những
điểm then chốt như 212, 200, 269.
Cả
ba bộ phận trên đây phối hợp chặt chẽ với nhau chiến đấu theo một ý định, kế
hoạch thống nhất.
4.
Quá trình chiến đấu, khi đã phát hiện hướng tiến công chủ yếu của địch ở phía
tây bắc và ý định đánh chiếm 200 để chia cắt, bao vây đại đội 9 và 11…nhưng
tiểu đoàn trưởng đã không sáng suốt kịp thời chuyển hướng phòng ngự, kiên quyết
rút cả hai đại đội về tăng cường phòng ngự khu vực then chốt, tổ chức phản kích
khôi phục lại mỏm 2 và 3 của dãy 200. Trong đêm 17 tháng 2 rút đại đội 9 về
cùng đại đội 11 phòng ngự 140A, 140B là không phù hợp trong khi đó đại đội 10
sau một ngày chiến đấu đã tiêu hao vấn đề phòng ngự ở 200 lại xé lẻ phân tán
quá rộng sang 269. Từ đó dẫn đến ngày 18-2 mất trận địa sớm, vội vã rút quân
trong khi đó còn hai đại đội 9 và 11 gần như nguyên vẹn hơn 80 dân quân tự vệ mới
tăng cường.
Những
sai lầm trên là nguyên nhân tiểu đoàn không hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự.