Người theo dõi

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Nhu cầu sử dụng RPG-7, SPG-9 của Ukraina và khả năng hợp tác với Việt Nam

Thực trạng công nghiệp quốc phòng của Ukraina hiện nay 
Sau Hội nghị Belaveskaia Pusha vào tháng 12 năm 1993, quân đội Ukraina được thừa hưởng sức mạnh quân sự khổng lồ. Nền công nghiệp quốc phòng được đánh giá đứng thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Nga và Trung Quốc với đội ngũ sỹ quan, cán bộ khoa học - kỹ thuật quân sự hùng hậu và các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng mạnh. Ukraina nhận được khoảng 700 xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, có khả năng sản xuất hầu như tất cả các loại phương tiện kỹ thuật quân sự. 
Nhưng hơn hai mươi năm qua, điều dễ thấy là Ukraina luôn là một quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn. Để bù đắp cho nền kinh tế yếu, nhiều khiếm khuyết, nền công nghiệp quốc phòng của nước này đã không phát triển được gì nhiều mà chỉ bán tháo đi những thành quả được thừa kế từ Liên Xô. Thậm chí, công nghiệp quốc phòng của Ukraina còn gặp nhiều scandal tai tiếng như việc không thực hiện được hợp đồng cung cấp BTR-4 cho Iraq do chất lượng sản phẩm quá tồi. Các hợp đồng khác với các nước Trung Á và Trung Đông cũng bị hủy bỏ. Chỉ còn dự án hợp tác với Thái Lan trong việc cung cấp xe tăng T-84 là dự án lớn nhất mà nền công nghiệp quốc phòng Ukraina đang thực hiện. Đến nay Thái Lan đã nhận được khoảng 31 chiếc T-84 trên tổng số 49 chiếc đặt hàng, tuy vậy cũng không có gì đảm bảo được chất lượng của lô hàng này. 
Với năng lực kinh tế yếu, việc duy trì một nền công nghiệp quốc phòng đồ sộ như vậy là quá sức đối với Ukraina. Hơn nữa, những biến động chính trị lớn, đặc biệt là hai cuộc khủng hoảng chính trị năm 2004 và 2014 đã khiến Ukraina không thể duy trì và phát triển được nền công nghiệp quốc phòng của mình. 
Tính đến trước cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến cuộc chiến tại khu vực miền Đông nước này năm 2014, thực lực của nền quốc phòng Ukraina đã giảm chỉ còn 1/3 so với thập niên 90 của thế kỉ trước. Đến tháng 1/2013 Ukraina còn: 2.311 xe tăng, 3.782 xe bọc thép, 3.101 khẩu pháo, 507 máy bay chiến đấu, 121 máy bay lên thẳng tấn công. Nhưng thực tiễn còn duy trì sử dụng được bao nhiêu thì câu trả lời đã có một năm sau đó. Sau cuộc đảo chính năm 2014 và cuộc chiến với lực lượng dân quân Donetsk và Lugansk sau đó khiến năng lực quốc phòng của nước này tiếp tục tụt dốc thảm hại. Cuộc chiến ở miền Đông Ukraina đã cho thấy sự yếu kém của quân đội Ukraina. Không quân và hải quân gần như bị vô hiệu hóa, không có năng lực hỗ trợ lục quân trong chiến tranh. Trong khi đó, lục quân Ukraina hầu như chưa từng chiếm được ưu thế trước lực lượng dân quân còn non yếu của Donetsk và Lugansk dẫn đến thất bại lớn tại Debaltsevo tháng 2 năm 2015. 
Điều đó cho thấy, nền công nghiệp quốc phòng tại thời điểm này đã suy yếu đi rất nhiều, không còn khả năng phục vụ cho quân đội trước những nhu cầu cấp thiết của chiến tranh. 
Nhu cầu sử dụng RPG-7 và SPG-9 đối với lục quân Ukraina 
Quân đội Ukraina hiện nay đang gặp khủng hoảng một cách toàn diện. Việc phục hồi không quân và hải quân ở thời điểm này là một vấn đề khó nếu không muốn nói là bất khả thi. Mặt khác, trong quan điểm của chính quyền Kiev hiện nay, đối thủ trước mắt của họ chính là lực lượng dân quân miền Đông. Xa hơn nữa, chính phủ của Tổng thống Poroshenko coi Nga là đối thủ chiến lược của mình. Với lực lượng còn non trẻ, chưa thực sự phát triển chính quy của phía miền Đông, Donetsk và Lugansk cũng buộc phải tập trung ưu tiên phát triển lục quân, trong đó có việc phát triển mạnh lực lượng tăng - thiết giáp của mình. Do vậy, yêu cầu trước mắt đối với Ukraina là phải có biện pháp khắc chế định hướng phát triển của đối phương, dẫn đến việc bổ sung vũ khí chống tăng cá nhân cũng như cấp tiểu đội là điều tất yếu. 
Hiện nay, Ukraina vẫn chủ yếu sử dụng tên lửa chống tăng 9K111 Fagot. Đến năm 2017, lục quân Ukraina bắt đầu được bổ sung trang bị các hệ thống tên lửa chống tăng Stugna-P và Corsar với số lượng hạn chế khiến chiến thuật chống tăng - thiết giáp của bộ binh trở nên nghèo nàn, hiệu quả không được đảm bảo. Cũng từ năm 2017, Ukraina vừa bắt đầu sản xuất súng chống tăng RPG-M7 (một phiên bản RPG-7 của Ukraina) vừa mua của Mỹ một lô súng chống tăng gồm 2 phiên bản PSRL-1 và PSRL-2, đây là hai phiên bản “RPG-7 kiểu Mỹ”. Phần nào có thể đáp ứng được kì vọng của lục quân nước này trong vấn đề cơ động tác chiến chống tăng. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ, để có thể chiếm ưu thế trong tác chiến, Ukraina cũng cần có những giải pháp chống tăng mạnh và hiệu quả hơn, đơn cử như súng không giật chống tăng SPG-9. Do đó, có thể thấy, tiềm năng sử dụng RPG-7 và SPG-9 để đáp ứng những yêu cầu tác chiến của lục quân Ukraina là rất lớn


Như đã nói, với một nền kinh tế yếu như Ukraina hiện tại, việc đầu tư một cách phân tán với nhiều dự án khác nhau sẽ là một gánh nặng đối với đất nước này. Do vậy, việc tìm kiếm đến một đối tác bên ngoài trong việc cung cấp RPG-7 hay SPG-9 sẽ mang tính khả thi hơn. Những nước có thể đáp ứng được nhu cầu về hai loại vũ khí này cho Ukraina bao gồm các nước SNG, Trung Quốc, Mỹ (với hai phiên bản PSRL-1, PSRL-2 được coi là “RPG-7 kiểu Mỹ”) và cả Việt Nam. 
Khả năng cung cấp RPG-7 và SPG-9 cho Ukraina từ Việt Nam 
Súng chống tăng cầm tay RPG-7 là loại vũ khí chống tăng có tính cơ động rất cao, trở thành súng chống tăng cá nhân được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. RPG-7 có đường kính nòng 40mm, sử dụng các loại đạn xuyên phá như PG-7, PG-7V, PG-7VM, PG-7VL, PG-7VR, TBG-7V hay các đạn nổ phá sát thương như OG-7, OG-7A cùng một số loại đầu đạn khác có đường kính đạn từ 70-105mm. 
SPG-9 là súng chống tăng không giật, nòng trơn. Súng có giá đỡ 3 chân có thể tháo dời khi hành quân (bản nâng cấp của SPG-9 là SPG-9D có 2 bánh xe trang bị cho lính dù). Súng có tầm bắn hiệu quả qua kính ngắm: 1300m, tầm bắn tối đa 4500m, cỡ nòng 73mm, sử dụng các loại đạn như: đạn xuyên lõm PG-9V, PG-9VS và đạn nổ phá OG-9V. 


Hai loại vũ khí này hiện nay Việt Nam đều đã tự chủ được việc sản xuất cả súng và đạn, có thể đáp ứng được nhu cầu tác chiến trong nước, thậm chí hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xuất khẩu. Tuy nhiên khả năng Ukraina đưa ra một lời đề nghị cho phía Việt Nam trong việc mua hai loại vũ khí này là không cao, bởi nhiều yếu tố: 
Thứ nhất, Ukraina vẫn chìm trong tình trạng trì trệ sau khủng hoảng, từ vị trí nền kinh tế thứ 56 thế giới tính theo GDP năm 2013 tụt xuống trở thành nền kinh tế đứng thứ 64 năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người giảm còn khoảng 2.200$, lạm phát đã ở trên mức 40%. Việc tăng chi tiêu cho quốc phòng trở thành một áp lực lớn đối với Chính phủ Kiev. 
Thứ hai, tuy nền công nghiệp quốc phòng của Ukraina bị suy giảm đáng kể, song thời điểm này đang là lúc chiến sự ở miền Đông Ukraina lắng xuống, nước này vẫn có khả năng tự trang trải để giải quyết vấn đề trước mắt bằng nhiều cách. Thậm chí là “tái chế” các vũ khí cũ của mình hoặc nhận viện trợ, hay chịu sức ép từ nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ và các nước đồng minh NATO. 
Về phía Việt Nam, cho dù Ukraina có đưa ra một lời đề nghị mua sắp RPG-7 và SPG-9 thì khả năng Việt Nam đồng ý là gần như không có. Trong quan điểm ngoại giao của mình, Việt Nam giữ vững lập trường “không bao giờ liên minh, liên kết với một nước khác để chống lại nước thứ ba, không đi với nước này để chống nước kia”. Trong hoàn cảnh, cuộc xung đột vũ trang với lực lượng miền Đông của nước này có liên quan tới lợi ích của cả Nga, đồng thời Ukraina đã cắt đứt quan hệ và quay sang đối đầu với Nga, tất nhiên Việt Nam không thể vì một lợi ích nhỏ mà đánh mất mối quan hệ chiến lược, toàn diện, hữu nghị truyền thống với Nga được. 
Như vậy, xét theo cả hai chiều từ phía Ukraina và từ phía Việt Nam, khả năng cho thương vụ mua bán này gần như ít có khả năng xảy ra. Ukraina không có cách nào khác ngoài việc tự giải quyết vấn đề của mình, hoặc tiếp tục lún sâu trong quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ và các nước đồng minh NATO.
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học lịch sử

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Thỏa thuận khai thác chung trên biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc: Thách thức và xu hướng

Quan hệ Philippines - Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nắm quyền đang dần ấm lên, mở ra một cơ hội mới cho việc hiện thực hóa ý tưởng khai thác chung trên Biển Đông. Sáng kiến này vốn đã xuất hiện từ năm 1986, song với những vấn đề phức tạp của tình hình khu vực, quốc tế, cũng như những mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước mà cho đến nay ý tưởng này hiện vẫn chỉ là ý tưởng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình quan hệ hai nước đang có những tiến triển tích cực, đặc biệt ngày 14/2/2018, Philippines và Trung Quốc đã đồng ý lập ra một cơ quan đặc biệt nhằm nghiên cứu vấn đề gác lại vấn đề tranh chấp chủ quyền, hợp tác khai thác dầu khí chung tại các khu vực Biển Đông mà hai nước đều có tuyên bố chủ quyền. Từ đây, ý tưởng khai thác chung trên biển Đông giữa hai nước đang đứng trước cơ hội lớn có thể được hiện thực hóa. 
Tuy nhiên, sau đó không lâu, ngày 21/3/2018, hai nước này lại có một tuyên bố mới rằng: “sẽ thận trọng tiến hành công tác thảo luận về các hoạt động hợp tác khai thác dầu mỏ và khí tại biển Hoa Nam (biển Đông)”. Việc hai bên phải “thận trọng” rõ ràng đang phản ánh một thực tế rằng: việc hiện thực hóa ý tưởng khai thác chung dù sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía, nhưng nó cũng đang gặp phải nhiều thách thức lớn. Có thể điểm qua những vấn đề cơ bản sau đây: 
Những thách thức bên trong: 
Thứ nhất, sự thay đổi lập trường chính trị của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte so với nhiệm kì của cựu Tổng thống Benigno Aquino đặt ra một dấu hỏi lớn về sự ổn định trong quan hệ hai nước. Liệu đó là thiện chí chiến lược lâu dài của nước này đối với Trung Quốc, hay chỉ là ý chí chính trị nhất thời của nhiệm kì ông Rodrigo Duterte? Liệu sau ông Duterte, Philippines có một lần nữa thay đổi 180 độ từ hợp tác quay sang đấu tranh với Trung Quốc? Đây sẽ là những nghi vấn không thể không nghĩ đến đối với Trung Quốc. 
Thứ hai, sự chênh lệch rất rõ nét về tiềm lực khoa học, kĩ thuật của Trung Quốc so với Philippines sẽ kéo theo việc khó có thể phân chia lợi ích một cách thỏa mãn cho cả hai nước này. Trung Quốc ngày nay đã và đang ngày càng hiện đại hóa. Họ có trong tay những công nghệ, kĩ thuật khai thác cực kì hiện đại vượt trội hoàn toàn, trong khi thực tế khả năng khai thác của Philippines là rất hạn chế và nghiễm nhiên sẽ khó có thể lấy về nhiều nguồn lợi như mong muốn. Tuy vậy, nếu không chấp nhận hợp tác thì một thực tế rõ ràng đó là Philippines cũng sẽ không có được gì hết, mà trong tương lai gần, nước này sẽ càng lâm vào tình trạng thiếu hụt năng lượng, do lượng khí đốt tự nhiên nội địa tại khu vực ngoài khơi Malampaya được dự báo sẽ cạn kiệt vào năm 2024. 
Thứ ba, Trung Quốc hiện nay không hề giấu giếm tham vọng trở thành siêu cường toàn diện, trong đó việc trở thành một siêu cường đại dương là một trong những chiến lược tất yếu của nước này. Như vậy, nếu có thể hiện thực hóa ý tưởng khai thác chung trên biển Đông với Philippines, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều lợi ích khác chứ không chỉ là vấn đề về kinh tế, thậm chí lợi ích về kinh tế trong khuôn khổ hợp tác với Philippines chỉ là thứ yếu. Bản thân Philippines chắc chắn sẽ phải chịu rất nhiều áp lực không chỉ từ trong nước mà còn từ bên ngoài. 
Thứ tư, việc hiện thực hóa ý tưởng hợp tác khai thác chung trên biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc sẽ là vi hiến đối với đảo quốc của Đông Nam Á. Căn cứ theo Hiến pháp của Philippines, để có thể triển khai việc khai thác chung trên biển Đông, Trung Quốc phải thừa nhận chủ quyền của Philippines tại vùng biển này, trong khi trên thực tế điều đó gần như là viễn tưởng. 
Thách thức từ bên ngoài: 
Việc triển khai hợp tác khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc nếu được hiện thực hóa sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của nhiều nước liên quan như: Việt Nam, Malaysia, Brunei… trong đó đặc biệt là Việt Nam. Nếu kế hoạch đó được thực hiện, sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại biển Đông, trên những khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là tất yếu. Và dĩ nhiên, kế hoạch trên sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới quan hệ Việt Nam - Philippines, Việt Nam - Trung Quốc. Mở rộng hơn, nó có thể làm mất cân bằng quyền lực tại khu vực, gây rạn nứt sự đoàn kết trong cộng đồng ASEAN. 
Ngoài ra, trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại, việc quan hệ Philippines - Trung Quốc ấm lên và đi vào thực chất có nguy cơ làm xáo trộn cục diện chính trị, ngoại giao ở khu vực. Philippines vốn là đồng minh của Mỹ, nhưng dưới sự nắm quyền của Tổng thống Duterte, Philippines đang thiếu đi sự ổn định trong quan điểm ngoại giao. Không ít lần, Tổng thống Duterte có những phát ngôn gây mất lòng, thậm chí là chỉ trích đồng minh của mình. Cùng với đó là thay đổi thái độ với Trung Quốc, tỏ ý muốn xích lại gần hơn với Nga. Có thể, nhiều người lạc quan nhất sẽ nghĩ về một trật tự thế giới mới sớm được định hình với tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Nga làm trung tâm, cán cân quyền lực sẽ thay đổi khi Mỹ mất đi vị thế số 1. Việc Philippines muốn “đi tắt đón đầu”, hướng về Nga - Trung là điều dễ hiểu. Nhưng những hành động này rõ ràng không làm hài lòng đồng minh phía bên kia đại dương. Nếu không phải một tay đu dây tốt trong chiến lược ngoại giao đa phương, Philippines có thể sẽ phải trả một cái giá không hề nhỏ. 
Tùy vào những biến đổi về tình hình khu vực cũng như thế giới trong những năm tới, những thách thức mới có thể nảy sinh trong vấn đề triển khai ý tưởng khai thác chung tại biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. 
Xu hướng tiến triển trong những năm tới 

Với nhiều thách thức khó có thể giải quyết, không dễ để khẳng định tương lai của ý tưởng khai thác chung tại biển Đông của Philippines và Trung Quốc sẽ đi tới đâu. Song người Việt Nam có câu: “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, quan điểm này Philippines hoàn toàn có thể tham khảo trong thời gian tới, nhất là khi Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ chứ không còn “giấu mình chờ thời” như chiến lược đã đề ra trước đây. Cụ thể, trong tương lai gần, có thể đưa ra một vài nhận định mang tính chất tham khảo: 
Ý tưởng khai thác chung tại biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ chịu sức ép rất lớn từ các bên có lợi ích tại biển Đông, đặc biệt là Mỹ và các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Do đó, việc ấn định thời gian thực hiện ý tưởng này sẽ còn phải chờ đợi những nỗ lực từ hai phía Trung Quốc và Philippines. Đặc biệt, đối với Philippines là một nước nhỏ sẽ gặp nhiều sóng gió trong quan hệ với cặp đôi siêu quyền lực là Mỹ và Trung Quốc. 
Trong tương lai không xa, với việc Trung Quốc đang tiến nhanh, tiến mạnh, cán cân quyền lực ở khu vực đang dần nghiêng về nước này, sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình thực hiện ý tưởng khai thác chung. Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc càng mạnh, thì lợi ích mà nước này muốn có được trong vấn đề hợp tác với Philippines sẽ càng lớn hơn. Hơn nữa, không loại trừ khả năng, vấn đề hợp tác khai thác sẽ phụ thuộc vào những thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ nhiều hơn là những đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines. Khi đó, Philippines cần phải có những chiến lược ngoại giao đủ khôn khéo để không chịu quá nhiều thiệt thòi.
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử