Người theo dõi

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Cục diện thương mại biển tại khu vực Đông Á thế kỷ XVII - XVIII

 Chu Hoàng

Cục diện thương mại biển ở góc độ nào đó cũng tương tự như khái niệm cục diện khu vực trong quan hệ quốc tế hiện nay. Khái niệm “cục diện thương mại biển” không ám chỉ tính ổn định cao như đối với khái niệm “trật tự thương mại biển”. Trên thực tế, tình hình thương mại biển tại khu vực Đông Á nói chung trong hai thế kỉ XVII – XVIII không phải lúc nào cũng duy trì trạng thái ổn định, mà có những sự chuyển biến đáng chú ý. Sự xâm nhập và bành trướng của các công ty Đông Ấn đã dần khiến thương mại Nội Á suy yếu. Các yếu tố bản địa dần không thể cạnh tranh được với các thế lực thương mại đến từ châu Âu. Trong đó, hai thế kỉ XVII - XVIII cần đặc biệt quan tâm tới hai trường hợp Hà Lan và Anh.

Cục diện thương mại biển tại khu vực Đông Á trước thế kỉ XVII

Trong quá khứ, cục diện thương mại biển tại khu vực Châu Á được quyết định bằng các vương quốc thương mại nội Á lớn như Arập, Ấn Độ hay bản thân một số vương quốc thương mại ở Đông Á. Riêng tại Đông Á, Phù Nam từng là trung tâm thương mại liên khu vực, thịnh vượng bậc nhất. Tình hình này kéo dài cho đến khoảng thế kỷ VII, khi Phù Nam bắt đầu khủng hoảng và suy yếu. Trung tâm thương mại liên khu vực đã dịch chuyển về khu vực eo Melaka. Bên cạnh đó, có rất nhiều vương quốc, nhà nước có vị thế thương mại cao tại Đông Á nhưng nhóm này hoặc là không có vị trí thuận lợi, hoặc là các tiềm lực khác không đủ mạnh để tự mình kiểm soát những tuyến đường thương mại huyết mạch.

Ở Đông Á, Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt, phần lớn thời kỳ trung đại, họ tỏ ra thích thú với các tuyến đường giao thương trên bộ hơn là trên biển. Thậm chí, từ thời nhà Minh, hoạt động thương mại biển của Trung Quốc còn suy giảm nhanh chóng hơn với chính sách “Hải cấm”. Sự chiếm thế của Nho giáo cũng có tác động quan trọng khiến tư duy trọng nông, ức thương càng trở nên rõ rệt hơn ở Trung Quốc. Theo quan điểm của các Nho gia, nghề buôn bán có địa vị thấp hèn nhất trong kết cấu “sĩ - công - nông - thương”. Xét về góc độ chính trị, Trung Quốc có thể được coi là một nhân tố chi phối mạnh, nhưng về thương mại biển vai trò của Trung Quốc lại trở nên phức tạp hơn.

Kể từ thời Nhà Minh, bản thân Trung Quốc thời kỳ này lại mang nặng tư duy cao ngạo, coi trọng lục địa hơn biển, coi trọng nông nghiệp hơn buôn bán, giao tiếp thiếu bình đẳng, tự phong tỏa, không tiếp nhận luồng văn minh bên ngoài của các triều đình phong kiến Trung Hoa đã khiến họ đánh mất nhiều cơ hội lịch sử để tiến bộ và phát triển[1]. Nhưng các triều đại trước nhà Minh lại tỏ ra quan tâm đến thương mại biển. Nhưng chỉ dừng lại ở khu vực biển gần. Tính chất phức tạp về vai trò của Trung Quốc thể hiện ở việc, mỗi giai đoạn khác nhau, vị thế của Trung Quốc trong cục diện thương mại biển ở khu vực lại khác nhau. Trước thời Minh, rõ ràng Trung Quốc được xem như một thế lực có khả năng chi phối thương mại khu vực Đông Á. Nhưng đến thời Minh, Thanh, Trung Quốc lại không trực tiếp chi phối hệ thống thương mại biển tại khu vực Đông Á. Thay vào đó, việc đóng cửa thị trường rộng lớn này gián tiếp trở thành lí do đẩy các thế lực biển Á - Âu tập trung vào cuộc đua tranh giành thị trường khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.

Đối với các cường quốc biển ngoại lai, sự xâm nhập, chiếm lĩnh thương mại khu vực của các thương nhân của phương Tây vào Đông Á được thúc đẩy nhanh hơn trong thế kỉ XVI. Đáng chú ý có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là những cường quốc rất mạnh ở thời điểm đó. Các thương nhân Anh, Hà Lan trước thế kỉ XVII có tiếng nói rất hạn chế.

Nhìn chung, cục diện thương mại biển của khu vực Đông Á trước thế kỉ XVII vẫn do các trung tâm thương mại nội Á cùng hai cường quốc châu Âu là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chi phối.

Chuyển biến trong cục diện thương mại biển tại Đông Á trong hai thế kỉ XVII - XVIII

Sự xâm nhập và cạnh tranh gay gắt từ các đoàn thương nhân bên ngoài đã khiến các vương quốc thương mại biển ở Đông Á đã dần đi vào suy thoái và mất hẳn vị thế vốn có của mình như nhiều thế kỉ trước. Các trung tâm thương mại lớn của khu vực dần rơi vào tầm kiểm soát của các cường quốc bên ngoài.

Từ thế kỉ XVII, thế lực của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã yếu đi đáng kể. Các cường quốc mới của châu Âu vươn lên nhanh chóng dần thay thế hai thế lực cũ. Trong đó, Hà Lan đã làm được một điều mà các cường quốc cũ khi đó chưa thể làm được. Như tác giả William J.Bernstein nhận định rằng: “Đầu thế kỉ 17, mọi con đường đều dẫn tới Hà Lan. Quốc gia này đã thiết lập được hệ thống thương mại toàn cầu đúng nghĩa đầu tiên[2]. Thời kỳ này, một số học giả khác đã định danh là thời kỳ toàn cầu hóa mang màu sắc Hà Lan[3]. Với sức mạnh vượt trội của mình, VOC đòi độc quyền buôn bán ở phương Đông, và đã buộc các ông hoàng ở những xứ sở xa xôi mà họ điều đình phải bế quan tỏa cảng đối với các nước khác[4]. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản từng thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng nhưng vẫn mở một cánh cửa cho riêng Hà Lan.

Ở Châu Á nói riêng và Đông Á nói chung vào thế kỉ XVII, thế lực của Hà Lan đã lớn hơn tất cả các cường quốc châu Âu khác. Họ hầu như kiểm soát được phần lớn các tuyến thương mại chủ yếu Đông Á. Số lượng tàu và nhân lực của VOC luôn diện diện đông đảo vượt trội so các công ty Đông Ấn khác. Vào năm 1622, công ty Hà Lan chỉ huy tới 83 tàu tiến vào vùng biển châu Á, trong khi công ty Anh chỉ có 28[5]. Con số tàu và nhân lực được điều động trên thực tế của Hà Lan còn gấp hơn thế nhiều lần bởi tỉ lệ nhân lực tử vong trong quá trình “viễn chinh” rất cao ở thời kì này.

Đối với Anh, mặc dù vào năm 1660, nền thương mại của Anh không phát triển bằng Hà Lan, nhưng hải quân thì lại mạnh hơn, đặc biệt là về mặt tổ chức và hiệu quả[6]. Hơn nữa, người Anh đã tìm nhiều cách hỗ trợ cho các cư dân bản địa khắp các thuộc địa của Hà Lan chống lại cường quốc này. Điều này tuy làm gia tăng mâu thuẫn giữa Hà Lan và Anh, nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc bào mòn sức mạnh của các đoàn viễn chinh Hà Lan.

Phần lớn thời gian của thế kỉ XVII, Anh vẫn chưa thể vươn lên tầm của Hà Lan. Vị thế đi lên nhanh chóng về thương mại của Anh thực sự đến sau cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688, khi Thống đốc Tin lành người Hà Lan Willem III cùng người vợ dòng dõi hoàng gia Anh là Mary lật đổ vị vua Công giáo cuối cùng James II. Một năm sau, cuộc dàn xếp cách mạng năm 1689 đã tiếp tục đẩy nền kinh tế Anh tăng tốc, bản thân các nhà tài phiệt Hà Lan khi đó cũng cho rằng ngọn gió thương mại đã đổi chiều[7]. Từ thời điểm này, Hà Lan không còn là cường quốc thương mại số một thế giới nữa. Cuộc cạnh tranh Hà Lan - Anh tại khu vực Đông Á trong hai thế kỉ XVII - XVIII đã đi từ bất bình đẳng cho nước Anh đến bình đẳng hơn và rồi lại trở nên bất bình đẳng cho Hà Lan.

Cuối thế kỉ XVIII, sự phát triển không đồng đều giữa Anh và Hà Lan càng đẩy cao mâu thuẫn giữa hai cường quốc này. Hà Lan bắt đầu đuối sức trước sự phát triển nhanh chóng của Anh. Chiến tranh Anh - Hà Lan (1780 - 1784) đã khiến Hà Lan mất đi nhiều thuộc địa và cả quyền độc quyền thương mại ở Đông Á về tay đế quốc Anh.Sự cường thịnh của người Anh được thể hiện trong câu nói “Mặt trời không bao giờ lặn ở đế quốc Anh”, do việc lấy được thuộc địa từ tay các cường quốc cũ đã cho nước Anh một hệ thống thuộc địa trải dài từ Đông sang Tây. Cách mạng công nghiệp tại chính quốc càng thúc đẩy quá trình khai thác thuộc địa, mở rộng thị trường của đế quốc này. Tuy nhiên, nước Anh lại gặp khó khăn bởi chính sự bành trước thuộc địa quá rộng khắp của mình. Một mình đế quốc Anh không đủ khả năng giữ được tất cả. Trong khi đó, Pháp lại đang dần trở thành một đối thủ nhiều tiềm năng trong tương lai có thể đe dọa đến vị thế của Anh. Với nhận thức như vậy, đế quốc Anh đã lựa chọn việc chấp nhận trả lại thuộc địa, cho phép Hà Lan quay trở lại Đông Á.

Thập niên cuối thế kỉ XVIII, theo nhà nghiên cứu Anthony Reid là thời kỳ chấm dứt của kỷ nguyên thịnh vượng của thương mại Nội Á giữa các đế chế mang tầm thế giới ở Á Châu. Sau thời kỳ này, hầu hết các nhà nước châu Á đã mất chủ quyền về thương mại và các nguồn kinh tế[8]. Như vậy, cục diện thương mại biển khu vực Đông Á từ cuối thế kỉ XVIII đã dần loại bỏ vị thế của các nhân tố nội Á. Các nước Đông Á hay xa hơn là các thế lực thương mại lớn ở châu Á thời đó đã không còn khả năng cạnh tranh với các công ty Đông Ấn. Cho đến thời điểm này, gần như cục diện thương mại biển ở Đông Á đã hoàn toàn chịu sự chi phối của thế lực biển từ châu Âu, đặc biệt là Anh và Hà Lan. Trớ trêu thay, đây cũng là thời kỳ châu Á chuẩn bị bước vào giai đoạn khủng hoảng, suy thoái, dần biến thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây.

Tựu chung lại, chỉ trong 2 thế kỷ XVII - XVIII, cục diện thương mại biển tại khu vực Đông Á đã có 3 bước chuyển quan trọng. Chính bởi có những lần chuyển biến này khiến Đông Á không có một trật tự thương mại ổn định.

Bước chuyển thứ nhất, cục diện thương mại biển được chi phối bởi VOC cùng các nhân tố bản địa (hay các nhân tố nội Á). Tiềm lực của Hà Lan vượt trội hoàn toàn các cường quốc khác ở châu Âu, họ làm thông suốt con đường thương mại biển Á - Âu, tạo nên một hiện tượng toàn cầu hóa đậm dấu ấn của chính mình.

Bước chuyển thứ hai, sự phát triển không đồng đều giữa các cường quốc châu Âu đã đem đến cho Hà Lan những đối thủ tiềm ẩn mới mà trong đó, người Anh tỏ ra là những kẻ xuất sắc nhất. Những toan tính lâu dài của Anh đã giúp họ biến mình trở thành một đế chế vượt qua Hà Lan trong giai đoạn cuối thế kỉ XVII. Họ biết cách bào mòn sức mạnh biển của người Hà Lan và để rồi chấm dứt vị thế độc quyền thương mại của nước này trong thập niên 70 của thế kỉ XVIII. 

Ngay sau đó, bước chuyển thứ ba được người Anh chủ động đề ra để đưa Hà Lan trở lại cuộc đua thương mại Đông Á. Mục tiêu cơ bản vẫn nhằm để tránh những đối thủ mạnh hơn có cơ hội vượt qua Anh trong tương lai, cụ thể như Pháp. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn các nhân tố nội Á hoàn toàn bị lu mờ, không còn chi phối được cuộc chơi thương mại trên biển.

Điều đáng buồn là những chuyển biến mang tính vừa ngẫu nhiên vừa là tất yếu của cục diện thương mại biển tại Đông Á, đã khiến quá trình thuộc địa hóa khu vực Đông Á mang những dấu ấn hết sức riêng. Trong hoàn cảnh như vậy, các quốc gia phương Đông lại chìm đắm trong hủ bại, thiếu tầm nhìn trước những chuyển biến. Tất cả những điều đó đã bắt chúng ta phải gánh chịu một giai đoạn thuộc địa bi đát.



[1] Hà Anh Tuấn (chủ biên), Một số vấn đề về chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.51

[2] William J.Bernstein, Lịch sử giao thương: thương mại định hình thế giới như thế nào?, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr. 300

[3] Họ cho rằng toàn cầu hóa mang màu sắc Hà Lan là thời kỳ toàn cầu hóa đầu tiên của thế giới, tiếp đến là giai đoạn toàn cầu hóa mang màu sắc Anh từ cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX, giai đoạn toàn cầu hóa thứ 3 mang màu sắc Mỹ từ giữa thế kỉ XX đến nay và dự báo lần toàn cầu hóa thứ 4 mang màu sắc Trung Quốc từ nửa cuối thế kỉ XXI.

[4] Alfred Thayer Mahan, Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014, tr.149.

[5] William J.Bernstein, Lịch sử giao thương: thương mại định hình thế giới như thế nào?, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr. 304

[6] Alfred Thayer Mahan, Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014, tr.150.

[7] William J.Bernstein, Lịch sử giao thương: thương mại định hình thế giới như thế nào?, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.333-334.

[8] Dẫn theo: Nguyễn Mạnh Hùng, “Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVIII”, in trong: Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Kim (đồng chủ biên), Một số chuyên đề lịch sử thế giới (giáo trình - tập 3), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr. 229.

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

ĐỊNH HÌNH QUAN HỆ NGA - EU HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

 Mối quan hệ láng giềng đặc biệt giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang từng bước vượt qua được những đỉnh sóng mâu thuẫn kể từ sau khủng hoảng Ukraina. Mâu thuẫn vẫn tồn tại và sẽ khó có thể giải quyết trong tương lai gần. Tuy nhiên, cả hai phía đều hiểu rất rõ về tầm quan trọng của đối phương trong một trật tự đa cực mới. Đó sẽ là động lực cơ bản để Nga và EU duy trì tình trạng "bất ổn có kiếm soát".

Cách tiếp cận của Nga và EU trong quan hệ song phương

          Cả Nga và EU đều là láng giềng lớn nhất của nhau, nhưng điểm khác biệt nằm ở việc Nga đứng trên quan điểm của một quốc gia độc lập, đang dần tìm lại vị thế siêu cường đã từng có của mình. Còn EU đứng trên quan điểm của một tổ chức khu vực điển hình, tính thống nhất cao đã khiến nó trở thành một "siêu quốc gia". Do đó, sự khác biệt nằm ở việc EU muốn áp đặt mục tiêu chung của toàn bộ thành viên trong quan hệ với Nga. Nhưng ở phía ngược lại, Nga lựa chọn một cách tiếp cận rất khác, họ thích phân tách, sử dụng nhiều phương cách khác nhau trong mối quan hệ với từng thành viên EU hơn là đưa ra một chính sách chung chung với khối liên kết khu vực này. Đặc biệt, Nga thường coi trọng mối quan hệ với Đức, Pháp, Ý và Anh (trước Brexit) khi thảo luận về các vấn đề quốc tế bởi Kremlin không tin tưởng vào toàn bộ EU.

          Điểm khác biệt thứ hai nằm ở chỗ, Nga là một quốc gia độc lập có tính tự quyết cao, trong khi EU lại phải chịu sự ràng buộc, ảnh hưởng không nhỏ từ các hệ thống quốc tế khác, đặc biệt là NATO. Có thể nhận thấy rất rõ trong chính sách đối với Nga của EU những năm qua đã chịu ảnh hưởng đậm nét từ Mỹ thông qua NATO nhiều như thế nào. Việc tăng cường các biện pháp cấm vận Nga từ khủng hoảng Ukraina xuất phát từ áp lực của NATO nhiều hơn là từ ý chí tự thân của EU. Ở thời điểm hiện nay, cả Nga và EU đều đứng trước hai lựa chọn lớn. Với Liên minh châu Âu, họ nằm ở vị trí trung gian trong cuộc cạnh tranh gay gắt của hai trung tâm quyền lực lớn:: giữa một bên là Mỹ và một bên là một nước Nga đang lấy lại hình ảnh cường thịnh. Còn đối với Nga, tuy có được sự độc lập cao về ý chí chính trị, nhưng lại đang ở giữa hai sự lựa chọn, giữa một bên là thị trường kinh tế truyền thống ở châu Âu và một bên là thị trường kinh tế mới vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức như Trung Quốc. Trật tự đa cực mới của thế giới đang khiến cách tiếp cận của cả Nga và EU trong quan hệ song phương trở nên phức tạp, nhiều biến động bất ngờ.

          Ngoài ra, lịch sử quan hệ Nga - Châu Âu trong quá khứ cũng sẽ là một kinh nghiệm quan trọng cho cách ứng xử của hai bên. Không ít lần, Nga và phần còn lại của châu Âu đã lâm vào hoàn cảnh căng thẳng tột độ với những cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác nhau. Bản thân Nga và nhiều nước lớn ở châu Âu trong quá khứ vốn là các thế lực hùng mạnh của khu vực, các cuộc xung đột vũ trang từ hai phía đều để lại những hậu quả vô cùng to lớn. Do đó, chung sống hòa bình và hợp tác cùng phát triển sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn so với việc chấp nhận một sự áp đặt từ bên ngoài để lao vào những cuộc phiêu lưu quân sự không đáng có.

Thăng trầm quan hệ Nga – EU trong thập kỉ qua

          Sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, Nga và EU cùng nỗ lực tìm kiếm các cơ hội thúc đẩy hợp tác, phục hồi kinh tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ song phương được cải thiện và đi vào giai đoạn nồng ấm. Thêm vào đó, việc Nga gia nhập WTO năm 2012 đã càng mở ra nhiều điều kiện hội nhập sâu rộng với thị trường toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng. Về phía Nga, cũng không thể không nhắc đến vai trò cá nhân của Tổng thống Dmitri Medvedev. Vốn xuất thân là một lãnh đạo kinh tế nhiều kinh nghiệm, nhiệm kì của ông gắn liền với quá trình cải thiện quan hệ với phương Tây. Góp phần quan trọng cho mối quan hệ gần gũi Nga – EU kể từ sau Chiến tranh lạnh. Điều đó nhanh chóng được thể hiện qua các con số kinh tế. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt đỉnh 321,5 tỉ EUR vào năm 2012, giá trị lớn nhất cho đến ngày nay.

          Tuy nhiên, quá trình "đông tiến" của NATO đã khiến quan hệ chiến lược Nga - EU không duy trì đà thân thiện được quá lâu. Đông Âu vốn là vùng giao thoa quyền lực giữa Nga và NATO, nơi này vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn, gây cản trở quan hệ Đông - Tây. Một điểm nóng trong số đó đã bùng phát tại Ukraina từ cuối năm 2013, đầu năm 2014. Sự việc đã kéo theo hàng loạt hệ lụy, nhất là khi bán đảo Crimea quyết định trở về lãnh thổ Ngô, quan hệ Nga – Phương Tây trở nên xấu nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đồng hành cùng mối quan hệ chính trị căng thẳng đó là sự suy giảm đáng kể chỉ số thương mại song phương. Các nước châu Âu tiến hành các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Nga khiến kim ngạch thương mại song phương chạm đáy vào năm 2016, chỉ đạt 183 tỉ EUR, giảm tới 43% so với năm 2012. Quan hệ kinh tế Nga – EU bắt đầu phục hồi từ năm 2017 cho đến nay. Thương mại hai chiều đạt 231 tỉ EUR năm 2019 nhưng để có thể trở lại giai đoạn nồng ấm trước đây, Nga và EU sẽ còn rất nhiều điều phải làm, đặc biệt là cải thiện lòng tin chính trị đối với nhau.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các biện pháp cấm vận của phương tây làm thay đổi hoàn toàn bản chất quan hệ Nga-EU. Căng thẳng Đông Tây rõ ràng đã tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế của cả hai phía, biên độ suy giảm thương mại tuy không phải con số nhỏ, nhưng là chưa đủ để tạo ra một sự sụp đổ. Về cơ bản, một cuộc đối đầu triệt để sẽ như con dao hai lưỡi, gây tổn thương nghiêm trọng đối với cả hai. Dù theo trường phái đối ngoại nào đi nữa thì cả Nga và EU sẽ không đi theo một cuộc chơi mà hai bên cùng thua. Và thực tế, mặc dù vẫn cấm vận nhau, nhưng cả hai đều tìm cách lách quá khe cửa căng thẳng. Nhưng mặt hàng giao thương quan trọng hàng đầu nghiễm nhiên nằm ngoài cuộc chơi cấm vận. Điều đó đảm bảo cho việc duy trì mối quan hệ căng thẳng về bề ngoài, nhưng bản chất vẫn được duy trì ổn định.

Hiện nay Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU-27. Ngược lại, EU-27 là thị trường giao thương lớn nhất của Nga. Cụ thể, vào năm 2019 lượng xuất khẩu của Nga vào thị trường EU-27 chiếm tới 53,5% tỉ trọng xuất khẩu của họ. Con số này ở thị trường Trung Quốc chỉ đạt tỉ trọng 13,4%. Thị trường EU đang mang lại thặng dư thương mại cho Nga lên tới 55,6 tỉ EUR. Rõ ràng, chiếu theo các con số dài hạn, châu Âu vẫn là thị trường chiến lược quan trọng nhất đối với Nga.

Sự phụ thuộc của EU vào dầu khí Nga: vấn đề chưa có lời giải

          Tạm gác lại các mặt hàng giao dịch khác, các lệnh cấm vận của châu Âu đối với Nga gần như miễn nhiễm với quá trình giao thương dầu khí song phương. Nguồn năng lượng vốn là một lá bài ngoại giao quan trọng của Nga, nhưng điều gì đã khiến châu Âu không thể cấm vận nó?

Lục địa già cơ bản đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng nóng từ thế kỉ XX do nhiều hạn chế về tài nguyên, thị trường và con người. Để duy trì được quá trình phát triển như hiện nay, năng lượng là một trong những vấn đề then chốt, trở thành yếu điểm của EU trong quan hệ với Nga. Liên minh châu Âu vốn là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn hàng đầu của thế giới, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Trong khi đó, nguồn cung hiệu quả nhất của họ vẫn là Nga. Châu Âu có thể tìm kiếm các nguồn cung khác hay không? Tất nhiên là có: Bắc Mỹ và Trung Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi đều là những nguồn cung cấp lớn. Nhưng hoàn toàn không thể cạnh tranh được với Nga về mặt kinh tế thậm chí là ở góc độ chính trị. Con đường dầu khí từ Nga chảy vào châu Âu có sự ổn định hơn rất nhiều so với vòng cung Bắc Phi - Trung Đông. Chỉ riêng hệ tập đoàn Gazprom đã thiết lập một mạng lưới đường ống dẫn dày đặc khắp châu Âu.

          Khủng hoảng Ukraina vốn có liên quan trực tiếp đến sự phụ thuộc dầu khí của châu Âu vào Nga. Trước năm 2014, việc cung cấp dầu khí từ Nga vào châu Âu được vận chuyển chủ yếu qua trung gian Ukraina. Tham vọng của Mỹ và NATO rất rõ ràng, họ muốn chấm dứt kỉ nguyên phụ thuộc của các nước EU vào Nga. Liên minh châu Âu vẫn hoàn toàn bị động trong việc tìm kiếm sự thay thế, điều đó khiến họ khó có thể ngăn cản dự án "Dòng chảy phương Bắc 1 và 2" và "Dòng chảy phương Nam" (Dòng chảy phương Nam sau đó được thay bởi "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ") của Nga để thay thế con đường trung gian qua Ukraina. Bên cạnh việc triển khai các tuyến đường dầu khí mới, Nga còn tăng cường vai trò kiểm soát của mình tại khu vực Trung Đông khi cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kì, bảo vệ được Syria và gia tăng ảnh hưởng tại các quốc gia lân cận. Nga đã chứng tỏ mình hoàn toàn chủ động trong cuộc đối đầu địa chính trị với phương Tây. Trong thập kỉ qua, tỉ trọng nhập khẩu dầu khí của châu Âu từ Nga cũng như các nguồn cung mà Nga kiểm soát luôn chiếm trên 30%. Thậm chí riêng với khí đốt, chỉ riêng Nga ngày nay đã cung cấp hơn 38% tổng nhu cầu của EU, những con số này liên tục được duy trì bất chấp các căng thẳng chính trị.

          Dầu mỏ và khí đốt vốn không phải nguồn tài nguyên vô hạn, nhiều nghiên cứu cho rằng nó chỉ đáp ứng được nhu cầu của toàn cầu trong nửa thế kỉ tới. Tuy vậy, khi chưa có lối đi nào khả dĩ hơn, châu Âu hiện tại buộc phải đảm bảo được nguồn cung cấp hai loại tài nguyên này. Vấn đề là Nga đang tỏ ra rất chủ động trong cuộc chơi năng lượng, họ không những đã hoàn thành hai con đường dầu khí "né" Ukraina theo những cách bất ngờ cho toàn bộ phương Tây, vừa kiểm soát được con đường vận chuyển năng lượng từ lục địa Á-Phi bằng sự hiện diện trực tiếp của mình tại Trung Cận Đông. Điều đó tác động ngược trở lại giúp dầu khí Nga gần như không có đối thủ cạnh tranh lớn về mọi mặt: từ chất lượng, giá cả cho tới tính ổn định, liên tục cho thị trường EU. Đó là cơ sở vững chắc cho sự phụ thuộc dài hạn của Liên minh châu Âu.

Tương lai quan hệ Nga - EU

          Tương lai quan hệ Nga - EU vẫn là một bộ phận nằm trong tổng thể quan hệ Nga - Phương Tây. Do đó thăng trầm trong quan hệ Nga - EU sẽ phụ thuộc rất lớn vào chuyển biến trong cuộc đối đầu Đông Tây. Điều quan trọng nằm ở việc nhận thức cũng như cách tiếp cận của hai bên về nhau sẽ ít có sự thay đổi. Thêm vào đó, trong tương lai gần, chưa có nhiều nhân tố mới xuất hiện tạo ra sự thay đổi bất ngờ, tuy nhiên sẽ dần có sự thay đổi của các nhân tố cũ, tạo ra những thời cơ và thách thức mới cho Nga và EU.

          Đặc biệt, yếu tố Trung Quốc sẽ ngày càng hiện hữu rõ nét hơn, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến quan hệ Đông - Tây. Buộc NATO phải chuyển mình, có những đối sách mới nhằm kiềm chế Trung Quốc. Điều đó có thể khiến quá trình NATO hóa Đông Âu trở nên phức tạp hơn, nhiều toan tính hơn. Không những tác động đến NATO và EU, cách tiếp cận của Trung Quốc ở từng giai đoạn cụ thể có thể khiến Nga mới là phía chủ động điều chỉnh chứ không nhất thiết là EU. Bởi lẽ, tuy quan hệ Nga - Trung Quốc hiện nay tương đối tốt đẹp, nhưng quá khứ đã cho ra bài học kinh nghiệm rằng đây không phải là mối quan hệ bền vững. Bản thân người Trung Quốc cũng có câu nói "một núi không thể có hai hổ", khi Trung Quốc đủ mạnh, việc chung sống hòa thuận tốt đẹp với Nga sẽ phải xem xét lại. Đó cũng là lúc người Trung Quốc sẽ quay lại quan điểm đối ngoại "viễn giao cận công" từng có trong lịch sử của mình. Người Nga tất nhiên hiểu điều đó. Do vậy, cả EU và Nga đều có lí do để duy trì mối quan hệ song phương của mình, có thể có va chạm lợi ích, nhưng sẽ không để nó đổ vỡ.

          Tiếp theo, Brexit có thể là "một tấm gương tiêu cực" cho EU và ở tương lai hoàn toàn có thể có một cuộc chia ly tiếp theo. Khả năng này có thể xảy ra khi "thế giới kinh tế phương Tây" diễn biến xấu đi và cần những biến cố chính trị nhất định nhằm thay đổi tâm lý đầu cơ tài chính. Tuy vậy, những biến cố này chỉ có thể tác động đến quan hệ Nga - EU khi người rời khỏi EU kế tiếp là một trong những quốc gia quan trọng như Đức, Pháp hoặc Ý. Bởi Nga thường coi trọng những đối tác lớn như vậy trong khối EU hơn là phải mất quá nhiều công sức cho toàn bộ thành viên Liên minh châu Âu. Nói như vậy để thấy những nhân tố quen thuộc chắc chắn sẽ có những chuyển biến và hoàn toàn có thể làm quan hệ Nga - EU phải điều chỉnh theo cho phù hợp. Nhưng theo chiều hướng nào thì còn phải xét trên từng giai đoạn cụ thể trong tương lai.

Trên thực tế, các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu đang tỏ ra vô cùng có ích cho việc phát triển các quan hệ song phương của thành viên. Bản thân Nga và EU cũng rất tích cực trong việc tìm kiếm các cơ chế hợp tác mới, không chỉ nhằm mở rộng hợp tác, mở rộng thị trường, các quốc gia, tổ chức còn muốn lôi kéo thêm càng nhiều đối tác về phía mình càng tốt. Có thể nói đến kênh hợp tác đa phương như Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu nơi mà cả Nga và Liên minh châu Âu đều là thành viên. Các cơ chế đối ngoại song phương và đa phương sẽ giúp tạo điều kiện cho hai phía tăng cường đối thoại, có thêm nhiều kinh nghiệm tham khảo từ các quốc gia, tổ chức khu vực bên ngoài từ đó áp dụng vào thực tiễn quan hệ Nga - EU.

Dù sao, là láng giềng lớn nhất của nhau, sự phụ thuộc vào nhau trên nhiều lĩnh vực tương ứng với từng giai đoạn lịch sử cụ thể là điều hoàn toàn bình thường. Trên hết, đó là việc tập trung mọi điều kiện thuận lợi để vươn lên, tránh tụt hậu so với các đại cường mới của thế giới và từng bước giảm đi sự lệ thuộc ý chí chính trị từ bên ngoài. Những khó khăn của thời cuộc hoàn toàn có thể thúc đẩy quá trình "bình thường mới" trong quan hệ Nga - EU, bất chấp việc điều này khó có thể bền vững. Trong trường hợp, một trật tự thế giới mới mà ở đó Mỹ - Trung - Nga thiết lập một bộ khung "tam đại cường" làm cơ sở cho hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu, thì EU sẽ trở thành một khối đứng giữa và sẽ càng làm họ khó có thể lựa chọn việc ngả hẳn về bên nào. Do đó, dù đi theo con đường nào, quan hệ Nga - EU trong tương lai vẫn sẽ duy trì "biên độ dao động ổn định", gần xa luân chuyển./.

Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Cạnh tranh trên thị trường công nghệ hạt nhân dân sự: Cửa nào để Mỹ vượt Nga?

Gần đây, Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng cần phải chấm dứt sự phụ thuộc vào việc làm giàu Uranium ở nước ngoài, cùng với đó phải thâm nhập vào các thị trường, nơi các tập đoàn nhà nước Nga đang kiểm soát. Điều này cho thấy, ngoài việc Mỹ đang có cảm giác bất an khi đang ngày càng phụ thuộc nước ngoài trong việc làm giàu Uranium mà còn đang ấp ủ một tham vọng trở lại cuộc cạnh tranh với Nga, nhằm chiếm lấy vị trí số một thế giới của họ trên thị trường công nghệ hạt nhân.
Nhu cầu và năng lực làm giàu Uranium của Mỹ hiện nay
Năm 2019, Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng của Mỹ công bố lượng điện tiêu thụ của nước này đạt 4,2 ngàn tỉ Kilowatt giờ, đứng thứ hai trên thế giới. Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã dự báo nhu cầu điện của nước này sẽ tăng khoảng 24% vào năm 2035. Trong đó, Mỹ vẫn sẽ duy trì tỉ trọng điện hạt nhân ở mức 20%. Điều này đòi hỏi cần tăng công suất của các nhà máy điện hiện có hoặc phải có thêm các nhà máy phát điện khác (hiện nay, trên toàn nước Mỹ có 96 lò phản ứng đang hoạt động tại 58 nhà máy điện hạt nhân với tuổi thọ trung bình của các lò đạt 38 tuổi). Đồng nghĩa với việc, nhu cầu sử dụng Uranium đã làm giàu ngày một tăng lên tương ứng.
Tuy nhiên, sản lượng Uranium khai thác tại Mỹ đã suy giảm nhanh chóng, xuống thấp kỉ lục vào năm 2019 và tiếp tục giảm mạnh đầu năm 2020. Bên cạnh đó, cơ sở làm giàu Uranium duy nhất tại Mỹ hiện nay là cơ sở của Urenco tại Eunice, New Mexico với khả năng làm giàu chỉ đạt 4,9 triệu SWU/năm, thấp hơn rất nhiều so với Nga và các cường quốc hạt nhân khác.
Rõ ràng, với khả năng làm giàu còn hạn chế như vậy, Mỹ không thể tự đáp ứng được cho các nhà máy điện hạt nhân trong nước - một quốc gia vốn sản xuất điện hạt nhân nhiều nhất thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc, Mỹ từ lâu đã trở thành quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp Uranium làm giàu từ nước ngoài. Trong đó, nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ lại là Nga thông qua Techsnabexport (thuộc Rosatom).
Sự suy giảm nghiêm trọng của các cơ sở làm giàu Uranium của Mỹ trong những thập niên qua, cùng với việc phụ thuộc ngày càng nhiều vào nước ngoài mà đặc biệt là Nga đã khiến Bộ Năng lượng Mỹ cùng nhiều chính trị gia của họ cảm thấy bất an. Họ cho rằng điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Vị trí của Nga trên bản đồ năng lượng hạt nhân toàn cầu
Nước Nga dưới kỷ nguyên của Tổng thống Putin thực sự đã lấy lại được vị thế của một siêu cường năng lượng, không chỉ đối với dầu khí, mà họ cũng là thế lực số một toàn cầu về năng lượng hạt nhân. Rosatom trở thành thế lực lớn nhất của Nga về năng lượng hạt nhân trên toàn cầu. Tập đoàn này hiện kiểm soát tới 2/3 thị trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Thống kê của Rosatom cho biết đang có 36 tổ máy phát điện ở 12 quốc gia trên thế giới đang được họ thực hiện ở các giai đoạn khác nhau. Không những vậy, Nga cũng là nhà cung cấp Uranium đã làm giàu lớn nhất thế giới cho các lò phản ứng hạt nhân tại các quốc gia với tỉ trọng đạt gần một nửa
Cũng cần nói thêm rằng, các lò phản ứng hạt nhân cần phải sử dụng nhiên liệu làm giàu U-235 ở mức phù hợp để hoạt động (thông thường ở mức khoảng 3-5%). Nga có năng lực vượt trội so với các cường quốc hạt nhân khác nguyên nhân nằm ở công nghệ làm giàu Uranium hiện đại của họ.
Điều quan trọng quyết định đến hiệu quả làm giàu Uranium nằm ở phương pháp và công nghệ tương ứng của các quốc gia. Trong đó, phương pháp phổ biến nhất, hiệu quả nhất hiện nay là sử dụng các máy ly tâm. Phương pháp này từng chiếm 100% hoạt động làm giàu trên thế giới năm 2015 và còn chiếm khoảng 93% công việc làm giàu Uranium tại năm 2020. Cơ sở của phương pháp nằm ở chỗ Uranium tự nhiên chỉ có 0,7 % U-235 là đồng vị trực tiếp duy trì các phản ứng, còn lại gần 99.3% đồng vị U-238 và một phần rất nhỏ đồng vị U-234. U-235 và U-238 giống nhau về hóa học nhưng khác biệt về vật lý mà dễ nhận biết nhất là khối lượng. Do đó, các máy ly tâm khí hiện nay có thể tách các đồng vị có tỷ khối khác nhau, nhằm cho ra Uranium có hàm lượng U-235 cao hơn. Nhờ sự vượt trội về công nghệ máy ly tâm của mình, Nga đã nắm trong tay lợi thế vô cùng lớn trên thị trường cung ứng Uranium làm giàu cho thế giới.
Liệu Mỹ có thể "vĩ đại trở lại" trên lĩnh vực năng lượng hạt nhân và thay thế vị trí dẫn đầu của Nga?
Trong bối cảnh hiện này, đây là một tham vọng không hề dễ dàng thực hiện. Mặc dù cả Mỹ và Nga đều được coi là các siêu cường hạt nhân đương đại. Nhưng theo tác giả Trương Văn Khánh thuộc Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử quốc gia (Việt Nam), Nga là quốc gia duy nhất hội tụ được ba yếu tố gồm: Có trình độ khoa học công nghệ cao, phát triển công nghệ bài bản với thiết kế điện hạt nhân tốt, tiên tiến, an toàn, có năng lực về chế tạo các hệ thống thiết bị của nhà máy điện hạt nhân; Có năng lực xây dựng và quản lý dự án điện hạt nhân tốt; Có uy tín và độ tin cậy đối với quốc gia nhập khẩu công nghệ điện hạt nhân. Điều đó giúp Nga có lợi thế hơn hẳn so với Mỹ về uy tín quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân.
Mặt khác, các cơ sở hạt nhân của Mỹ đã chịu một sức ì rất lớn từ hàng thập kỉ qua. Sản lượng Uranium khai thác của họ ngày một giảm mạnh. Cùng với đó, Mỹ chỉ còn duy nhất một cơ sở làm giàu Uranium thương mại của Urenco. Cơ sở này hiện còn sử dụng công nghệ máy ly tâm thế hệ 6 từ châu Âu. Trong khi vào năm 2015, Nga đã là quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu thử nghiệm máy ly tâm thế hệ thứ 10 để làm giàu Uranium. Có thể nói, Mỹ đang đi chậm hơn so với Nga tới 30 năm về công nghệ.
Sự tụt hậu về công nghệ làm giàu Uranium không phải là nguyên nhân duy nhất. Sự khó khăn của Mỹ trong việc thu hút các hợp đồng xây dựng lò phản ứng phục vụ phát điện tại nước ngoài cũng là một rào cản lớn cho tham vọng của họ. Như đã nói, Rosatom hiện đang kiểm soát tới 2/3 thị trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, từ khâu hợp tác nghiên cứu, đến xây dựng, quản lý và các dịch vụ vận hành khác.
Người Nga đang là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển các lò phản ứng thế hệ mới (thế hệ IV) và là nước có nhiều kinh nghiệm vận hành lò phản ứng thế hệ III+ nhất thế giới. Trong khi đó, trong chính sách phát triển năng lượng hạt nhân của mình, Mỹ có kế hoạch nghiên cứu lò phản ứng thế hệ mới với năm loại, trong đó ưu tiên phát triển lò phản ứng nhiệt độ rất cao - VHTR (Very High Temperature Reactor). Theo dự kiến ban đầu, lò VHTR sẽ được thử nghiệm từ năm 2015. Thế nhưng cho đến nay, kế hoạch này đã được lùi lại vào năm 2025, tất cả vẫn còn đang ở trên giấy.
Hơn thế nữa, đối thủ của Mỹ trong cuộc đua tranh thị phần toàn cầu không chỉ có Nga, mà Mỹ còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc hạt nhân khác đặc biệt là Trung Quốc. Sự du nhập công nghệ của Nga, Mỹ, châu Âu tại Trung Quốc đang tạo cho quốc gia này một nền tảng khoa học tương đối phong phú. Cả Trung Quốc và một số cường quốc châu Âu hiện cũng đang có năng lực làm giàu Uranium lớn hơn nhiều so với Mỹ. Ngoài họ, thế giới cũng đã xuất hiện nhóm các quốc gia mới giàu tiềm năng, đã có năng lực xuất khẩu dịch vụ hạt nhân dân sự.
Điều duy nhất Mỹ có thể làm được là dùng sức ép chính trị để buộc các quốc gia khác phải sử dụng dịch vụ hạt nhân của mình. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là cách có thể sử dụng được lâu dài. Một trật tự thế giới mới với sức ảnh hưởng ngày một lớn của Nga và Trung Quốc cùng sự phát triển nhanh chóng của các cường quốc còn lại sẽ khiến Mỹ khó có thể sử dụng chiêu bài này trong tương lai.
Như vậy, giống như "Make America Great Again", tham vọng vượt mặt Nga trên thị trường công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ có nét tương đồng với một câu khẩu hiệu đơn thuần, rất khó có thể được hiện thực trong tương lai. Không có sự phát triển đột biến về công nghệ; kiểm soát ổn định các nguồn cung cấp tài nguyên Uranium và tiếp tục duy trì ảnh hưởng quốc tế của mình, Mỹ sẽ không có cơ hội nào có thể hiện thực hóa khẩu hiệu đó./.
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học lịch sử

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Quan điểm đối ngoại của Việt Nam trong thế kỉ XXI

Sau 25 năm thống nhất đất nước và sau 10 năm chính thức giải quyết được các va chạm, xung đột vũ trang tại khu vực biên giới; nối lại và thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ với các quốc gia trên thế giới, công cuộc phát triển đất nước toàn diện về mọi mặt đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều đó đã góp phần đưa Việt Nam bước vào thế kỉ XXI với một tư thế mới. Và dĩ nhiên, để đồng hành với tư thế đó, Việt Nam cũng cần một cách tiếp cận quốc tế mới hoàn thiện hơn cho thế kỉ XXI, mà những bước đi cụ thể hóa đầu tiên bắt đầu được xây dựng từ Đại hội IX.
1. Cơ sở cho quan điểm đối ngoại mới của Việt Nam
Tất nhiên, quan điểm đối ngoại đổi mới của Việt Nam trong thế kỉ XXI phải được xây dựng dựa trên nền tảng của kinh nghiệm đối ngoại từ lịch sử, mà được thể hiện ở hai vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, truyền thống đối ngoại của dân tộc được tổng quát thành ở các điểm chính: Một là, truyền thống bang giao hòa hiếu, hợp tác, chung sống hòa bình, bình đẳng là xu hướng chủ đạo trong dòng chảy lịch sử của dân tộc; Hai là, truyền ngoại giao tâm công thể hiện tính chính nghĩa, nhân văn của đất nước trước những thách thức của lịch sử; Ba là, hoạt động đối ngoại của Việt Nam luôn kiên định về nguyên tắc chiến lược, nhưng mềm mỏng, linh hoạt về các sách lược theo quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến”; Bốn là, biết giành thắng lợi từng phần trong công tác đối ngoại, không nóng vội, chủ quan.
Thứ hai, tiếp tục phát triển dựa trên định hướng đối ngoại vốn có của Đảng kể từ bắt đầu công cuộc Đổi mới tại Đại hội VI. Từ năm 1986 đến nay, đường lối đối ngoại của Việt Nam hướng đến việc đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, tích cực mở rộng và tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ không kể sự khác biệt về chính trị.
Ngoài ra, những thành tựu của quá trình phát triển kinh tế xã hội ở trong nước và biến động mới của tình hình thế giới cũng là một cơ sở quan trọng. Với vị thế của một quốc gia đang phát triển, có nhiều tiềm năng những chưa mạnh, cách tiếp cận với thế giới của Việt Nam tất nhiên sẽ không giống với cách mà các cường quốc thực hiện. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam hiển nhiên sẽ hướng đến việc tận dụng mọi cơ hội để phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc tế của mình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra Trung tâm báo chí và công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Ảnh: Công Đạt - TTXVN
2. Quan điểm đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỉ XXI
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện đặc biệt quan trọng, nơi các vấn đề lý luận cốt yếu của đất nước trong thế kỉ XXI, trong đó có quan điểm về đối ngoại được đưa ra thảo luận và quyết định.
Đại hội IX xác định: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[1]. Đây là một bước tiến lớn so với tinh thần đối ngoại từ Đại hội XIII (năm 1996) khi ta xác định “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[2]. Điều đó thể hiện quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thế kỉ XXI đứng trên tư thế chủ động, bình đẳng với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI, quan điểm ngoại giao Việt Nam có nhiều điểm mới trong đó nổi bật lên "hai tinh thần" cơ bản nhất, quyết định đến công tác đối ngoại trên mọi lĩnh vực:
2.1. Quan điểm "đối tác - đối tượng": phương pháp tiếp cận biện chứng của Việt Nam cho thế kỉ XXI
Điều nói lên sự hoàn thiện của đường lối đối ngoại của Việt Nam phải kể tới Hội nghị Trung ương Tám khóa IX năm 2003. Tại Hội nghị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết nhấn mạnh đến quan điểm biện chứng về “đối tác - đối tượng” trong cách tiếp cận quốc tế. Quan điểm này trở thành phương pháp tiếp cận xuyên suốt cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Cụ thể, Nghị quyết xác định:
“Những ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta; bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa đều là đối tượng đấu tranh. Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh hướng mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể”[3].
Quan điểm đối tác - đối tượng tiếp tục được hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương Tám khóa XI (năm 2013) với nội dung như sau:
"Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh"[4].
Năm 2003, Việt Nam xác định chỉ có một số đối tác nhưng đến năm 2013, ta đã xác định lại là mỗi đối tác, điều đó cho thấy quan điểm đối tác đối tượng của Việt Nam hiện nay là không có vùng cấm, không có quốc gia nào nằm ngoài cách tiếp cận này của Việt Nam. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức khu vực, quốc tế...đều có hai mặt tác động tích cực và gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng của Việt Nam. Do đó, quan điểm đặt ra ranh giới rõ ràng bạn và thù của nước ta từ thế kỉ XX không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, quan điểm "đối tác - đối tượng" giúp hoạt động tiếp cận quốc tế của Việt Nam trở nên đa dạng, linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam sa vào chủ nghĩa thực dụng. Cần phân biệt quan điểm đối ngoại linh hoạt "đối tác - đối tượng" của Việt Nam với chính sách "ngoại giao cây sậy" hay "ngoại giao cây tre" hoặc các định nghĩa tương tự của một số quốc gia ví dụ như Thái Lan. Chính sách đó được hiểu là "gió chiều nào theo chiều đó", lúc bên này, lúc lại có thể thay đổi hoàn toàn theo bên khác.
Còn quan điểm "đối tác - đối tượng" của Việt Nam được thực hiện một cách đồng thời, vừa hợp tác vừa đấu tranh, không có chuyện đấu tranh thì ngừng hợp tác, hay hợp tác thì chủ quan, quên đi vấn đề đấu tranh. Do đó, các quan điểm cho rằng Việt Nam thực hiện chính sách "ngoại giao đu dây" là không có cơ sở, đi ngược lại quan điểm biện chứng của Việt Nam.
2.2. Đa dạng hóa, đa phương hóa nhưng có trọng tâm, trọng điểm
Để hiểu đúng quan điểm đối ngoại hiện nay của Việt Nam, ngoài việc dựa trên quan điểm đối tác đối tượng, cần nhìn lại quan điểm hội nhập quốc tế trên từng lĩnh vực cụ thể. Việt Nam đặc biệt chú ý tới việc phân chia thứ tự ưu tiên hợp tác. Đó là việc coi trọng "diện" nhưng không bỏ quên "điểm"[5]. Đây không phải là đặc điểm riêng có trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, mà là đặc điểm chung của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Trong định hướng đối ngoại của bất kì quốc gia nào cũng có sự sắp xếp thứ tự ưu tiên rõ ràng. Do vậy, từ quan hệ tổng quát cho đến hợp tác trong từng vấn đề, Việt Nam cũng phải xác định rõ đâu là đối tác cần ưu tiên hợp tác, đâu là đối tượng phải tập trung đấu tranh, không thể áp dụng quan điểm "đối tác - đối tượng" một cách cứng nhắc.
Hiện nay, cách tiếp cận với từng quốc gia, vùng lãnh thổ của Việt Nam là không giống nhau. Trên cơ sở lịch sử, truyền thống cũng như lòng tin quốc tế, Việt Nam thiết lập các mối quan hệ quốc tế ở các mức độ khác nhau, thể hiện rõ nhất ở việc xác định các cấp độ: đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt tin cậy, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác... Muốn biết được mức độ tin cậy trong từng mối quan hệ cần phải xem xét từ cơ sở lịch sử, cũng như từng diễn biến cụ thể trong quá trình tương tác giữa hai bên.
Kết luận
Chính sách đối ngoại linh hoạt của Việt Nam trong thế kỉ XXI đã có những bước tiến rất lớn cho với giai đoạn cuối thế kỉ XX. Quan điểm đối ngoại đổi mới này không chỉ phù hợp với truyền thống vốn có cũng như tình hình thực tế của đất nước mà còn phù hợp với xu thế chung của toàn cầu, đảm bảo được công cuộc bảo vệ lợi ích chính đáng của nước ta nhưng cũng không ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đảm bảo việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia thân thiện truyền thống và tăng cường mối quan hệ bình đẳng với các quốc gia khác bất kể sự khác biệt về chính trị và lợi ích.
Tuy nhiên, cần cảnh giác với quan điểm cá nhân trong hoạt động đối ngoại của đất nước. Quan điểm đối ngoại như đã đề cập trong bài viết thể hiện đường lối chung của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong nhiều trường hợp thực tế vẫn có những hoạt động đối ngoại mang dấu ấn cá nhân đậm nét. Các điều chỉnh thực tế trong mỗi hoạt động đối ngoại đó cần được đánh giá đúng mức ở góc độ lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của dân tộc của nhân loại. Tránh tình trạng những sai lầm cá nhân về đối ngoại lại bị đem ra quy chụp thành sai lầm của đường lối chung. Trên thực tế, tình trạng lợi ích nhóm tiêu cực còn tồn tại hết sức phức tạp, có thể khiến một số hoạt động đối ngoại đi lệch hướng đường lối ban đầu. Do đó, người nghiên cứu cần cẩn thận trong việc đánh giá trách nhiệm, vai trò của cá nhân, tập thể trong từng hoạt động đối ngoại cụ thể.
Ngoài ra, việc hiểu rõ được quan điểm đối ngoại, cách thức hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ giúp người dân tránh sa vào quan điểm "bên trọng, bên khinh thái quá". Chúng ta không còn sống trong thời kì xung đột, chiến tranh mà ở đó giới tuyến bạn và thù được phân biệt một cách rõ ràng. Việc yêu thích đến mù quáng hay thù ghét một cách cực đoan đối với bất kì quốc gia, vùng lãnh thổ nào cũng đều dẫn đến những hệ lụy không hề tích cực. Kinh nghiệm đối ngoại của Việt Nam trong thế kỉ XXI ở cấp độ vi mô trong quan hệ giữa con người với con người vẫn có thể được áp dụng và chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tích cực nếu vận dụng phù hợp.
Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử

 ___________________

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 663.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), tài liệu đã dẫn, tr. 502.
[3] Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2003), Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 44
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 25-10-2013.
[5] Phạm Quang Minh (2012), Chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam 1986-2010, NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 158


Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Chiến tranh biên giới phía Bắc: Trận phục kích ở Nà Cáp (Cao Bằng)

Trận phục kích ở Nà Cáp (Cao Bằng) do Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công 45 của Bộ thực hiện, diễn ra ngày 10 tháng 3 năm 1979 đã đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu diệt nhiều sinh  lực, phá hủy nhiều vật chất chiến đấu của địch. Đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối cho các chiến sĩ của ta.
Sơ đồ mô phỏng cuộc tấn công của Trung Quốc ngày 17/2/1979, Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 18/2/1979
Nguồn: Cục Huấn luyện chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu (1991), Kinh nghiệm chiến đấu ở biên giới phía Bắc (đại đội - tiểu đoàn), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 90-97.
Số hóa: Chu Hoàng
_____________________________________
I- TÌNH HÌNH CHUNG
A – ĐỊA HÌNH
Nà Cáp (0827) là vùng rừng núi nhưng độ cao thấp nằm bên trục đường số 3 ngoại vi thị xã Cao Bằng khoảng 2km về phía tây bắc. Nơi phục kích ở độ cao 200m là đoạn đường đào nên có nhiều chỗ vách đường (ta-luy) tương đối cao có thể bố trí hỏa lực từ trên bắn xuống và khi chặn được đầu cuối đội hình, địch khó đối phó.
Xung quanh Nà Cáp có nhiều nhà dân xen kẽ với một số cơ quan tỉnh đóng như trường Đảng, Công ty cầu đường, trạm máy kéo, lâm nghiệp… Nhà ở tập trung từ km3 đến km4, trồng nhiều cây ăn quả tương đối kín đáo địch khó quan sát, bộ đội tiện triển khai đội hình, giấu quân được giữ bí mật.
Đường số  từ thị xã Cao Bằng chạy sát bờ nam sông Bằng Giang nối với đường 166 ở ngã ba Bản Lầy lên Hòa An, Hà Quảng về phía tây bắc, từ ngã ba về phía tây nam là đường 3B qua Khâu Đồn về Nguyên Bình và Bắc Kạn.
Đoạn đường này ở giữa hai nơi địch chiếm giữ Khâu Đồn và thị xã Cao Bằng nên buộc địch phải sử dụng, để vận chuyển, tiếp tế, cơ động lực lượng…, ta có điều kiện tổ chức phục kích.
Sông Bằng Giang ở bắc đường 3; từ bờ sông đến đường trên đoạn Nà Đuốc (0826) – ngã ba Gia Cung (0728) rộng khoảng 200m đủ chiều sâu để ta bố trí đội hình chiến đấu.
Dân trong khu vực đã sơ tán. Ở Nà Tòng (0626) còn 25 quân dân và hai cán bộ đoàn thanh niên ở lại bám trụ địa phương chiến đấu.
Khu vực Nà Cáp (Cao Bằng) hiện nay
Tóm lại địa hình từ Nà Đuốc đến ngã ba Giang Cung (dài khoảng 2km, rộng khoảng 200m) có thể phục kích được thuận lợi, trong đó đoạn từ Nà Cáp đến ngã ba Gia Cung (dài khoảng 1km) tương đối bất ngờ hơn cả vì gần đường và chỉ cách thị xã khoảng 1,5km nên địch chủ quan song cần phải hết sức giữ bí mật khi chiếm lĩnh trận địa, giấu quân chờ địch và có biện pháp chặn địch tiếp viện.
B- TÌNH HÌNH ĐỊCH
Cuối tháng 2 năm 1979: sau khi đánh chiếm được Khâu Đồn (0723) (cách thị xã khoảng 7km về phía tây) và thị xã Cao Bằng, địch bị tiêu hao lực lượng phải dừng lại củng cố đồng thời đưa thê đội 2 vào để phát triển về phía đông và đông bắc đánh chiếm Trùng Khánh, Quảng Hòa, Trà Lĩnh.
Hàn ngày địch vẫn dùng xe vận tải chở quân, để tiếp tế từ phía biên giới theo đường 166 vào Cao Bằng và đồ vơ vét của ta chở về Trung Quốc. Xe đi theo đoàn từ 30-40 chiếc, có xe cảnh giới, tuần tiễu đi trước, mỗi xe cách nhau khoảng 50-70m, tốc độ không lớn vì đường ngoằn ngoèo, không tổ chức chốt đường, chưa bị đánh nên rất chủ quan ít đề phòng.
Khi bị phục kích có khả năng địch từ thị xã ra tăng viện theo hai đường nam và bắc sông, từ Khâu Đồn tới ít khả năng hơn. Ngoài ra còn dùng pháo binh, súng cối bắn chặn đội hình ta khi lui quân.
C- TÌNH HÌNH TA
1- Tiểu đoàn 45 đặc công của Bộ biên chế, trang bị chưa đầy đủ, đã chiến đấu một số trận đánh quân bành trướng tháng 2 năm 1979 đạt hiệu suất cao. Tiểu đoàn đang chuẩn bị đánh địch ở thị xã Cao Bằng, Nguyên Bình và trên trục đường 3B (Cao Bằng - Nguyên Bình).
Ngày 8 tháng 3 năm 1979: tiểu đoàn được giao nhiệm vụ đến Bản Sắng (0124) cách Nà Cáp khoảng 8km về phía tây nam, bắt liên lạc với dân quân, nắm tình hình tổ chức đánh địch trên đường 3 từ Khâu Đồn về thị xã Cao Bằng.
Ngày 9 tháng 3 năm 1979: Sau khi nhận nhiệm vụ, tiểu đoàn tiến hành cho bộ đội chuẩn bị ở vị trí tập kết còn cán bộ đi nghiên cứu địa hình gồm tiểu đoàn trưởng, hai đại đội trưởng (đại đội 1 và 3), mười chiến sĩ bảo vệ, thông tin. Chính trị viên tiểu đoàn ở lại đôn đốc chuẩn bị và sẵn sàng chỉ huy đơn vị cơ động.
12.00: Bộ binh đi trinh sát đến Nà Tòng, bắt liên lạc với dân quân nắm tình hình mọi mặt đặc biệt, quy luật đi lại trên đường của địch.
17.00: Lợi dụng trên đường không có địch, căn cứ vào dự kiến ý định chiến đấu, bộ phận trinh sát xuống đường nghiên cứu, xác định cụ thể ý định và kế hoạch chiến đấu đồng thời giao nhiệm vụ cho đại đội 3 (thiếu một trung đội) thực hiện trận đánh.
19.00: Bộ phận trinh sát về Nà Tòng; tiểu đoàn trưởng điện cho đơn vị hành quân từ Bản Sắng đến Nà Tòng (khoảng 6km).
2- Đại đội 3 (thiếu một trung đội) được giao nhiệm vụ:
Phục kích tiêu diệt địch cơ động trên đường số 3, đoạn từ km 3 (07261 – tây ngã ba Gia Cung) đến km 4 (07272 – đông Nà Cáp). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cơ động về Bản Sắng nhận nhiệm vụ chiến đấu tiếp. Khi chiến đấu được hỏa lực của một trung đội cối 82mm của tiểu đoàn (bố trí ở điểm cao 313) bắn kiềm chế địch ở đồi Thiên Văn (06283) phía tây thị xã.
3- Ý định phục kích của đại đội trưởng
- Trận địa phục kích:
Từ tây ngã ba Gia Cung đến trạm máy kéo (08264) dài khoảng 1000m đánh xe và bộ binh địch cơ động trên đường 3 từ hướng Khâu Đồn về Cao Bằng (là chủ yếu) hoặc ngược lại. Đoạn phục kích chủ yếu từ đông Công ty cầu đường (07273) đến tây trạm Lâm nghiệp (khoảng 700m). Chặn đầu ở ngã ba Gia Cung; khóa đuôi ở đông trạm máy kéo.
- Phương pháp tiêu diệt địch:
Phục kích gần đường; đồng loạt nổ súng, khóa chặt đầu đuôi tiêu diệt xe và bộ binh đi cùng; khi xung phong dùng lựu đạn, thủ pháo đánh gần, thực hành chia cắt tiêu diệt từng bộ phận và toàn bộ quân địch.
Sẵn sàng ngăn chặn và đánh trả địch ứng cứu từ hai phía vào trận địa.
- Tổ chức hỏa lực tiêu diệt địch:
Hỏa lực B.40, B.41 diệt xe đầu và xe cuối chặn đứng đội hình địch đồng thời diệt các xe khác bên trong trận địa, theo sát bộ binh chi viện kịp thời (đánh địch co cụm hoặc tới ứng cứu…).
Hỏa lực trung liên và AK tiêu diệt bộ binh theo xe, chi viện bộ binh ta xung phong ra mặt đường và chi viện kịp thời trong quá trình chiến đấu.
Hỏa lực cối 82mm của tiểu đoàn: khi bộ binh nổ súng tiến công, kiềm chế mục tiêu bên ngoài trận địa (phía thị xã Cao Bằng) theo quy định của tiểu đoàn. Sẵn sàng bắn chặn địch ứng cứu chi viện cho bộ binh diệt địch bên trong trận địa.
- Đội hình chiến đấu, sử dụng lực lượng:
Bộ phận chặn đầu: Một tiểu đội do một phó trung đội trưởng chỉ huy, bố trí ở bắc đường số 3 (cách đường khoảng 10-15m).
Bộ phận khóa đuôi: một tiểu đột do một phó trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy, bố trí ở nam và bắc đường số 3.
Bộ phận chủ yếu: bốn tiểu đội do đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy bố trí ở bắc đường số 3.
Bộ phận đối diện: Không tổ chức riêng mà do tổ bố trí phía nam đường của tiểu đội khóa đuôi phụ trách.
Chặn viện từ hai đầu tới do hai tiểu đội chặn đầu, khóa đuôi phụ trách.
Vị trí chỉ huy: đại đội trưởng ở phía đông trạm Lâm nghiệp.

II. DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
Ngày 10 tháng 3 năm 1979
A – DIỄN BIẾN
1 – Chiếm lĩnh trận địa
Từ 03.00 – 04.30: đại đội 3 cơ động từ Nà Tòng vào triển khai chiếm lĩnh trận địa thuận lợi, giữ được bí mật, an toàn. Sau khi vào vị trí, các bộ phận không đào công sự vì gần đường sợ lộ bí mật mà chỉ lợi dụng địa hình, địa vật làm vị trí bắn và ngụy trang kín đáo chờ địch.
Liên lạc giữa các bộ phận và với tiểu đoàn thông suốt (dùng vô tuyến điện phát tín hiệu theo quy ước).
2 – Nổ súng tiến công
- 07.15: một xe vận tải bịt kín mui từ Cao Bằng đi về hướng Khâu Đồn chạy qua trận địa không phát hiện được ta bố trí.
- 08.30: tám xe vận tải từ phía Khâu Đồn về Cao Bằng, trong đó có ba xe chở mỗi xe một khẩu 14,5mm và mười tên lính.
Ta không nổ súng vì lúc đó trời rất nhiều sương mù và vô tuyến điện phát nhầm mật hiệu. Số xe trên chạy thoát, ta vẫn giữ được bí mật.
- 08.50: Nghe nhiều tiếng động cơ từ hướng Khâu Đồn tới, ít phút sau có một xe tải chở 14 tên lính chạy vào, dừng lại kho của ta bên phía nam đường khuân đồ đạc. Sau đó 16 xe vận tải nữa đang tiến vào trận địa (mỗi xe cách nhau khoảng 60m), trong số đó có 10 xe chở đầy lính (khoảng trên 200 tên), hai xe chở hai dàn H.12, một xe thông tin và sáu xe chở đạn (tổng số 17 xe).
Sau khi báo cáo tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng ra lệnh các bộ phận giữ bí mật, sẵn sàng nổ súng.
- 08.55: Toàn bộ xe địch lọt vào trận địa, xe đầu đã tới gần ngã ba Gia Cung, đại đội trưởng phát lệnh tiến công.
Đồn chí Hưng ở bộ phận khóa đuôi dùng AK bắn một loạt chết tên lái xe sau cùng, xe đâm vào vệ đường, cùng lúc đó bộ phận chặn đầu và chủ yếu đồng loạt nổ súng áp đảo quân địch. Ngay từ loạt đạn đầu, B.40, B.41 bắn cháy một số xe trong đó có cả xe đi đầu đi cuối, đoàn xe ùn lại, số bộ binh sống sót nhảy từ trên xe xuống lúng túng tìm chỗ ẩn nấp, đội hình rối loạn không đối phó được.
Nắm thời cơ, đại đội trưởng ra lệnh dùng lựu đạn, thủ pháo và các loại hỏa lực khác từ trên cao bắn, ném xuống lòng đường, nhiều xe bốc cháy và nhiều lính bị chết, bị thương.
Cùng thời gian trên, trung đội súng cối 82mm bố trí ở 313 bắn 150 viên kiềm chế quân địch ở đồi Thiên Văn diệt được một số bộ binh.
- 09.25: Ta xung phong xuống đường phá hủy nốt số xe còn lại và tiêu diệt những tên còn chống cự. Sau 30 phút trận đánh kết thúc.
- 09.40: Đại đội 3 được lệnh nhanh chóng rời khỏi trận địa về Nà Tòng, sau đó về Nà Sắng an toàn.
B – KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU
- Địch: Bị diệt khoảng 300 tên (có kết quả do cối 82mm bắn vào đồi Thiên Văn).
Bị phá hủy: 17 xe vận tải, hai dàn H.12 và một số vũ khí bộ binh, khí tài thông tin, ba xe đạn.
- Ta: Bị thương hai đồng chí, thu một súng AK, tiêu thụ 17 viên đạn B.40, B.41.
320 thủ pháo và lựu đạn.
1.500 viên đạn K56.
150 quả đạn cối 82mm.

III – MỘT SỐ KINH NGHIỆM
1. Quá trình tiến công sâu vào đất ta đội hình địch càng xa hậu phương, nhu cầu bổ sung lực lượng, vật chất lớn nên nhất thiết quân địch phải tổ chức vận chuyển, tiếp tế…để đảm bảo cho lực lượng phía trước (quân tiến công và quân chốt giữ các trục đường…). Đó là thời cơ tốt cho ta sử dụng những phân đội, bộ phận chuyên trách của bộ binh, binh chủng phối hợp và dựa vào các làng, xã, căn cứ chiến đấu còn lại tổ chức những trận đánh ở phía sau bằng những phương pháp chiến đấu phù hợp (như phục kích, tập kích, phá giao thông…), gây cho địch tổn thất về sinh lực, phương tiện và suy yếu lực lượng, mất thế ổn định…tạo thời cơ đánh bại tiến công của chúng.
Khi cơ động địch tổ chức cảnh giới phía trước, hai bên sườn chu đáo, nhưng do địa hình rừng núi phức tạp không thể sục sạo rộng, không đủ lực lượng bảo vệ, chốt đường và khi chưa bị đánh, nơi gần căn cứ, sau khi đã sục sạo…thường xuất hiện tâm lý chủ quan ít đề phòng. Vì vậy ta có thể lợi dụng sơ hở tạo thời cơ tiêu diệt quân địch.
2. Nắm chắc thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, táo bạo nhưng phải có cơ sở chắc thắng. Tiểu đoàn 45 đã biết dựa vào lực lượng vũ trang tại chỗ còn bám trụ ở địa phương nắm chắc tình hình, quy luật hoạt động, hành quân, vận chuyển của địch, chọn trận địa phục kích, ở nơi bất ngờ nhất, xác định cách đánh, bố trí đội hình phù hợp, biết phát huy sở trường của bộ đội về kỹ năng đánh gần, ngụy trang giữ bí mật…, giành được thế chủ động, bất ngờ nên tuy sử dụng lực lượng ít hơn địch mà đạt hiệu suất chiến đấu cao.
3. Huấn luyện cán bộ và phân đội phải thiết thực cơ bản, vững chắc làm cơ sở vận dụng vào thực tế được linh hoạt. Trận phục kích ngày 10 tháng 3 năm 1979 từ lúc đi trinh sát đến lúc kết thúc tiến hành trong khoảng 22 giờ, bộ đội sẵn sàng chiến đấu cao, công tác tổ chức chiến đấu nhanh không bỏ lỡ thời cơ diệt địch; khi chiến đấu phân đội hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, thành thạo các hành động chiến đấu; cán bộ chỉ huy sâu sát linh hoạt, kịp thời…điều đó phản ánh kết quả của công tác huấn luyện có chất lượng.