Người theo dõi

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Cục diện thương mại biển tại khu vực Đông Á thế kỷ XVII - XVIII

 Chu Hoàng

Cục diện thương mại biển ở góc độ nào đó cũng tương tự như khái niệm cục diện khu vực trong quan hệ quốc tế hiện nay. Khái niệm “cục diện thương mại biển” không ám chỉ tính ổn định cao như đối với khái niệm “trật tự thương mại biển”. Trên thực tế, tình hình thương mại biển tại khu vực Đông Á nói chung trong hai thế kỉ XVII – XVIII không phải lúc nào cũng duy trì trạng thái ổn định, mà có những sự chuyển biến đáng chú ý. Sự xâm nhập và bành trướng của các công ty Đông Ấn đã dần khiến thương mại Nội Á suy yếu. Các yếu tố bản địa dần không thể cạnh tranh được với các thế lực thương mại đến từ châu Âu. Trong đó, hai thế kỉ XVII - XVIII cần đặc biệt quan tâm tới hai trường hợp Hà Lan và Anh.

Cục diện thương mại biển tại khu vực Đông Á trước thế kỉ XVII

Trong quá khứ, cục diện thương mại biển tại khu vực Châu Á được quyết định bằng các vương quốc thương mại nội Á lớn như Arập, Ấn Độ hay bản thân một số vương quốc thương mại ở Đông Á. Riêng tại Đông Á, Phù Nam từng là trung tâm thương mại liên khu vực, thịnh vượng bậc nhất. Tình hình này kéo dài cho đến khoảng thế kỷ VII, khi Phù Nam bắt đầu khủng hoảng và suy yếu. Trung tâm thương mại liên khu vực đã dịch chuyển về khu vực eo Melaka. Bên cạnh đó, có rất nhiều vương quốc, nhà nước có vị thế thương mại cao tại Đông Á nhưng nhóm này hoặc là không có vị trí thuận lợi, hoặc là các tiềm lực khác không đủ mạnh để tự mình kiểm soát những tuyến đường thương mại huyết mạch.

Ở Đông Á, Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt, phần lớn thời kỳ trung đại, họ tỏ ra thích thú với các tuyến đường giao thương trên bộ hơn là trên biển. Thậm chí, từ thời nhà Minh, hoạt động thương mại biển của Trung Quốc còn suy giảm nhanh chóng hơn với chính sách “Hải cấm”. Sự chiếm thế của Nho giáo cũng có tác động quan trọng khiến tư duy trọng nông, ức thương càng trở nên rõ rệt hơn ở Trung Quốc. Theo quan điểm của các Nho gia, nghề buôn bán có địa vị thấp hèn nhất trong kết cấu “sĩ - công - nông - thương”. Xét về góc độ chính trị, Trung Quốc có thể được coi là một nhân tố chi phối mạnh, nhưng về thương mại biển vai trò của Trung Quốc lại trở nên phức tạp hơn.

Kể từ thời Nhà Minh, bản thân Trung Quốc thời kỳ này lại mang nặng tư duy cao ngạo, coi trọng lục địa hơn biển, coi trọng nông nghiệp hơn buôn bán, giao tiếp thiếu bình đẳng, tự phong tỏa, không tiếp nhận luồng văn minh bên ngoài của các triều đình phong kiến Trung Hoa đã khiến họ đánh mất nhiều cơ hội lịch sử để tiến bộ và phát triển[1]. Nhưng các triều đại trước nhà Minh lại tỏ ra quan tâm đến thương mại biển. Nhưng chỉ dừng lại ở khu vực biển gần. Tính chất phức tạp về vai trò của Trung Quốc thể hiện ở việc, mỗi giai đoạn khác nhau, vị thế của Trung Quốc trong cục diện thương mại biển ở khu vực lại khác nhau. Trước thời Minh, rõ ràng Trung Quốc được xem như một thế lực có khả năng chi phối thương mại khu vực Đông Á. Nhưng đến thời Minh, Thanh, Trung Quốc lại không trực tiếp chi phối hệ thống thương mại biển tại khu vực Đông Á. Thay vào đó, việc đóng cửa thị trường rộng lớn này gián tiếp trở thành lí do đẩy các thế lực biển Á - Âu tập trung vào cuộc đua tranh giành thị trường khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.

Đối với các cường quốc biển ngoại lai, sự xâm nhập, chiếm lĩnh thương mại khu vực của các thương nhân của phương Tây vào Đông Á được thúc đẩy nhanh hơn trong thế kỉ XVI. Đáng chú ý có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là những cường quốc rất mạnh ở thời điểm đó. Các thương nhân Anh, Hà Lan trước thế kỉ XVII có tiếng nói rất hạn chế.

Nhìn chung, cục diện thương mại biển của khu vực Đông Á trước thế kỉ XVII vẫn do các trung tâm thương mại nội Á cùng hai cường quốc châu Âu là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chi phối.

Chuyển biến trong cục diện thương mại biển tại Đông Á trong hai thế kỉ XVII - XVIII

Sự xâm nhập và cạnh tranh gay gắt từ các đoàn thương nhân bên ngoài đã khiến các vương quốc thương mại biển ở Đông Á đã dần đi vào suy thoái và mất hẳn vị thế vốn có của mình như nhiều thế kỉ trước. Các trung tâm thương mại lớn của khu vực dần rơi vào tầm kiểm soát của các cường quốc bên ngoài.

Từ thế kỉ XVII, thế lực của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã yếu đi đáng kể. Các cường quốc mới của châu Âu vươn lên nhanh chóng dần thay thế hai thế lực cũ. Trong đó, Hà Lan đã làm được một điều mà các cường quốc cũ khi đó chưa thể làm được. Như tác giả William J.Bernstein nhận định rằng: “Đầu thế kỉ 17, mọi con đường đều dẫn tới Hà Lan. Quốc gia này đã thiết lập được hệ thống thương mại toàn cầu đúng nghĩa đầu tiên[2]. Thời kỳ này, một số học giả khác đã định danh là thời kỳ toàn cầu hóa mang màu sắc Hà Lan[3]. Với sức mạnh vượt trội của mình, VOC đòi độc quyền buôn bán ở phương Đông, và đã buộc các ông hoàng ở những xứ sở xa xôi mà họ điều đình phải bế quan tỏa cảng đối với các nước khác[4]. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản từng thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng nhưng vẫn mở một cánh cửa cho riêng Hà Lan.

Ở Châu Á nói riêng và Đông Á nói chung vào thế kỉ XVII, thế lực của Hà Lan đã lớn hơn tất cả các cường quốc châu Âu khác. Họ hầu như kiểm soát được phần lớn các tuyến thương mại chủ yếu Đông Á. Số lượng tàu và nhân lực của VOC luôn diện diện đông đảo vượt trội so các công ty Đông Ấn khác. Vào năm 1622, công ty Hà Lan chỉ huy tới 83 tàu tiến vào vùng biển châu Á, trong khi công ty Anh chỉ có 28[5]. Con số tàu và nhân lực được điều động trên thực tế của Hà Lan còn gấp hơn thế nhiều lần bởi tỉ lệ nhân lực tử vong trong quá trình “viễn chinh” rất cao ở thời kì này.

Đối với Anh, mặc dù vào năm 1660, nền thương mại của Anh không phát triển bằng Hà Lan, nhưng hải quân thì lại mạnh hơn, đặc biệt là về mặt tổ chức và hiệu quả[6]. Hơn nữa, người Anh đã tìm nhiều cách hỗ trợ cho các cư dân bản địa khắp các thuộc địa của Hà Lan chống lại cường quốc này. Điều này tuy làm gia tăng mâu thuẫn giữa Hà Lan và Anh, nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc bào mòn sức mạnh của các đoàn viễn chinh Hà Lan.

Phần lớn thời gian của thế kỉ XVII, Anh vẫn chưa thể vươn lên tầm của Hà Lan. Vị thế đi lên nhanh chóng về thương mại của Anh thực sự đến sau cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688, khi Thống đốc Tin lành người Hà Lan Willem III cùng người vợ dòng dõi hoàng gia Anh là Mary lật đổ vị vua Công giáo cuối cùng James II. Một năm sau, cuộc dàn xếp cách mạng năm 1689 đã tiếp tục đẩy nền kinh tế Anh tăng tốc, bản thân các nhà tài phiệt Hà Lan khi đó cũng cho rằng ngọn gió thương mại đã đổi chiều[7]. Từ thời điểm này, Hà Lan không còn là cường quốc thương mại số một thế giới nữa. Cuộc cạnh tranh Hà Lan - Anh tại khu vực Đông Á trong hai thế kỉ XVII - XVIII đã đi từ bất bình đẳng cho nước Anh đến bình đẳng hơn và rồi lại trở nên bất bình đẳng cho Hà Lan.

Cuối thế kỉ XVIII, sự phát triển không đồng đều giữa Anh và Hà Lan càng đẩy cao mâu thuẫn giữa hai cường quốc này. Hà Lan bắt đầu đuối sức trước sự phát triển nhanh chóng của Anh. Chiến tranh Anh - Hà Lan (1780 - 1784) đã khiến Hà Lan mất đi nhiều thuộc địa và cả quyền độc quyền thương mại ở Đông Á về tay đế quốc Anh.Sự cường thịnh của người Anh được thể hiện trong câu nói “Mặt trời không bao giờ lặn ở đế quốc Anh”, do việc lấy được thuộc địa từ tay các cường quốc cũ đã cho nước Anh một hệ thống thuộc địa trải dài từ Đông sang Tây. Cách mạng công nghiệp tại chính quốc càng thúc đẩy quá trình khai thác thuộc địa, mở rộng thị trường của đế quốc này. Tuy nhiên, nước Anh lại gặp khó khăn bởi chính sự bành trước thuộc địa quá rộng khắp của mình. Một mình đế quốc Anh không đủ khả năng giữ được tất cả. Trong khi đó, Pháp lại đang dần trở thành một đối thủ nhiều tiềm năng trong tương lai có thể đe dọa đến vị thế của Anh. Với nhận thức như vậy, đế quốc Anh đã lựa chọn việc chấp nhận trả lại thuộc địa, cho phép Hà Lan quay trở lại Đông Á.

Thập niên cuối thế kỉ XVIII, theo nhà nghiên cứu Anthony Reid là thời kỳ chấm dứt của kỷ nguyên thịnh vượng của thương mại Nội Á giữa các đế chế mang tầm thế giới ở Á Châu. Sau thời kỳ này, hầu hết các nhà nước châu Á đã mất chủ quyền về thương mại và các nguồn kinh tế[8]. Như vậy, cục diện thương mại biển khu vực Đông Á từ cuối thế kỉ XVIII đã dần loại bỏ vị thế của các nhân tố nội Á. Các nước Đông Á hay xa hơn là các thế lực thương mại lớn ở châu Á thời đó đã không còn khả năng cạnh tranh với các công ty Đông Ấn. Cho đến thời điểm này, gần như cục diện thương mại biển ở Đông Á đã hoàn toàn chịu sự chi phối của thế lực biển từ châu Âu, đặc biệt là Anh và Hà Lan. Trớ trêu thay, đây cũng là thời kỳ châu Á chuẩn bị bước vào giai đoạn khủng hoảng, suy thoái, dần biến thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây.

Tựu chung lại, chỉ trong 2 thế kỷ XVII - XVIII, cục diện thương mại biển tại khu vực Đông Á đã có 3 bước chuyển quan trọng. Chính bởi có những lần chuyển biến này khiến Đông Á không có một trật tự thương mại ổn định.

Bước chuyển thứ nhất, cục diện thương mại biển được chi phối bởi VOC cùng các nhân tố bản địa (hay các nhân tố nội Á). Tiềm lực của Hà Lan vượt trội hoàn toàn các cường quốc khác ở châu Âu, họ làm thông suốt con đường thương mại biển Á - Âu, tạo nên một hiện tượng toàn cầu hóa đậm dấu ấn của chính mình.

Bước chuyển thứ hai, sự phát triển không đồng đều giữa các cường quốc châu Âu đã đem đến cho Hà Lan những đối thủ tiềm ẩn mới mà trong đó, người Anh tỏ ra là những kẻ xuất sắc nhất. Những toan tính lâu dài của Anh đã giúp họ biến mình trở thành một đế chế vượt qua Hà Lan trong giai đoạn cuối thế kỉ XVII. Họ biết cách bào mòn sức mạnh biển của người Hà Lan và để rồi chấm dứt vị thế độc quyền thương mại của nước này trong thập niên 70 của thế kỉ XVIII. 

Ngay sau đó, bước chuyển thứ ba được người Anh chủ động đề ra để đưa Hà Lan trở lại cuộc đua thương mại Đông Á. Mục tiêu cơ bản vẫn nhằm để tránh những đối thủ mạnh hơn có cơ hội vượt qua Anh trong tương lai, cụ thể như Pháp. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn các nhân tố nội Á hoàn toàn bị lu mờ, không còn chi phối được cuộc chơi thương mại trên biển.

Điều đáng buồn là những chuyển biến mang tính vừa ngẫu nhiên vừa là tất yếu của cục diện thương mại biển tại Đông Á, đã khiến quá trình thuộc địa hóa khu vực Đông Á mang những dấu ấn hết sức riêng. Trong hoàn cảnh như vậy, các quốc gia phương Đông lại chìm đắm trong hủ bại, thiếu tầm nhìn trước những chuyển biến. Tất cả những điều đó đã bắt chúng ta phải gánh chịu một giai đoạn thuộc địa bi đát.



[1] Hà Anh Tuấn (chủ biên), Một số vấn đề về chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.51

[2] William J.Bernstein, Lịch sử giao thương: thương mại định hình thế giới như thế nào?, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr. 300

[3] Họ cho rằng toàn cầu hóa mang màu sắc Hà Lan là thời kỳ toàn cầu hóa đầu tiên của thế giới, tiếp đến là giai đoạn toàn cầu hóa mang màu sắc Anh từ cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX, giai đoạn toàn cầu hóa thứ 3 mang màu sắc Mỹ từ giữa thế kỉ XX đến nay và dự báo lần toàn cầu hóa thứ 4 mang màu sắc Trung Quốc từ nửa cuối thế kỉ XXI.

[4] Alfred Thayer Mahan, Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014, tr.149.

[5] William J.Bernstein, Lịch sử giao thương: thương mại định hình thế giới như thế nào?, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr. 304

[6] Alfred Thayer Mahan, Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014, tr.150.

[7] William J.Bernstein, Lịch sử giao thương: thương mại định hình thế giới như thế nào?, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.333-334.

[8] Dẫn theo: Nguyễn Mạnh Hùng, “Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVIII”, in trong: Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Kim (đồng chủ biên), Một số chuyên đề lịch sử thế giới (giáo trình - tập 3), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr. 229.