Người theo dõi

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

ĐỊNH HÌNH QUAN HỆ NGA - EU HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

 Mối quan hệ láng giềng đặc biệt giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang từng bước vượt qua được những đỉnh sóng mâu thuẫn kể từ sau khủng hoảng Ukraina. Mâu thuẫn vẫn tồn tại và sẽ khó có thể giải quyết trong tương lai gần. Tuy nhiên, cả hai phía đều hiểu rất rõ về tầm quan trọng của đối phương trong một trật tự đa cực mới. Đó sẽ là động lực cơ bản để Nga và EU duy trì tình trạng "bất ổn có kiếm soát".

Cách tiếp cận của Nga và EU trong quan hệ song phương

          Cả Nga và EU đều là láng giềng lớn nhất của nhau, nhưng điểm khác biệt nằm ở việc Nga đứng trên quan điểm của một quốc gia độc lập, đang dần tìm lại vị thế siêu cường đã từng có của mình. Còn EU đứng trên quan điểm của một tổ chức khu vực điển hình, tính thống nhất cao đã khiến nó trở thành một "siêu quốc gia". Do đó, sự khác biệt nằm ở việc EU muốn áp đặt mục tiêu chung của toàn bộ thành viên trong quan hệ với Nga. Nhưng ở phía ngược lại, Nga lựa chọn một cách tiếp cận rất khác, họ thích phân tách, sử dụng nhiều phương cách khác nhau trong mối quan hệ với từng thành viên EU hơn là đưa ra một chính sách chung chung với khối liên kết khu vực này. Đặc biệt, Nga thường coi trọng mối quan hệ với Đức, Pháp, Ý và Anh (trước Brexit) khi thảo luận về các vấn đề quốc tế bởi Kremlin không tin tưởng vào toàn bộ EU.

          Điểm khác biệt thứ hai nằm ở chỗ, Nga là một quốc gia độc lập có tính tự quyết cao, trong khi EU lại phải chịu sự ràng buộc, ảnh hưởng không nhỏ từ các hệ thống quốc tế khác, đặc biệt là NATO. Có thể nhận thấy rất rõ trong chính sách đối với Nga của EU những năm qua đã chịu ảnh hưởng đậm nét từ Mỹ thông qua NATO nhiều như thế nào. Việc tăng cường các biện pháp cấm vận Nga từ khủng hoảng Ukraina xuất phát từ áp lực của NATO nhiều hơn là từ ý chí tự thân của EU. Ở thời điểm hiện nay, cả Nga và EU đều đứng trước hai lựa chọn lớn. Với Liên minh châu Âu, họ nằm ở vị trí trung gian trong cuộc cạnh tranh gay gắt của hai trung tâm quyền lực lớn:: giữa một bên là Mỹ và một bên là một nước Nga đang lấy lại hình ảnh cường thịnh. Còn đối với Nga, tuy có được sự độc lập cao về ý chí chính trị, nhưng lại đang ở giữa hai sự lựa chọn, giữa một bên là thị trường kinh tế truyền thống ở châu Âu và một bên là thị trường kinh tế mới vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức như Trung Quốc. Trật tự đa cực mới của thế giới đang khiến cách tiếp cận của cả Nga và EU trong quan hệ song phương trở nên phức tạp, nhiều biến động bất ngờ.

          Ngoài ra, lịch sử quan hệ Nga - Châu Âu trong quá khứ cũng sẽ là một kinh nghiệm quan trọng cho cách ứng xử của hai bên. Không ít lần, Nga và phần còn lại của châu Âu đã lâm vào hoàn cảnh căng thẳng tột độ với những cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác nhau. Bản thân Nga và nhiều nước lớn ở châu Âu trong quá khứ vốn là các thế lực hùng mạnh của khu vực, các cuộc xung đột vũ trang từ hai phía đều để lại những hậu quả vô cùng to lớn. Do đó, chung sống hòa bình và hợp tác cùng phát triển sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn so với việc chấp nhận một sự áp đặt từ bên ngoài để lao vào những cuộc phiêu lưu quân sự không đáng có.

Thăng trầm quan hệ Nga – EU trong thập kỉ qua

          Sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, Nga và EU cùng nỗ lực tìm kiếm các cơ hội thúc đẩy hợp tác, phục hồi kinh tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ song phương được cải thiện và đi vào giai đoạn nồng ấm. Thêm vào đó, việc Nga gia nhập WTO năm 2012 đã càng mở ra nhiều điều kiện hội nhập sâu rộng với thị trường toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng. Về phía Nga, cũng không thể không nhắc đến vai trò cá nhân của Tổng thống Dmitri Medvedev. Vốn xuất thân là một lãnh đạo kinh tế nhiều kinh nghiệm, nhiệm kì của ông gắn liền với quá trình cải thiện quan hệ với phương Tây. Góp phần quan trọng cho mối quan hệ gần gũi Nga – EU kể từ sau Chiến tranh lạnh. Điều đó nhanh chóng được thể hiện qua các con số kinh tế. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt đỉnh 321,5 tỉ EUR vào năm 2012, giá trị lớn nhất cho đến ngày nay.

          Tuy nhiên, quá trình "đông tiến" của NATO đã khiến quan hệ chiến lược Nga - EU không duy trì đà thân thiện được quá lâu. Đông Âu vốn là vùng giao thoa quyền lực giữa Nga và NATO, nơi này vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn, gây cản trở quan hệ Đông - Tây. Một điểm nóng trong số đó đã bùng phát tại Ukraina từ cuối năm 2013, đầu năm 2014. Sự việc đã kéo theo hàng loạt hệ lụy, nhất là khi bán đảo Crimea quyết định trở về lãnh thổ Ngô, quan hệ Nga – Phương Tây trở nên xấu nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đồng hành cùng mối quan hệ chính trị căng thẳng đó là sự suy giảm đáng kể chỉ số thương mại song phương. Các nước châu Âu tiến hành các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Nga khiến kim ngạch thương mại song phương chạm đáy vào năm 2016, chỉ đạt 183 tỉ EUR, giảm tới 43% so với năm 2012. Quan hệ kinh tế Nga – EU bắt đầu phục hồi từ năm 2017 cho đến nay. Thương mại hai chiều đạt 231 tỉ EUR năm 2019 nhưng để có thể trở lại giai đoạn nồng ấm trước đây, Nga và EU sẽ còn rất nhiều điều phải làm, đặc biệt là cải thiện lòng tin chính trị đối với nhau.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các biện pháp cấm vận của phương tây làm thay đổi hoàn toàn bản chất quan hệ Nga-EU. Căng thẳng Đông Tây rõ ràng đã tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế của cả hai phía, biên độ suy giảm thương mại tuy không phải con số nhỏ, nhưng là chưa đủ để tạo ra một sự sụp đổ. Về cơ bản, một cuộc đối đầu triệt để sẽ như con dao hai lưỡi, gây tổn thương nghiêm trọng đối với cả hai. Dù theo trường phái đối ngoại nào đi nữa thì cả Nga và EU sẽ không đi theo một cuộc chơi mà hai bên cùng thua. Và thực tế, mặc dù vẫn cấm vận nhau, nhưng cả hai đều tìm cách lách quá khe cửa căng thẳng. Nhưng mặt hàng giao thương quan trọng hàng đầu nghiễm nhiên nằm ngoài cuộc chơi cấm vận. Điều đó đảm bảo cho việc duy trì mối quan hệ căng thẳng về bề ngoài, nhưng bản chất vẫn được duy trì ổn định.

Hiện nay Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU-27. Ngược lại, EU-27 là thị trường giao thương lớn nhất của Nga. Cụ thể, vào năm 2019 lượng xuất khẩu của Nga vào thị trường EU-27 chiếm tới 53,5% tỉ trọng xuất khẩu của họ. Con số này ở thị trường Trung Quốc chỉ đạt tỉ trọng 13,4%. Thị trường EU đang mang lại thặng dư thương mại cho Nga lên tới 55,6 tỉ EUR. Rõ ràng, chiếu theo các con số dài hạn, châu Âu vẫn là thị trường chiến lược quan trọng nhất đối với Nga.

Sự phụ thuộc của EU vào dầu khí Nga: vấn đề chưa có lời giải

          Tạm gác lại các mặt hàng giao dịch khác, các lệnh cấm vận của châu Âu đối với Nga gần như miễn nhiễm với quá trình giao thương dầu khí song phương. Nguồn năng lượng vốn là một lá bài ngoại giao quan trọng của Nga, nhưng điều gì đã khiến châu Âu không thể cấm vận nó?

Lục địa già cơ bản đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng nóng từ thế kỉ XX do nhiều hạn chế về tài nguyên, thị trường và con người. Để duy trì được quá trình phát triển như hiện nay, năng lượng là một trong những vấn đề then chốt, trở thành yếu điểm của EU trong quan hệ với Nga. Liên minh châu Âu vốn là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn hàng đầu của thế giới, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Trong khi đó, nguồn cung hiệu quả nhất của họ vẫn là Nga. Châu Âu có thể tìm kiếm các nguồn cung khác hay không? Tất nhiên là có: Bắc Mỹ và Trung Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi đều là những nguồn cung cấp lớn. Nhưng hoàn toàn không thể cạnh tranh được với Nga về mặt kinh tế thậm chí là ở góc độ chính trị. Con đường dầu khí từ Nga chảy vào châu Âu có sự ổn định hơn rất nhiều so với vòng cung Bắc Phi - Trung Đông. Chỉ riêng hệ tập đoàn Gazprom đã thiết lập một mạng lưới đường ống dẫn dày đặc khắp châu Âu.

          Khủng hoảng Ukraina vốn có liên quan trực tiếp đến sự phụ thuộc dầu khí của châu Âu vào Nga. Trước năm 2014, việc cung cấp dầu khí từ Nga vào châu Âu được vận chuyển chủ yếu qua trung gian Ukraina. Tham vọng của Mỹ và NATO rất rõ ràng, họ muốn chấm dứt kỉ nguyên phụ thuộc của các nước EU vào Nga. Liên minh châu Âu vẫn hoàn toàn bị động trong việc tìm kiếm sự thay thế, điều đó khiến họ khó có thể ngăn cản dự án "Dòng chảy phương Bắc 1 và 2" và "Dòng chảy phương Nam" (Dòng chảy phương Nam sau đó được thay bởi "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ") của Nga để thay thế con đường trung gian qua Ukraina. Bên cạnh việc triển khai các tuyến đường dầu khí mới, Nga còn tăng cường vai trò kiểm soát của mình tại khu vực Trung Đông khi cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kì, bảo vệ được Syria và gia tăng ảnh hưởng tại các quốc gia lân cận. Nga đã chứng tỏ mình hoàn toàn chủ động trong cuộc đối đầu địa chính trị với phương Tây. Trong thập kỉ qua, tỉ trọng nhập khẩu dầu khí của châu Âu từ Nga cũng như các nguồn cung mà Nga kiểm soát luôn chiếm trên 30%. Thậm chí riêng với khí đốt, chỉ riêng Nga ngày nay đã cung cấp hơn 38% tổng nhu cầu của EU, những con số này liên tục được duy trì bất chấp các căng thẳng chính trị.

          Dầu mỏ và khí đốt vốn không phải nguồn tài nguyên vô hạn, nhiều nghiên cứu cho rằng nó chỉ đáp ứng được nhu cầu của toàn cầu trong nửa thế kỉ tới. Tuy vậy, khi chưa có lối đi nào khả dĩ hơn, châu Âu hiện tại buộc phải đảm bảo được nguồn cung cấp hai loại tài nguyên này. Vấn đề là Nga đang tỏ ra rất chủ động trong cuộc chơi năng lượng, họ không những đã hoàn thành hai con đường dầu khí "né" Ukraina theo những cách bất ngờ cho toàn bộ phương Tây, vừa kiểm soát được con đường vận chuyển năng lượng từ lục địa Á-Phi bằng sự hiện diện trực tiếp của mình tại Trung Cận Đông. Điều đó tác động ngược trở lại giúp dầu khí Nga gần như không có đối thủ cạnh tranh lớn về mọi mặt: từ chất lượng, giá cả cho tới tính ổn định, liên tục cho thị trường EU. Đó là cơ sở vững chắc cho sự phụ thuộc dài hạn của Liên minh châu Âu.

Tương lai quan hệ Nga - EU

          Tương lai quan hệ Nga - EU vẫn là một bộ phận nằm trong tổng thể quan hệ Nga - Phương Tây. Do đó thăng trầm trong quan hệ Nga - EU sẽ phụ thuộc rất lớn vào chuyển biến trong cuộc đối đầu Đông Tây. Điều quan trọng nằm ở việc nhận thức cũng như cách tiếp cận của hai bên về nhau sẽ ít có sự thay đổi. Thêm vào đó, trong tương lai gần, chưa có nhiều nhân tố mới xuất hiện tạo ra sự thay đổi bất ngờ, tuy nhiên sẽ dần có sự thay đổi của các nhân tố cũ, tạo ra những thời cơ và thách thức mới cho Nga và EU.

          Đặc biệt, yếu tố Trung Quốc sẽ ngày càng hiện hữu rõ nét hơn, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến quan hệ Đông - Tây. Buộc NATO phải chuyển mình, có những đối sách mới nhằm kiềm chế Trung Quốc. Điều đó có thể khiến quá trình NATO hóa Đông Âu trở nên phức tạp hơn, nhiều toan tính hơn. Không những tác động đến NATO và EU, cách tiếp cận của Trung Quốc ở từng giai đoạn cụ thể có thể khiến Nga mới là phía chủ động điều chỉnh chứ không nhất thiết là EU. Bởi lẽ, tuy quan hệ Nga - Trung Quốc hiện nay tương đối tốt đẹp, nhưng quá khứ đã cho ra bài học kinh nghiệm rằng đây không phải là mối quan hệ bền vững. Bản thân người Trung Quốc cũng có câu nói "một núi không thể có hai hổ", khi Trung Quốc đủ mạnh, việc chung sống hòa thuận tốt đẹp với Nga sẽ phải xem xét lại. Đó cũng là lúc người Trung Quốc sẽ quay lại quan điểm đối ngoại "viễn giao cận công" từng có trong lịch sử của mình. Người Nga tất nhiên hiểu điều đó. Do vậy, cả EU và Nga đều có lí do để duy trì mối quan hệ song phương của mình, có thể có va chạm lợi ích, nhưng sẽ không để nó đổ vỡ.

          Tiếp theo, Brexit có thể là "một tấm gương tiêu cực" cho EU và ở tương lai hoàn toàn có thể có một cuộc chia ly tiếp theo. Khả năng này có thể xảy ra khi "thế giới kinh tế phương Tây" diễn biến xấu đi và cần những biến cố chính trị nhất định nhằm thay đổi tâm lý đầu cơ tài chính. Tuy vậy, những biến cố này chỉ có thể tác động đến quan hệ Nga - EU khi người rời khỏi EU kế tiếp là một trong những quốc gia quan trọng như Đức, Pháp hoặc Ý. Bởi Nga thường coi trọng những đối tác lớn như vậy trong khối EU hơn là phải mất quá nhiều công sức cho toàn bộ thành viên Liên minh châu Âu. Nói như vậy để thấy những nhân tố quen thuộc chắc chắn sẽ có những chuyển biến và hoàn toàn có thể làm quan hệ Nga - EU phải điều chỉnh theo cho phù hợp. Nhưng theo chiều hướng nào thì còn phải xét trên từng giai đoạn cụ thể trong tương lai.

Trên thực tế, các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu đang tỏ ra vô cùng có ích cho việc phát triển các quan hệ song phương của thành viên. Bản thân Nga và EU cũng rất tích cực trong việc tìm kiếm các cơ chế hợp tác mới, không chỉ nhằm mở rộng hợp tác, mở rộng thị trường, các quốc gia, tổ chức còn muốn lôi kéo thêm càng nhiều đối tác về phía mình càng tốt. Có thể nói đến kênh hợp tác đa phương như Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu nơi mà cả Nga và Liên minh châu Âu đều là thành viên. Các cơ chế đối ngoại song phương và đa phương sẽ giúp tạo điều kiện cho hai phía tăng cường đối thoại, có thêm nhiều kinh nghiệm tham khảo từ các quốc gia, tổ chức khu vực bên ngoài từ đó áp dụng vào thực tiễn quan hệ Nga - EU.

Dù sao, là láng giềng lớn nhất của nhau, sự phụ thuộc vào nhau trên nhiều lĩnh vực tương ứng với từng giai đoạn lịch sử cụ thể là điều hoàn toàn bình thường. Trên hết, đó là việc tập trung mọi điều kiện thuận lợi để vươn lên, tránh tụt hậu so với các đại cường mới của thế giới và từng bước giảm đi sự lệ thuộc ý chí chính trị từ bên ngoài. Những khó khăn của thời cuộc hoàn toàn có thể thúc đẩy quá trình "bình thường mới" trong quan hệ Nga - EU, bất chấp việc điều này khó có thể bền vững. Trong trường hợp, một trật tự thế giới mới mà ở đó Mỹ - Trung - Nga thiết lập một bộ khung "tam đại cường" làm cơ sở cho hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu, thì EU sẽ trở thành một khối đứng giữa và sẽ càng làm họ khó có thể lựa chọn việc ngả hẳn về bên nào. Do đó, dù đi theo con đường nào, quan hệ Nga - EU trong tương lai vẫn sẽ duy trì "biên độ dao động ổn định", gần xa luân chuyển./.

Hoàng Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử