Quan
hệ Philippines - Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nắm quyền đang
dần ấm lên, mở ra một cơ hội mới cho việc hiện thực hóa ý tưởng khai thác chung
trên Biển Đông. Sáng kiến này vốn đã xuất hiện từ năm 1986, song với những vấn
đề phức tạp của tình hình khu vực, quốc tế, cũng như những mâu thuẫn trong quan
hệ giữa hai nước mà cho đến nay ý tưởng này hiện vẫn chỉ là ý tưởng. Tuy nhiên,
những năm gần đây, tình hình quan hệ hai nước đang có những tiến triển tích cực,
đặc biệt ngày 14/2/2018, Philippines và Trung Quốc đã đồng ý lập ra một cơ quan
đặc biệt nhằm nghiên cứu vấn đề gác lại vấn đề tranh chấp chủ quyền, hợp tác
khai thác dầu khí chung tại các khu vực Biển Đông mà hai nước đều có tuyên bố
chủ quyền. Từ đây, ý tưởng khai thác chung trên biển Đông giữa hai nước đang đứng
trước cơ hội lớn có thể được hiện thực hóa.
Tuy
nhiên, sau đó không lâu, ngày 21/3/2018, hai nước này lại có một tuyên bố mới rằng:
“sẽ thận trọng tiến hành công tác thảo luận về các hoạt động hợp tác khai thác
dầu mỏ và khí tại biển Hoa Nam (biển Đông)”. Việc hai bên phải “thận trọng” rõ
ràng đang phản ánh một thực tế rằng: việc hiện thực hóa ý tưởng khai thác chung
dù sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía, nhưng nó cũng đang gặp phải nhiều
thách thức lớn. Có thể điểm qua những vấn đề cơ bản sau đây:
Những thách thức bên trong:
Thứ
nhất, sự thay đổi lập trường chính trị của Philippines dưới thời Tổng thống
Rodrigo Duterte so với nhiệm kì của cựu Tổng thống Benigno Aquino đặt ra một dấu
hỏi lớn về sự ổn định trong quan hệ hai nước. Liệu đó là thiện chí chiến lược
lâu dài của nước này đối với Trung Quốc, hay chỉ là ý chí chính trị nhất thời của
nhiệm kì ông Rodrigo Duterte? Liệu sau ông Duterte, Philippines có một lần nữa
thay đổi 180 độ từ hợp tác quay sang đấu tranh với Trung Quốc? Đây sẽ là những
nghi vấn không thể không nghĩ đến đối với Trung Quốc.
Thứ
hai, sự chênh lệch rất rõ nét về tiềm lực khoa học, kĩ thuật của Trung Quốc so
với Philippines sẽ kéo theo việc khó có thể phân chia lợi ích một cách thỏa mãn
cho cả hai nước này. Trung Quốc ngày nay đã và đang ngày càng hiện đại hóa. Họ
có trong tay những công nghệ, kĩ thuật khai thác cực kì hiện đại vượt trội hoàn
toàn, trong khi thực tế khả năng khai thác của Philippines là rất hạn chế và
nghiễm nhiên sẽ khó có thể lấy về nhiều nguồn lợi như mong muốn. Tuy vậy, nếu
không chấp nhận hợp tác thì một thực tế rõ ràng đó là Philippines cũng sẽ không
có được gì hết, mà trong tương lai gần, nước này sẽ càng lâm vào tình trạng thiếu
hụt năng lượng, do lượng khí đốt tự nhiên nội địa tại khu vực ngoài khơi
Malampaya được dự báo sẽ cạn kiệt vào năm 2024.
Thứ
ba, Trung Quốc hiện nay không hề giấu giếm tham vọng trở thành siêu cường toàn
diện, trong đó việc trở thành một siêu cường đại dương là một trong những chiến
lược tất yếu của nước này. Như vậy, nếu có thể hiện thực hóa ý tưởng khai thác
chung trên biển Đông với Philippines, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều lợi ích khác
chứ không chỉ là vấn đề về kinh tế, thậm chí lợi ích về kinh tế trong khuôn khổ
hợp tác với Philippines chỉ là thứ yếu. Bản thân Philippines chắc chắn sẽ phải
chịu rất nhiều áp lực không chỉ từ trong nước mà còn từ bên ngoài.
Thứ
tư, việc hiện thực hóa ý tưởng hợp tác khai thác chung trên biển Đông giữa
Philippines với Trung Quốc sẽ là vi hiến đối với đảo quốc của Đông Nam Á. Căn cứ
theo Hiến pháp của Philippines, để có thể triển khai việc khai thác chung trên
biển Đông, Trung Quốc phải thừa nhận chủ quyền của Philippines tại vùng biển
này, trong khi trên thực tế điều đó gần như là viễn tưởng.
Thách thức từ bên ngoài:
Việc
triển khai hợp tác khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc nếu được hiện
thực hóa sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của nhiều nước liên quan
như: Việt Nam, Malaysia, Brunei… trong đó đặc biệt là Việt Nam. Nếu kế hoạch đó
được thực hiện, sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại biển Đông, trên những
khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là tất yếu. Và dĩ nhiên, kế hoạch trên sẽ
gây ảnh hưởng không tốt tới quan hệ Việt Nam - Philippines, Việt Nam - Trung Quốc.
Mở rộng hơn, nó có thể làm mất cân bằng quyền lực tại khu vực, gây rạn nứt sự
đoàn kết trong cộng đồng ASEAN.
Ngoài
ra, trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại, việc quan hệ Philippines - Trung
Quốc ấm lên và đi vào thực chất có nguy cơ làm xáo trộn cục diện chính trị, ngoại
giao ở khu vực. Philippines vốn là đồng minh của Mỹ, nhưng dưới sự nắm quyền của
Tổng thống Duterte, Philippines đang thiếu đi sự ổn định trong quan điểm ngoại
giao. Không ít lần, Tổng thống Duterte có những phát ngôn gây mất lòng, thậm
chí là chỉ trích đồng minh của mình. Cùng với đó là thay đổi thái độ với Trung
Quốc, tỏ ý muốn xích lại gần hơn với Nga. Có thể, nhiều người lạc quan nhất sẽ
nghĩ về một trật tự thế giới mới sớm được định hình với tam giác quan hệ Mỹ -
Trung - Nga làm trung tâm, cán cân quyền lực sẽ thay đổi khi Mỹ mất đi vị thế số
1. Việc Philippines muốn “đi tắt đón đầu”, hướng về Nga - Trung là điều dễ hiểu.
Nhưng những hành động này rõ ràng không làm hài lòng đồng minh phía bên kia đại
dương. Nếu không phải một tay đu dây tốt trong chiến lược ngoại giao đa phương,
Philippines có thể sẽ phải trả một cái giá không hề nhỏ.
Tùy
vào những biến đổi về tình hình khu vực cũng như thế giới trong những năm tới,
những thách thức mới có thể nảy sinh trong vấn đề triển khai ý tưởng khai thác
chung tại biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Xu hướng tiến triển trong những năm tới
Với
nhiều thách thức khó có thể giải quyết, không dễ để khẳng định tương lai của ý
tưởng khai thác chung tại biển Đông của Philippines và Trung Quốc sẽ đi tới
đâu. Song người Việt Nam có câu: “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, quan điểm
này Philippines hoàn toàn có thể tham khảo trong thời gian tới, nhất là khi
Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ chứ không còn “giấu mình chờ thời” như chiến
lược đã đề ra trước đây. Cụ thể, trong tương lai gần, có thể đưa ra một vài nhận
định mang tính chất tham khảo:
Ý
tưởng khai thác chung tại biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ chịu sức
ép rất lớn từ các bên có lợi ích tại biển Đông, đặc biệt là Mỹ và các nước Đông
Nam Á trong đó có Việt Nam. Do đó, việc ấn định thời gian thực hiện ý tưởng này
sẽ còn phải chờ đợi những nỗ lực từ hai phía Trung Quốc và Philippines. Đặc biệt,
đối với Philippines là một nước nhỏ sẽ gặp nhiều sóng gió trong quan hệ với cặp
đôi siêu quyền lực là Mỹ và Trung Quốc.
Trong
tương lai không xa, với việc Trung Quốc đang tiến nhanh, tiến mạnh, cán cân quyền
lực ở khu vực đang dần nghiêng về nước này, sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến
trình thực hiện ý tưởng khai thác chung. Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc càng mạnh,
thì lợi ích mà nước này muốn có được trong vấn đề hợp tác với Philippines sẽ
càng lớn hơn. Hơn nữa, không loại trừ khả năng, vấn đề hợp tác khai thác sẽ phụ
thuộc vào những thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ nhiều hơn là những đàm phán giữa
Trung Quốc và Philippines. Khi đó, Philippines cần phải có những chiến lược ngoại
giao đủ khôn khéo để không chịu quá nhiều thiệt thòi.
Hoàng
Hải, Cử nhân Khoa học Lịch sử